Phát triển hạ tầng thương mại cân bằng giữa các vùng miền
Dù chưa có con số thống kê chính thức từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính) nhưng theo tính toán sơ bộ, quý I/2025, tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 9,4% so với cùng kỳ. Hiện, nhiều địa phương cũng đã công bố con số tổng mức bán lẻ quý I. Trong đó, ước tính quý I/2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng Hà Nội đạt 226,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước.
![]() |
Người tiêu dùng Thủ đô mua sắm hàng hóa tại siêu thị GO! Thăng Long (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Hạnh |
Còn tại Nam Định, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý I đạt 21.510 tỷ đồng, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý I có quy mô và tốc độ tăng so cùng kỳ năm trước (cao nhất trong giai đoạn 2021 – 2025).
Phép cộng đạt được của các địa phương sẽ góp phần vào kết quả chung của bức tranh tăng trưởng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Trong bối cảnh năm 2025 tình hình chính trị và kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa trong và ngoài nước. Do đó, mặc dù đã đạt được một số kết quả tích cực bước đầu, nhưng so với mục tiêu Chính phủ giao tăng trưởng GDP năm 2025 trên 8%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng phấn đấu đạt 12%, đòi hỏi phải có những giải pháp đột phá và sự cố gắng nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Tuấn - Giám đốc vận hành chuỗi WinMart – thông tin, Việt Nam có khoảng 65% là khu vực nông thôn và còn lại là thành thị. Khu vực này sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp bán lẻ. Tăng trưởng 12% cũng là một con số thách thức. Nhưng nếu có giải pháp thúc đẩy bán lẻ nông thôn thì vẫn có khả năng đạt được. Đây cũng là định hướng của hệ thống siêu thị để có thể vừa đạt được mức tăng trưởng, đồng thời chiếm được miếng bánh thị phần bán lẻ Việt Nam.
Ông Nguyễn Trọng Tuấn cũng đề xuất các chính sách hỗ trợ như miễn/giảm thuế giá trị gia tăng cho việc thuê đất, miễn thuế tiền điện để khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sang khu vực nông thôn.
Bà Phạm Thị Thùy Linh - Giám đốc Đối ngoại Central Retail Việt Nam đề xuất Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam có thể tổ chức các hội nghị, chương trình kết nối giữa các đơn vị bán lẻ, các hiệp hội, đối tác có mặt bằng bán lẻ và các cơ quan quản lý nhà nước để phát triển hạ tầng thương mại. Bên cạnh đó, hỗ trợ các doanh nghiệp bán lẻ trong việc tiếp cận và mở rộng thị trường thông qua các kênh phân phối trực tuyến. Đồng thời, đề xuất cơ quan quản lý địa phương (như các Sở Công Thương) hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc mua sắm tại chỗ.
Bà Trần Thị Phương Lan – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam – cho hay, Hiệp hội ghi nhận ý kiến của các doanh nghiệp bán lẻ đề xuất giải pháp liên quan đến phát triển hạ tầng thương mại, nhất là các vùng nông thôn để đảm bảo cân đối vùng miền và các địa điểm trung tâm của các tỉnh, thành phố khi có sắp xếp lại địa giới hành chính.
Bên cạnh đó, đề xuất chính sách phát triển logictics; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực phân phối bán lẻ để tiếp tục thúc đẩy tiêu dùng, tăng tổng mức bán lẻ; tăng cường tổ chức các sự kiện kích cầu tiêu dùng với các địa phương theo các chương trình thiết thực, cụ thể để tăng niềm tin của người tiêu dùng, kích thích tiêu dùng, nhất là đối với các mặt hàng sức mua giảm do người dân thắt chặt chi tiêu như hàng may mặc, dệt may, bia, rượu, nước giải khát, điện tử, gia dụng....
Kết nối du lịch với dịch vụ, mở các điểm bán hàng tại các khu du lịch phục vụ khách tham quan mua sắm; chú trọng phát triển các mặt hàng lưu niệm và quảng bá các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP... của các địa phương tới khách du lịch trong và ngoài nước.
Cần sự chung tay của các bên
Thúc đẩy tăng trưởng bán lẻ tại Việt Nam lên 12% trong năm 2025, bà Trần Thị Phương Lan cũng cho rằng, bên cạnh những kiến nghị của doanh nghiệp đối với với cơ quan chức năng, cần sự vào cuộc của chính doanh nghiệp bán lẻ. Bởi theo bà, chúng ta yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước phải tiết giảm 30% thủ tục hành chính, tuy nhiên các doanh nghiệp bán lẻ chưa thực hiện được điều này, đặc biệt trong khâu thu mua sản phẩm đầu vào. Thời gian thanh toán cho các nhà cung cấp kéo dài từ 30 - 60 ngày, gây khó khăn cho các doanh nghiệp mới khởi nghiệp, doanh thu nhỏ vốn ít mới giúp tăng trưởng bán lẻ.
Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, thực hiện Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 4/4/2025 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng năm 2025, Hiệp hội đề nghị của doanh nghiệp phân phối và bán lẻ Việt Nam phối hợp với Hiệp hội trong việc kết nối với các cơ quan chức năng, các Hiệp hội khác trong việc phát triển nguồn hàng, tăng tính cạnh tranh, kích cầu tiêu dùng, tăng chỉ số niềm tin của người tiêu dùng... Đồng thời, nắm sát tình hình diễn biến thị trường để báo cáo cơ quan có thẩm quyền và chủ động triển khai các giải pháp tại doanh nghiệp để đảm bảo cung cầu, kiềm chế lạm phát.
Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với Chi Cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các lực lượng chức năng nhằm chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng giá rẻ ngoại nhập không rõ nguồn gốc, xuất xứ... trong thương mại điện tử và thương mại truyền thống để hỗ trợ sản xuất trong nước, bảo vệ thị trường trong nước, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Thế Hiệp - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để đạt được mục tiêu tăng trưởng về tổng mức bán lẻ trên địa bàn thành phố, Sở sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp bán lẻ trong việc phát triển hạ tầng thương mại, thu hút đầu tư, ứng dụng thương mại điện tử, nâng cao đội ngũ nhân lực quản lý nhân sự, đẩy mạnh liên kết giữa thị trường Hà Nội và các địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống bán lẻ hiện đại; phát triển mô hình tiêu dùng xanh, phát triển bền vững.
Tại Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 4/4/2025, Bộ Công Thương đã giao chỉ tiêu tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2025 cho từng địa phương. |