Xuất khẩu cà phê sang thị trường Anh: Tận dụng cơ hội từ UKVFTAXuất khẩu cá tra sang thị trường Anh: Tận dụng cơ hội từ UKVFTAXuất khẩu gạo sang thị trường Anh: Cơ hội rộng mở nhờ Hiệp định UKVFTA |
Hiệp định UKVFTA đã có hiệu lực đầy đủ, giúp nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng lợi từ miễn trừ thuế quan, tạo điều kiện thâm nhập sâu vào thị trường Anh. Tuy nhiên, trước mắt còn rất nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nhiều bất ổn.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều Việt Nam - Anh đạt gần 3 tỷ 286 triệu USD, giảm 0,2% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Việt Nam thặng dư thương mại 2 tỷ 541 triệu USD. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Anh đạt 2 tỷ 913 triệu USD, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều mặt hàng của Việt Nam hưởng lợi nhờ Hiệp định UKVFTA |
Còn theo Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh và Ireland, hiện đa số các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh tăng trưởng, dẫn đầu tốc độ tăng lần lượt là: Cà phê 139%; dây điện và dây cáp điện 99%; đá quý 81,7%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 39,3%; hàng dệt, may 39%; bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc 31%; hạt tiêu 26,8%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày 24%; đồ chơi, dụng cụ thể thao 22,4%; hạt điều 15,6%; rau quả 10,3%.
Nhập khẩu từ Anh về Việt Nam 6 tháng đầu năm đạt 372,5 triệu USD, giảm 9,9% so cùng kỳ năm 2021. Các mặt hàng chiếm tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu lớn gồm: Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng (22,5%); dược phẩm (11,5%); sản phẩm hóa chất (8,4%); ôtô nguyên chiếc các loại (4,8%); nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày (4,5%). Gần đây, nhập khẩu sắt thép các loại từ Anh tăng đột biến 527% với tổng trị giá 1,3 triệu USD, chiếm 0,36% trong tổng kim ngạch nhập khẩu từ Anh.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh và Ireland, trong hai năm gần đây, Vương Quốc Anh trong tình trạng thiếu ổn định và khan hiếm nguồn cung do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Brexit và cấm vận trừng phạt kinh tế với Nga. Theo đó, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thể tận dụng cơ hội khan hiếm nguồn cung ứng ở Anh để tăng cường xuất khẩu các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông, thủy sản, thực phẩm, đồ gỗ, dệt may.
Đặc biệt, khi Hiệp định UKVFTA đã có hiệu lực đầy đủ khiến nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng lợi từ miễn trừ thuế quan. Một số mặt hàng được hưởng lợi từ UKVFTA sẽ có tiềm năng khả quan như: Ngành nông - thủy sản, ngay khi hiệp định có hiệu lực, thuế nhập khẩu hầu hết các loại tôm nguyên liệu vào Anh giảm từ 10 - 20% xuống 0%; ngành gỗ, trong đó có nhiều mặt hàng gỗ sẽ có thuế suất 0% trong vòng 5 năm tới; các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp cũng có cơ hội tiếp cận để tham gia chuỗi cung ứng…
Tuy nhiên, sẽ có không ít thách thức, bởi hoạt động thương mại thế giới nhìn chung bị ảnh hưởng khi giá nhiên liệu tăng, đẩy cước vận tải đường biển và hàng không tăng. Kinh tế Anh vừa hồi phục tăng trưởng trở lại, nay lại phải đối mặt với những khó khăn, thách thức mới về giá hàng hóa, nhiên liệu tăng cao và được dự báo tăng trưởng chậm lại. Lạm phát cao nhất 40 năm khiến doanh nghiệp và người dân Anh hạn chế chi tiêu so với năm 2021 cũng là mối lo ngại đối với việc tăng cường xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Cảnh Cường - Tham tán thương mại tại Anh và Ireland, tuy thị trường Anh khan hiếm nguồn cung nhưng yêu cầu chất lượng cao, giá thành thấp, đây cũng là một rào cản mà các doanh nghiệp Việt Nam cần vượt qua. Đặc biệt, với quyết tâm gia nhập Hiệp định CPTPP, Anh sẽ mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm của 11 nước thành viên tham gia hiệp định này. Khi đó, nhiều sản phẩm của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với các đối thủ mạnh đến từ các nước CPTPP.
Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh và Ireland khuyến nghị, xu hướng thị trường Anh hiện nay ưa thích các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường, chống biến đổi khí hậu, giàu giá trị nhân văn. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý vấn đề này. |
Hoa Quỳnh
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|