Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh phát triển hệ thống lưới điện

(Banker.vn) Nhằm chủ động trong công tác nguồn điện, tỉnh Thừa Thiên Huế cùng ngành điện tập trung phát triển hạ tầng lưới điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Thừa Thiên Huế: Kỷ niệm 15 năm Lăng Cô được vinh danh vịnh đẹp thế giới Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu Thừa Thiên Huế: Carlsberg Việt Nam là “Nhà tài trợ Bạch kim” cho Festival Huế 2024

Phát triển đồng bộ hệ thống lưới điện

Phòng Quản lý điện năng - Sở Công Thương Thừa Thiên Huế cho biết, trên địa bàn hiện có 3 mạch đường dây 500 kV, tổng chiều dài hơn 319km; đường dây 220kV dài 280,49km; đường dây 110kV dài trên 300km; chiều dài đường dây trung áp (22kV, 35kV) trên 2.045km; chiều dài đường dây hạ áp trên 3.150km và 5 trạm biến áp (TBA) trung gian với tổng công suất là 19MVA và 2.451 TBA 22/0,4kV, tổng công suất 735MVA.

Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh phát triển hệ thống lưới điện
Hệ thống sân phân phối 110kV tại TBA 220kV Huế sau thời gian sửa chữa, nâng cấp đi vào hoạt động (Ảnh: PTC2)

Tổng công suất các nguồn phát điện hiện có trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế là 610,3MW. Trong đó, 13 nhà máy thủy điện tổng công suất 459,3MW, 2 nhà máy điện mặt trời và điện mặt trời mái nhà tổng công suất 130MW và 1 nhà máy điện rác Phú Sơn công suất 12MW.

Căn cứ Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2023 và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2024 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng mới 2 TBA tổng công suất 500MVA (TBA Chân Mây - 250MVA, TBA Hương Thủy - 250MVA); nâng công suất TBA Phong Điền (lên 375MVA);

Ngoài ra, còn có công suất thủy điện nhỏ tăng thêm 9MW (hồ Truồi - 6MW, Sông Bồ 1 là 3MW); điện gió trên bờ tăng thêm 50MW; công suất điện mặt trời mái nhà tăng thêm 33MW. Dự án điện khí LNG tại Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô – 1.500MW (dự án dự phòng cho các dự án chậm tiết độ hoặc không triển khai) và nhà máy điện mặt trời Phong Hòa - 40MW (triển khai trong thời kỳ quy hoạch nếu thực hiện theo hình thức tự sản tự tiêu).

Xây dựng mới 16 TBA 110kV với tổng dung lượng 937MVA (TBA nối cấp Phong Điền, TBA nối cấp Chân Mây, TBA nối cấp Hương Thủy, TBA KCN Phong Điền, TBA KCN Quảng Vinh, TBA KCN Tứ Hạ, TBA KCN Phú Đa, TBA KCN Chân Mây, TBA Huế 5, TBA Huế 6, TBA Vinh Thanh, TBA Chân Mây 2, TBA Nam Đông, TBA Hương Trà, TBA Phú Lộc, TBA Hương Thọ). Cải tạo nâng dung lượng 12 TBA 110kV với tổng dung lượng 1.169MVA (tăng thêm 586 MVA).

Hiện nay, đang triển khai Dự án Hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải tại Nhà máy xi măng Đồng Lâm, công suất 8MW, dự kiến đưa vào vận hành năm 2025. Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia đang triển khai dự án TBA 220kV Chân Mây và đường dây đấu nối, dự kiến khởi công xây dựng đầu Quý I/2025 và hoàn thành vào Quý I/2026.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Giám đốc PC Thừa Thiên Huế Nguyễn Đại Phúc cho biết, giai đoạn 2021-2023, Tổng công ty điện lực miền Trung (EVNCPC) đã thực hiện đầu tư lưới điện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế với giá trị 846 tỷ đồng (trung bình 282 tỷ đồng/năm). Riêng năm 2024, PC Thừa Thiên Huế đầu tư 127 tỷ đồng xây dựng mới và cải tạo 32,81 km đường dây trung thế; 90,41 km đường dây hạ thế; 64 TBA với dung lượng 19.780 kVA, cải tạo 20 TBA với dung lượng 6.770 kVA, nâng dung lượng 48 TBA với dung lượng từ 8.777 kVA lên 14.530 kVA.

Hiện nay, Tổng công ty Điện lực miền Trung đang triển khai đầu tư 4 công trình lưới điện 110kV với quy mô 29,7 km, dung lượng 143MVA, tổng kinh phí 535 tỷ đồng. Bao gồm: TBA 110kV Vinh Thanh và đấu nối, TBA 110kV KCN Phong điền và đấu nối và TBA 110kV Huế 5 và đấu nối.

Tập trung cấp điện dự án lớn, xây dựng nông thôn mới

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương cho biết, những năm qua được sự quan tâm của Bộ Công Thương, EVN, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, lưới điện và các trạm nguồn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được đầu tư theo quy hoạch phát triển điện lực trên địa bàn tỉnh đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.

Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh phát triển hệ thống lưới điện
Thi công hệ thống lưới điện qua cao tốc, đoạn qua địa bàn Thừa Thiên Huế (Ảnh: DH)

Tuy nhiên, nhằm huy động tối đa các nguồn lực, đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng lưới điện; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, phát huy các lợi thế của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội tạo động lực, phát triển đột phá, tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị EVN và các tổng công ty bố trí vốn, sớm chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư danh mục các công trình hạ tầng kỹ thuật nguồn điện và lưới điện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quan tâm đến phương án cấp điện tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã và đang đầu tư. Đặc biệt tại Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế đang cấp chủ trương đầu tư dự án Nhà máy thép xanh Chân Mây số 1 (nhu cầu sử dụng điện của tổ hợp dự án với công suất 575MW và dự kiến đi vào vận hành quý I/2028). Đồng thời, phối hợp với địa phương để rà soát, cập nhập các dự án dự kiến triển khai vào điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để có cơ sở triển khai thực hiện dự án theo quy định.

“Hiện nay các xã, huyện, thị xã, thành phố Huế trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đánh giá và xét công nhận các tiêu chí về điện trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã, huyện nông thôn mới, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu vẫn còn một số địa phương chưa đạt tiêu chí (chủ yếu là Tiêu chí 4.1) theo quy của Bộ Công Thương. Để hỗ trợ địa phương đạt Tiêu chí về điện, hoàn thành xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đề nghị EVN, EVNCPC quan tâm bố trí nguồn vốn hàng năm để đầu tư xây dựng mới, sửa chữa lưới điện đạt chuẩn theo quy định”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Quý Phương nhấn mạnh.

Theo Giám đốc PC Thừa Thiên Huế Nguyễn Đại Phúc, để hỗ trợ địa phương đạt Tiêu chí về điện, hoàn thành xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, căn cứ hiện trạng lưới điện và đề xuất của địa phương, hàng năm ngành điện Thừa Thiên Huế đều bố trí nguồn vốn đầu tư để cải tạo nâng cấp lưới điện, xử lý kịp thời. “Thời gian qua, ngành điện cũng phối hợp các địa phương, khách hàng để hỗ trợ cải tạo các đường dây sau công tơ và thực hiện chỉnh trang kết gọn cáp viễn thông, phối hợp các nhà mạng, Sở Thông tin và truyền thông xử lý các điểm đen mất an toàn về cáp viễn thông", ông Nguyễn Đại Phúc thông tin.

Nguyễn Tuấn

Theo: Báo Công Thương