Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khai thác tối đa tiềm năng vùng Đồng bằng sông Hồng

(Banker.vn) Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm cần khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vượt trội để phát triển nhanh, bền vững Vùng Đồng bằng Sông Hồng.
Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng Chính thức trao Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 12/2, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư vùng.

Đây cũng là hội nghị cuối cùng triển khai các nghị quyết của Bộ Chính trị về 6 vùng KT-XH trên cả nước, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là "nhất hô bá ứng, tiền hộ hậu ủng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt".

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khai thác tối đa tiềm năng vùng Đồng bằng sông Hồng
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đồng bằng sông Hồng

Đề xuất các giải pháp phù hợp, khả thi

Công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Để thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 8/2/2023 về Chương trình hành động của Chính phủ nhằm tạo sự thống nhất cao, nâng cao nhận thức và cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu tại Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Để thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW, Chính phủ đề ra 21 mục tiêu cụ thể và 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến thông tin, tạo sự thống nhất, đồng thuận của xã hội trong xây dựng, tổ chức thực hiện và triển khai các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị; Hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và liên kết vùng; Phát triển kinh tế vùng; Phát triển bền vững hệ thống đô thị bền vững và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; Phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân; Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Chương trình hành động của Chính phủ cũng đã đề ra 36 nhiệm vụ cụ thể và 20 dự án kết cấu hạ tầng và phân công cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian thực hiện cụ thể.

Tại hội nghị, các báo cáo và ý kiến tham luận nhấn mạnh tầm quan trọng, sự cần thiết của Nghị quyết 30-NQ/TW, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với sự phát triển của vùng; đồng thời khẳng định Chương trình hành động của Chính phủ cụ thể hóa Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng là phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của vùng.

Các đại biểu cũng đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, sát thực tiễn và khả thi để triển khai Nghị quyết 30 và Chương trình hành động của Chính phủ; từ đó khơi thông nguồn lực, tháo gỡ điểm nghẽn nhằm đạt được các mục tiêu. Trong đó, tập trung phân tích các giải pháp phát triển đồng bộ mạng lưới giao thông vận tải vùng hiện đại, liên kết vùng và quốc tế; phát triển hạ tầng, chính sách, nguồn nhân lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; hoàn thiện thể chế phát triển các ngành công nghiệp, trong đó có ngành công nghiệp văn hóa và du lịch; phát triển bền vững kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh; giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển xanh, bền vững Vùng đồng bằng sông Hồng; giải quyết việc làm, cơ cấu lại lao động...

Cùng với đó là các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy các đột phá phát triển của các địa phương trong vùng như: Phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế tam giác động lực phát triển Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh trở thành hạt nhân, trụ cột phát triển của vùng và cả nước; xây dựng khu vực Hải Phòng – Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế; xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch quốc tế tầm cỡ và là trung tâm kinh tế biển phát triển bền vững kết nối với khu vực và thế giới, liên kết với các địa phương trong vùng; phát triển công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ hậu cần sau cảng ở Hải Dương; thu hút đầu tư và các KCN trên địa bàn tỉnh Hưng Yên; thu hút lao động có trình độ khoa học kỹ thuật, tay nghề chuyên môn cao làm việc tại tỉnh Bắc Ninh; phát triển các sản phẩm, dịch vụ văn hóa đặc trưng nền văn minh sông Hồng; thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp, nông thôn ở Thái Bình...

Phân tích kết quả đạt được và những hạn chế, bất cập trong phát triển Vùng, Thủ tướng nhấn mạnh điều đó cho thấy chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Đội ngũ cán bộ phải dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì dân, vì nước...
Phân tích kết quả đạt được và những hạn chế, bất cập trong phát triển Vùng, Thủ tướng nhấn mạnh điều đó cho thấy chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Đội ngũ cán bộ phải dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì dân, vì nước...

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện thêm chương trình, kế hoạch và nâng cao hiệu quả, tính khả thi trong việc xây dựng, triển khai các cơ chế, chính sách phát triển vùng, các địa phương trong vùng.

