Thực hiện mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công: Cần sự quyết liệt đồng bộ

(Banker.vn) Thực hiện mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công, các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm, quyết liệt xông lên theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Phấn đấu giải ngân đầu tư công ít nhất 95% kế hoạch được giao năm 2023 TP. Hồ Chí Minh "chạy đua" giải ngân vốn đầu tư công Hoàn thiện thể chế, chính sách để khơi thông dòng vốn đầu tư công

Mặc dù giải ngân vốn đầu tư công thường có xu hướng tăng mạnh vào dịp cuối năm, song theo các chuyên gia, thời gian còn lại của năm ngân sách 2023 là rất ít ỏi, vỏn vẹn hơn một tháng, trong khi nguồn vốn chưa giải ngân còn rất nhiều. Ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ đầu tư, Bộ Tài chính đã có cuộc trao đổi với Báo Công Thương về một số giải pháp thúc đẩy công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Việc giải ngân vốn đầu tư công đóng vai trò vô cùng quan trọng với nền kinh tế. Được biết, nguồn vốn đầu tư công năm 2023 là hơn 700 nghìn tỷ đồng (bao gồm, vốn ngân sách trung ương trên 363.763 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 343.281 tỷ đồng). Trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm hơn lúc xây dựng kế hoạch khiến việc giải ngân vốn đầu tư công dù đã tăng trong 1-2 tháng trở lại đây, nhưng dự báo sẽ không đạt kỳ vọng. Vậy ông có thể thông tin cụ thể hơn về việc giải ngân đến thời điểm này và lĩnh vực, địa phương nào đang có mức độ giải ngân chậm?

Tổng vốn đầu tư công năm 2023 rất lớn, trên 700 nghìn tỷ đồng, nếu tính cả phần ngân sách địa phương giao tăng thì tổng vốn là gần 800 nghìn tỷ đồng. Theo thống kê của Bộ Tài chính, đến hết tháng 11, dự kiến giải ngân trên tổng vốn là 59%, nếu tính trên tổng vốn Thủ tướng chính phủ giao thì đạt 65%. So với cùng kỳ năm 2022, kết quả giải ngân vốn đầu tư công đạt tương đối tốt. Đó cũng là nỗ lực rất lớn của Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương.

Thực hiện mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công: Cần sự quyết liệt đồng bộ
Ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ đầu tư, Bộ Tài chính

Dù tiến độ giải ngân vốn đầu tư công so với năm 2022 đã tốt hơn, tuy nhiên quy mô nguồn vốn rất lớn, do đó với thời gian chỉ còn khoảng 1 tháng để hoàn thành mục tiêu năm 2023, áp lực là rất lớn.

Bên cạnh một số bộ, ngành giải ngân rất tốt như: Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước… vẫn còn 15 bộ, ngành, địa phương mới giải ngân dưới 15% và 2 địa phương dưới 35%.

Mới đây, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị Ban chỉ đạo các công trình, dự án trọng điểm quốc gia và Hội nghị Thường trực Chính phủ với các bộ, cơ quan, địa phương đôn đốc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Thông qua đó, chúng ta đã nhận định một số phương diện cần phải đi sâu.

Trước hết là giải quyết vướng mắc về cơ chế, chính sách. Một dự án đầu tư gồm 3 giai đoạn: chuẩn bị dự án, thực hiện dự án, kết thúc dự án. Hiện nay cơ chế, chính sách còn những điểm chưa khơi thông, dẫn đến khâu chuẩn bị dự án và thực hiện dự án gặp khó. Ví dụ, khâu chuẩn bị dự án liên quan đến nguồn vốn, quy hoạch, trong khi đó Luật Quy hoạch đã có từ rất lâu và nhiều điểm cần làm mới. Hiện nay chúng ta đang rà soát lại toàn bộ cơ chế chính sách để hướng đến đồng bộ hóa.

Mặt khác, chúng tôi nhận thấy mặc dù cơ chế, chính sách còn tồn tại vướng mắc nhưng nếu các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt thì vẫn tổ chức thực hiện và đạt được hiệu quả nhất định. Có thể nhìn vào trường hợp tiêu biểu là ngành giao thông vận tải, tình hình giải ngân đến nay rất tốt. Các dự án đường cao tốc, hệ thống giao thông tại các địa phương đã và đang cho thấy kết quả tích cực. Lý do là các dự án có khâu tư vấn và chuẩn bị tốt, tiếp đó là tổ chức thi công tốt, đây là cách để giải ngân hiệu quả.

