Thủ đoạn 'cướp' tiền tinh vi từ thẻ tín dụng: Số nạn nhân mắc bẫy đếm 'không xuể'

(Banker.vn) Khách hàng sử dụng thẻ tín dụng, giao dịch trực tuyến cần nâng cao cảnh giác trước những chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi của tội phạm công nghệ cao.
Thẻ tín dụng có thực sự là “cứu cánh" đối với người trẻ? Cơ cấu dân số trẻ, thẻ tín dụng nội địa nhiều dư địa phát triển Vì sao thẻ tín dụng nội địa chưa chiếm được lòng tin của người dùng?

Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Phòng PC02) Công an tỉnh Kiên Giang đang thụ lý điều tra vụ án "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản", xảy ra trong thời gian từ tháng 7/2023 đến tháng 2/2024.

Đây là vụ án nghiêm trọng, theo kết quả điều tra ban đầu, các bị can bị cáo buộc sử dụng mánh khóe tinh vi để lừa đảo, chiếm đoạt tiền từ thẻ tín dụng của những vị khách nhẹ dạ, cả tin.

Thủ đoạn 'cướp' tiền tinh vi từ thẻ tín dụng: Số nạn nhân mắc bẫy đếm 'không xuể'

Sau khi nhận được hàng hóa mua từ những chiếc thẻ tín dụng bị chiếm đoạt, các bị can đem bán cho người khác, lấy tiền chia nhau chi xài cá nhân (Ảnh minh họa)

Cụ thể, vào khoảng tháng 7/2023, sau khi có được thông tin cá nhân, hạn mức tín dụng, số điện thoại đăng ký của khách hàng sử dụng thẻ tín dụng mở tại Ngân hàng VIB, các bị can đã mạo danh nhân viên ngân hàng VIB, sử dụng số điện rác (sim không đăng ký chính chủ) gọi điện cho các chủ thẻ đề nghị hỗ trợ nâng hạng mức tín dụng hoặc hoàn phí cho khách hàng sử dụng thẻ.

Lợi dụng lòng tin của khách hàng, các bị can sẽ yêu cầu cung cấp các thông tin quan trọng như số thẻ tín dụng, hạn sử dụng, mã bảo vệ, mã OTP... từ đó chiếm đoạt tiền trong thẻ tín dụng khách hàng.

Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra, các bị can đã sử dụng điện thoại di động có kết nối Internet, nhanh chóng truy cập vào các trang bán hàng trực tuyến của FPT Shop, Top Zone, sử dụng thông tin vừa chiếm đoạt được của chủ thẻ để đặt mua các loại hàng hóa có giá trị cao, thanh khoản lớn như điện thoại di động iPhone, iPad, đồng hồ Apple Watch.

Sau khi nhận được hàng thì các bị can đem bán cho người khác, lấy tiền chia nhau chi xài cá nhân.

Với phương thức, thủ đoạn như trên, trong thời gian từ tháng 7/2023 đến tháng 2/2024, các bị can đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại trên toàn quốc. Số lượng nạn nhân bị lừa đảo rất lớn, các bị can không nhớ hết những người mình đã thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Để giải quyết vụ án khách quan, triệt để và đúng theo quy định của pháp luật, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang thông báo rộng rãi đến quần chúng nhân dân để những ai đã từng bị chiếm đoạt tài sản trong thời gian từ tháng 7/2023 đến tháng 2/2024 theo phương thức, thủ đoạn nêu trên thì liên hệ với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang (Phòng Cảnh sát hình sự), địa chỉ: 507 Nguyễn Chí Thanh, phường Rạch Sỏi, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, số điện thoại: 02973 863513 (hoặc liên hệ Điều tra viên Đào Trọng Hiếu, số điện thoại 091.579.9191) trước ngày 15/8/2024, để được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Quá thời hạn nêu trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang sẽ tiến hành giải quyết vụ án theo luật định.

Trước đó, Ngân hàng VIB đã phát đi nhiều cảnh báo quan trọng về hành vi lừa đảo và mạo danh nhân viên ngân hàng, đề nghị khách hàng nâng cao cảnh giác, không bị mắc mưu kẻ gian.

Thậm chí, theo Ngân hàng VIB, các kẻ lừa đảo còn tạo ra hàng loạt website giả mạo, email giả mạo gần giống với website, email Ngân hàng... hòng tiếp cận chào mời khách hàng tham gia dịch vụ nâng hạn mức, dịch vụ hủy thẻ, miễn/ hủy phí thường niên… thông qua đường link dẫn đến website VIB giả mạo và tiến hành thu thập thông tin, hình ảnh của khách hàng, phục vụ mục đích phạm tội.

Ngân hàng VIB cam kết tuyệt đối không có bất kỳ mối liên hệ hoặc hợp tác nào với các tổ chức, nhóm đối tượng này. Ngân hàng VIB không cung cấp các dịch vụ mời chào nâng hạn mức qua điện thoại và các dịch vụ trái phép thông qua các cuộc gọi từ các số điện thoại giả mạo, email giả mạo, website giả mạo và ứng dụng điện thoại có chứa mã độc.

Ngân hàng VIB khuyến cáo người dân nên thực hiện khóa thẻ, tài khoản thanh toán (qua ứng dụng MyVIB hoặc liên hệ Hotline 1900 2200/1800 8195) khi nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo. Nâng cao cảnh giác với các cuộc gọi và tin nhắn lạ có liên quan đến Cơ quan nhà nước, các cơ quan này không làm việc qua điện thoại và mạng xã hội.

Đồng thời, nhanh chóng trình báo cơ quan chức năng nếu phát hiện các trường hợp yêu cầu chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân, thông tin thẻ/ tài khoản ngân hàng.

Ánh Dương

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục