Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về Chuyển đổi số Quốc gia

(Banker.vn) Tại phiên họp lần thứ 6 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, EVN được đánh giá là doanh nghiệp đi đầu vể chuyển đối số.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chuyển đổi số tạo động lực phục hồi kinh tế Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Đề án 06 tạo đột phá trong chuyển đổi số quốc gia

Chiều 12/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Phiên họp lần thứ 6 của Ủy ban và Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 về chuyển đổi số Quốc gia; cùng Đề án 06 phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến toàn quốc tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ và điểm cầu trụ sở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Triển khai đúng hướng, đúng trọng tâm, trọng điểm

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số được cả thế giới hiện nay tích cực thực hiện; đây là việc làm mới, khó, nhạy cảm, đòi hỏi phải có nguồn lực, trí tuệ, thời gian và các điều kiện cần thiết khác. Đảng, Nhà nước ta đã chỉ đạo, lãnh đạo và đưa chuyển đổi số vào cả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng để triển khai; sau đó, Chính phủ và các bộ, ngành, đặc biệt Bộ Công an đã tích cực triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Để làm tốt công việc này cần phải ứng dụng khoa học công nghệ, nguồn lực tài chính, con người cho công việc này, đồng thời phải có chủ trương, kế hoạch, dự án, con người làm các công việc này. Thời gian qua, chúng ta đã triển khai tích cực để phục vụ con người. Trong quá trình phát triển đất nước, Việt Nam luôn lấy con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, nguồn lực, động lực cho sự phát triển.

Chuyển đổi số Quốc gia: Thành công lớn về chuyển biến nhận thức
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị toàn quốc về chuyển đổi số quốc gia. Ảnh VGP

Theo Thủ tướng, để phục vụ con người, chúng ta phải có các dữ liệu, tham số của con người, trên cơ sở đó, tiến hành cải cách thủ tục hành chính, nâng cao môi trường cạnh tranh, khả năng cạnh tranh quốc gia. Từ chủ trương, kế hoạch, dự án, bố trí nguồn lực, con người để thực hiện chương trình này được bài bản, tích cực. Hiện nay chúng ta có cơ sở dữ liệu dân cư tương đối tốt, triển khai nhanh, “đi sau, về trước” so với nhiều nước. Nhờ đó triển khai nhanh, tất nhiên phải cần hoàn thiện hơn nữa, từ đó xác định cơ sở dữ liệu là trung tâm, quan trọng, cấp bách. Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta muốn phục vụ con người tốt phải có cơ sở dữ liệu tốt và chúng ta đang triển khai đúng hướng, đúng trọng tâm, trọng điểm.

Thủ tướng nêu rõ, hôm nay, chúng ta đánh giá lại 6 tháng qua đã làm được gì, chưa làm được gì, nêu nguyên nhân chủ quan, khách quan. Từ đó rút bài học kinh nghiệm, tổ chức thực hiện tốt hơn nữa thời gian tới đây. Năm nay là năm dữ liệu, do đó, các bộ, ngành, địa phương nào cũng phải cơ sở dữ liệu, nhưng chúng ta tích hợp để điều hành tốt, nhưng cũng phải phát triển cơ sở dữ liệu của từng bộ, ngành, địa phương.

Qua quá trình triển khai cần rút ra những vướng mắc như thể chế, chủ trương, nguồn lực, từ đó đánh giá lại cần phải làm gì trong thời gian tới để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sự phát triển của chuyển đổi số, gắn với Đề án 06, qua đó giảm bớt thủ tục hành chính, giảm chi phí hành chính, chống tham nhũng tiêu cực, nhất là tham nhũng vặt.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu đi thẳng vào vấn đề, chia sẻ bài học hay, kinh nghiệm quý, nhất là nêu vướng mắc, thời gian tháo gỡ bao lâu và phải có bước đi, lộ trình cụ thể. Thủ tướng hy vọng sau hội nghị này, công tác chuyển đổi số cũng như triển khai Đề án 06 sẽ có bước chuyển tích cực.

EVN đi đầu về chuyển đổi số

Theo báo cáo tại hội nghị, từ đầu năm 2023, công tác chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06 đã đạt được một số kết quả tích cực, nổi bật là nhận thức và hành động về chuyển đổi số quốc gia tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức và hành động, có sự lan tỏa ở các cấp, các ngành, các địa phương trong đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện được tiến hành quyết liệt, thường xuyên, liên tục, bài bản với quyết tâm chính trị cao.

Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành 01 Luật, ban hành 01 Nghị định, 02 Chỉ thị, 01 Công điện, 07 Nghị quyết, 11 Thông báo kết luận để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và phát triển hệ sinh thái công dân số, kinh tế số và xã hội số. 100% bộ, ngành, địa phương thường xuyên duy trì và phát triển hoạt động của các chuyên trang, chuyên mục về chuyển đổi số trên Cổng Thông tin điện tử của cơ quan, địa phương.

Chuyển đổi số Quốc gia: Thành công lớn về chuyển biến nhận thức
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị toàn quốc về chuyển đổi số quốc gia - Ảnh: VGP

Đặc biệt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là một trong những đơn vị đầu tiên hoàn thành kết nối 100% dịch vụ lên Cổng dịch vụ công quốc gia, đạt mức độ 4. Tính đến hết tháng 6/2023, đã có 94,21% khách hàng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt với số tiền tương ứng trên 98,02% số thu tiền điện. Giảm chi phí đi lại cho khách hàng, tiết kiệm chi phí in ấn, bảo quản, lưu trữ tài liệu với gần 20 triệu trang hồ sơ/năm về dịch vụ và hợp đồng mua bán điện; 760 triệu trang giấy /năm cho việc in hóa đơn.

Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo khung khổ, điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số quốc gia nói chung và Đề án 06 nói riêng được triển khai tích cực; Kinh tế số, hạ tầng số, các nền tảng số tiếp tục được phát triển, kinh tế số chiếm tỷ trọng trên 15,2% GDP trong 6 tháng đầu năm 2023. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính đến 100% xã trên toàn quốc. Đã phủ sóng cho 2.164/2.418 thôn, bản lõm sóng (đạt 89,5%).

Các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ. Đã hoàn thành về cơ bản cấp 100% căn cước công dân gắn chip cho công dân đủ điều kiện trên địa bàn toàn quốc; cấp trên 48 triệu tài khoản định danh điện tử cho công dân vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 13 bộ, ngành, 63 địa phương, 01 doanh nghiệp nhà nước và 03 doanh nghiệp viễn thông với hơn 1 tỷ lượt tra cứu, khai thác thông tin công dân.

Bên cạnh đó, các Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, hộ tịch, đất đai, tài chính, cán bộ, công chức, viên chức được đẩy mạnh xây dựng, kết nối, liên thông và ứng dụng ngay.

Đặc biệt về dịch vụ công, Cổng dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 4.409 dịch vụ công trực tuyến; có hơn 7,77 triệu tài khoản tăng hơn 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2022; hơn 17,49 triệu lươt thực hiện các dịch vụ tiện ích, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2022; 17,72 triệu hồ sơ trực tuyến tăng 4,4 lần so với cùng kỳ năm 2022…

Theo ước tính, các dịch vụ công đã góp phần giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước mỗi năm khoảng 2.050 tỷ đồng. Đồng thời tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa, tiết kiệm chi phí sao in hồ sơ, kết quả giải quyết, hạn chế việc phải kiểm tra xác minh. Cắt giảm dần cán bộ tiếp dân, giảm tình trạng gặp gỡ trực tiếp, loại bỏ dần tình trạng “tham nhũng vặt”.

Thu Hường

Theo: Báo Công Thương