Thống nhất với các báo cáo và ý kiến phát biểu, đồng thời nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm, Thủ tướng dành nhiều thời gian phân tích về vị trí, vai trò, tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng so với các vùng trong cả nước và một số lĩnh vực có thể so với khu vực và thế giới.

Với diện tích tự nhiên 21.278 km², (chiếm 6,41% tổng diện tích cả nước), vùng Đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển đảo; là cửa ngõ phía Bắc của đất nước và ASEAN về kết nối phát triển kinh tế, thương mại với Trung Quốc - thị trường rộng lớn nhất thế giới; là cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa quốc tế.

Tăng trưởng kinh tế của vùng bình quân giai đoạn 2005-2020 đạt 7,94%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước. Quy mô kinh tế tăng nhanh, đến năm 2020 gấp 7,75 lần so với năm 2005, chiếm 29,4% GDP cả nước. Vùng cũng có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, năng động với số lượng doanh nghiệp đứng thứ hai cả nước; địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đứng thứ hai cả nước, chiếm 31,4% tổng vốn FDI cả nước. Trong đó, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh luôn thuộc nhóm 10 địa phương có tổng số vốn FDI dẫn đầu cả nước. Chương trình xây dựng Nông thôn mới đạt nhiều thành tựu nổi bật.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu cũng phân tích những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức của Vùng. Đó là KT-XH phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; các địa phương phát triển không đồng đều, phụ thuộc nhiều vào vốn và lao động; các ngành sản xuất với công nghệ hiện đại chiếm tỷ lệ thấp; hạ tầng giao thông thiếu kết nối, chủ yếu đường bộ. Hạ tầng du lịch còn yếu; hệ thống đô thị phát triển chưa đồng bộ; quản lý đất đai, tài nguyên môi trường còn bất cập; ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp. Phát triển văn hóa - xã hội, đào tạo nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng nhu cầu...

Nhấn mạnh quyết tâm biến vùng đất này thành vùng động lực phát triển hàng đầu, có vai trò định hướng, dẫn dắt quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước, Thủ tướng nêu rõ các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo. Theo đó, cần quán triệt, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển vùng theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; bám sát thực tiễn để triển khai công việc có trọng tâm, trọng điểm; phát huy mạnh mẽ các nguồn lực; kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài; thống nhất nhận thức và hành động, có giải pháp phù hợp, xử lý các vấn đề đặt ra đạt hiệu quả cao nhất. Cùng với đó, tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ; hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Các nhà đầu tư, đối tác phát triển trong nước và quốc tế tham dự hội nghị (Ảnh Cổng TTĐT Quảng Ninh)
Các nhà đầu tư, đối tác phát triển trong nước và quốc tế tham dự hội nghị (Ảnh Cổng TTĐT Quảng Ninh)

10 nhiệm vụ cụ thể cho phát triển vùng đồng bằng sông Hồng

Về các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan và 11 địa phương trong Vùng khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ.

Thứ hai, tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định pháp lý, cơ chế, chính sách liên kết vùng đồng bộ, nhất quán, hiệu quả. Làm tốt công tác quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 để điều phối, quản lý thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và phát triển bền vững; sớm hoàn thành Quy hoạch Vùng trong năm 2023.

Thứ ba, đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế biển. Cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ cao, ứng dụng nền tảng số, thân thiện với môi trường. Phân bố không gian công nghiệp hợp lý theo các hành lang kinh tế; hành lang công nghiệp, gắn với các cảng biển, các tuyến cao tốc, tuyến quốc lộ kết nối với các vùng lân cận.

Phát triển nông nghiệp hiệu quả cao, bền vững, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Hình thành các cụm liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản gắn với doanh nghiệp, hợp tác xã.

Đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Phát triển các ngành dịch vụ, thương mại theo hướng hiện đại, đa dạng, trọng tâm là phát triển thương mại, logistics, du lịch, tài chính - ngân hàng, các trung tâm du lịch tầm khu vực và quốc tế, trên cơ sở phát huy bản sắc độc đáo riêng có; gắn phát triển làng nghề truyền thống với phát triển du lịch.