Có thể nhận thấy việc giải ngân vốn đầu tư công ảnh hưởng bởi một số yếu tố khách quan, tuy nhiên tại một số cuộc họp của Chính phủ hay trên diễn đàn Quốc hội mới đây có nhiều ý kiến cho rằng, năng lực của đội ngũ cán bộ còn hạn chế, có tình trạng né tránh, sợ trách nhiệm, đây được coi là nguyên nhân khiến công tác giải ngân vốn đầu tư công không được như kỳ vọng. Ông nhận định ra sao về vấn đề này?

Có thể khái quát nhóm nguyên nhân chính ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công: Cơ chế, chính sách; tổ chức thực hiện và vướng mắc về yếu tố khách quan khác (thị trường, nguyên vật liệu…).

Hiện nay, chính sách của chúng ta đang bị xung đột rất nhiều, đó là yếu tố khiến người tổ chức thực hiện còn rất lúng túng. Ví dụ hiện nay quy định của Luật Đầu tư công còn một số vấn đề chưa giải quyết được. Gần đây, liên quan đến việc bố trí vốn chuẩn bị đầu tư, quy định chưa rõ ràng khiến các địa phương gặp khó trong việc thực hiện, Thủ tướng phải giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn mới giải quyết được. Hoặc khi Quốc hội cho cơ chế điều hòa linh hoạt giữa vốn phục hồi sang vốn đầu tư công, quy định cũng chưa rõ ràng, các bộ, ngành lúng túng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phải có hướng dẫn cụ thể mới thực hiện được… Trong những trường hợp như vậy, không ai dám làm vì chưa rõ quy định, chính sách.

Thực hiện mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công: Cần sự quyết liệt đồng bộ
Thực hiện mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công cần sự quyết liệt đồng bộ

Bên cạnh đó, cũng tồn tại tâm lý sợ trách nhiệm, tính an toàn. Vừa rồi Thủ tướng cũng ban hành một nghị định khuyến khích, bảo vệ những người dám nghĩ dám làm, đó là một giải pháp thúc đẩy đầu tư công.

Thực hiện mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm, quyết liệt xông lên theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Mong rằng tất cả các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương cùng phấn đấu, đồng hành cùng nhau; trường hợp vướng mắc ở đâu thì báo cáo các cấp thẩm quyền để đưa ra những giải pháp trước mắt.

Tuy vậy, về lâu dài chúng ta vẫn cần có sự rà soát tổng thể các quy định, chính sách để triển khai rõ ràng, mạch lạc hơn. Trong giai đoạn này, luật chưa bắt kịp với tốc độ của sự phát triển cho nên đâu đó có những điều chưa rõ ràng. Đối với vấn đề này, Chính phủ, Quốc hội đều đang rất quyết liệt đưa ra định hướng, giải pháp để tháo gỡ một cách triệt để.

Để đạt được mục tiêu Chính phủ đề ra trong năm nay, việc giải ngân vốn đầu tư công phải đảm bảo đúng thời gian, tránh tình trạng ngâm vốn, vậy theo ông đâu là giải pháp để Việt Nam thực hiện được mục tiêu này?

Đây là một vấn đề rất khó, bởi ở thời điểm hiện nay còn rất ít thời gian để bàn đến chính sách mà chỉ bàn về tổ chức thực hiện. Theo tôi nên tập trung vào một số giải pháp trọng tâm như sau:

Thứ nhất, các bộ ngành, địa phương tập trung tháo gỡ mặt bằng thi công. Nếu còn vướng mắc phải tổ chức liên ngành để giải quyết, tổ chức bồi thường một cách nhanh nhất để tạo mặt bằng cho đơn vị thi công.

Thứ hai, các đơn vị thi công phải tăng ca, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, như Thủ tướng đã nói, 3 ca 4 kíp là phải làm. Chúng ta phải tiến lên vì mục tiêu mà Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra, cố gắng đạt 95% theo Chỉ thị 08 của Thủ tướng.

Chỉ còn 1 tháng nữa để thực hiện mục tiêu, hàng tuần các địa phương cần có báo cáo cụ thể, vướng mắc ở điểm nào, các chủ đầu tư phải thực sự tập trung cho việc này, khó khăn ở đâu thì phải họp để đôn đốc, tháo gỡ.

Phải xác định đây là nhiệm vụ lớn, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, từ chính quyền các địa phương đến các nhà thầu, như vậy chúng ta mới đảm bảo được chỉ tiêu Chính phủ giao.

Tôi tin rằng, với sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ các nút thắt, kỳ vọng công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 sẽ đảm bảo được mục tiêu đề ra, tạo tiền đề cho nhiệm vụ năm 2024.

Xin cảm ơn ông!

Ngân Thương (thực hiện)

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục