Thúc đẩy liên kết vùng để phát triển ngành Công Thương khu vực miền Trung – Tây Nguyên

(Banker.vn) Ngày 27/10, tại TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông đã diễn ra Hội nghị ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên lần thứ IX - năm 2023.
Khai mạc Hội nghị ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên lần thứ IX năm 2023 Tổ chức chuỗi sự kiện tại Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên năm 2023

Hội nghị có sự tham dự của gần 500 đại biểu, đại diện cho 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận kinh nghiệm nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có liên quan trong công tác quản lý nhà nước của các sở, ngành ở địa phương, từ đó đề ra giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, liên kết, hỗ trợ, hợp tác trong phát triển ngành Công Thương mỗi tỉnh, thành phố và toàn khu vực.

Thúc đẩy liên kết vùng để phát triển ngành Công Thương khu vực miền Trung – Tây Nguyên
Hội nghị ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên lần thứ IX - năm 2023

Nhiều phương án, giải pháp

Là địa phương có nhiều khu công nghiệp, ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam cho biết, công tác phát triển khu công nghiệp được quan tâm chỉ đạo, tích cực triển khai nhiều giải pháp như: Xây dựng đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế mở Chu Lai; đề xuất xây dựng Khu công nghiệp theo mô hình khu công nghiệp sinh thái…

Về cụm công nghiệp, ông Dự cho hay, trong thời gian qua tỉnh Quảng Nam đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều cơ chế, chính sách về cụm công nghiệp; ban hành Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp và Quy định hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, Quy chế quản lý cụm công nghiệp.

Về phát triển hạ tầng giao thông đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp, tỉnh đã chỉ đạo, đề xuất nội dung về quy hoạch, kế hoạch và xúc tiến đầu tư phát triển công trình đường bộ, phát triển kết cấu hạ tầng logistics, nhất là các tuyến giao thông trọng điểm kết nối các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cửa khẩu Quốc tế…

Trong khi đó, ông Ngô Văn Tổng – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định - thông tin, tỉnh đã nhận dạng các phương án chiến lược cho phát triển xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bình Định trong thời gian tới. Theo đó, phát triển thương mại theo hướng hiện đại dựa trên các cơ cấu ngành hợp lý với sự tham gia của các thành phần kinh tế. Trên cơ sở đó, nâng cao vai trò của ngành thương mại trong việc gia tăng giá trị đóng góp vào GRDP của tỉnh; thu hút lao động xã hội, tạo việc làm mới; kết nối sản xuất và tiêu dùng, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Đối với hoạt động xuất nhập khẩu, ông Ngô Văn Tổng chia sẻ, tỉnh đang đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, tăng sản phẩm chế biến, chế tạo, sản phẩm có hàm lượng công nghệ, giảm dần tỷ trọng hàng thô, sơ chế. Các mặt hàng xuất khẩu cần được nâng cao khả năng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, môi trường, quy tắc xuất xứ trong các Hiệp định FTA thế hệ mới, chủ động thích ứng và vượt qua các rào cản thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại, chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ ngày càng nghiêm ngặt của các thị trường nhập khẩu để đẩy mạnh xuất khẩu, thâm nhập sâu vào các chuỗi cung ứng và kênh phân phối ở nước ngoài.

Thúc đẩy liên kết vùng để phát triển ngành Công Thương khu vực miền Trung – Tây Nguyên

Ông Lê Văn Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông phát biểu tại hội nghị

Tại tỉnh Đắk Nông, ông Lê Văn Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, là cửa ngõ, đầu mối giao thương giữa các tỉnh vùng Tây Nguyên với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tỉnh có tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch nghỉ dưỡng với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông; tiềm năng phát triển công nghiệp alumin với trữ lượng bô xít cao nhất khu vực Đông Nam Á; tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên nền khí hậu và thổ nhưỡng rất thuận lợi. Đặc biệt, tỉnh đang phấn đấu trở thành trung tâm công nghiệp khai thác bô xít và luyện nhôm của cả nước (hiện tỉnh đóng góp khoảng 51% sản lượng alumin của cả nước).

Triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh: Để đạt được mục tiêu kế hoạch năm 2023, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của toàn ngành Công Thương, Bộ Công Thương nhất trí với các giải pháp, nhiệm vụ đã đề ra của các địa phương...

Thúc đẩy liên kết vùng để phát triển ngành Công Thương khu vực miền Trung – Tây Nguyên
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại hội nghị

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng đề nghị các địa phương, đặc biệt là các Sở Công Thương quan tâm triển khai, tập trung đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01 của Chính phủ.

Các địa phương khẩn trương hoàn thiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 trên cơ sở phù hợp với các định hướng phát triển 2 vùng chiến lược đã được Bộ Chính trị thông qua (Tây Nguyên; Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ), bố trí nguồn lực phù hợp để thúc đẩy phát triển công nghiệp và thương mại của địa phương.

Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường tạo các đơn hàng mới để tiêu thụ sản phẩm đầu ra, thúc đẩy sản xuất cho các doanh nghiệp: Hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, nhất là các Hiệp định mới để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua hướng dẫn áp dụng quy tắc xuất xứ, thuận lợi hóa thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi để khai thác các cơ hội từ các Hiệp định.

Thúc đẩy liên kết vùng để phát triển ngành Công Thương khu vực miền Trung – Tây Nguyên
Các tập thể, cá nhân nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương

Mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam thông qua công tác xúc tiến thương mại, công tác Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, phát triển thương mại điện tử; tổ chức kết nối giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, nhất là doanh nghiệp lớn toàn cầu, tham gia vào hệ thống phân phối ở nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân yêu cầu triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực phát triển Công Thương địa phương, xúc tiến thương mại, phòng vệ thương mại, quản lý cạnh tranh, quản lý thị trường và các mặt hoạt động khác, đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và bảo vệ lợi ích người tiêu dùng.

Tăng cường phối hợp với ngành Công Thương địa phương triển khai các chương trình, kế hoạch, cũng như những hỗ trợ thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thị trường trong nước, xúc tiến thương mại, công tác khuyến công,...

Tại hội nghị, Ban tổ chức đã công bố và trao các Quyết định khen thưởng của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong các mặt công tác của ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên giai đoạn 5 năm (2017-2022).

Kết thúc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cùng các đồng chí chủ trì hội nghị đã trao Cờ luân lưu đăng cai tổ chức Hội nghị ngành Công Thương khu vực miền Trung – Tây Nguyên lần thứ X - năm 2024 cho Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị.

Lê Sơn

Theo: Báo Công Thương