Phát triển mạnh kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và hệ sinh thái biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Phát huy vai trò động lực của các khu kinh tế ven biển gắn với đô thị ven biển, trung tâm du lịch, dịch vụ logistics.

Thứ tư, về phát triển hệ thống đô thị và kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, Thủ tướng yêu cầu phát triển hệ thống đô thị hiện đại, thông minh, bền vững, theo mạng lưới và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hình thành các chuỗi đô thị, chuỗi đô thị thuộc các hành lang kinh tế gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ logistics.

Ưu tiên nguồn lực xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng, liên vùng và quốc tế; phát triển vận tải đa phương thức. Đầu tư, nâng cấp các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường sắt tốc độ cao, đường sắt kết nối nội vùng, cảng biển; cải tạo, nâng cấp, mở rộng, nâng cao hiệu quả khai thác đường thủy nội địa, cảng hàng không, cảng biển quốc tế.

Thứ năm, về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, Thủ tướng yêu cầu phát triển vùng trở thành trung tâm khoa học công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số hàng đầu của cả nước. Đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ. Khuyến khích doanh nghiệp liên kết, đầu tư, phát triển khoa học công nghệ.

Xây dựng và phát triển các khu, trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo, khu công nghệ cao. Nghiên cứu xây dựng Trung tâm Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo Vùng. Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Vùng. Thủ tướng lưu ý Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương bàn giao Khu công nghệ cao Hòa Lạc về thành phố Hà Nội, đồng thời Bộ phát huy vai trò kiến tạo để đất nước có thêm nhiều khu công nghệ cao khác.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu khai thác tối đa tiềm năng vùng Đồng bằng sông Hồng
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm vùng Đồng bằng sông Hồng

Thứ sáu, Thủ tướng yêu cầu phát huy vai trò là trung tâm hàng đầu cả nước về giáo dục, đào tạo, phát triển nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đẩy mạnh xã hội hóa và tự chủ đại học. Tăng cường nguồn lực đầu tư cho đào tạo nghề. Phát triển thị trường lao động hiện đại, hội nhập, hiệu quả; tăng cường kết nối cung cầu lao động nội vùng, liên vùng.

Thứ bảy, về phát triển văn hóa – xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, Thủ tướng nhấn mạnh "văn hóa soi đường cho quốc dân đi", "văn hóa còn thì dân tộc còn". Cần phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức sáng tạo, khát vọng phát triển phồn vinh. Phát triển các sản phẩm, dịch vụ gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản, bản sắc văn hóa. Chú trọng quy hoạch, đầu tư các thiết chế văn hóa, công trình văn hóa tiêu biểu. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; triển khai hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia.

Thứ tám, Thủ tướng yêu cầu sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là đất đai, nước. Đẩy mạnh liên kết trong bảo tồn, khai thác sử dụng tài nguyên, đa dạng sinh học; tăng cường kiểm soát chặt chẽ chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tăng cường công tác phối hợp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, chất thải, nước thải gắn với thích ứng biển đổi khí hậu và nước biển dâng.

Thứ chín, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, Thủ tướng đề nghị thực hiện tốt các nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo, không để bị động, bất ngờ. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tăng cường trấn áp các loại tội phạm. Chủ động ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống. Phát huy tối đa lợi thế về vị trí địa chính trị, đa dạng hóa đối tác; khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, nâng cao hiệu quả hợp tác phát triển và giao lưu quốc tế, nhất là đối với các thị trường lớn, tiềm năng.

Thứ mười, về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu giữ vững đoàn kết, thống nhất, huy động sức mạnh tổng hợp; xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý các cấp bảo đảm chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp lý, có chuyển giao, kế thừa. Không ngừng củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, góp phần bảo đảm "phên dậu" về quốc phòng, an ninh. Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Tiến Dũng

Theo: Báo Công Thương