Thông qua nghị quyết thành lập thành phố Bến Cát và thành phố Gò Công

(Banker.vn) Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết về việc thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương và thành phố Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang.
Tiền Giang: Sẽ có thêm TP. Gò Công và TP. Cai Lậy Tiền Giang: Vùng nuôi nghêu huyện Gò Công Đông được chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế ASC Ngành điện Bình Dương tăng cường tuyên truyền tiết kiệm điện - chủ động ứng phó nguy cơ thiếu điện

Chiều ngày 19/3, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày các Tờ trình về việc thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương; thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh Bình Dương, UBND tỉnh Tiền Giang và của Bộ Nội vụ, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Tờ trình số 08/TTr-CP ngày 10/1/2024 về việc thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương và Tờ trình số 35/TTr-CP ngày 23/1/2024 về việc thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Về phương án thành lập 2 phường và thành phố Bến Cát, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, tỉnh Bình Dương đề nghị thành lập 2 phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 02 xã An Điền và An Tây. Đồng thời, đề nghị thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thị xã Bến Cát.

Kết quả sau khi thành lập 2 phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương: Tỉnh Bình Dương không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trực thuộc nhưng có giảm 1 thị xã, 2 xã và tăng 1 thành phố, 2 phường. Tỷ lệ đô thị hóa là 84,95%.

Thành phố Bến Cát có 234,35 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 364.578 người, có 8 đơn vị hành chính cấp xã (1 xã và 7 phường). Tỷ lệ đô thị hóa là 94,65%.

Về phương án thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang đề nghị thành lập 4 phường Long Chánh, Long Hưng, Long Thuận, Long Hòa trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của 4 xã Long Chánh, Long Hưng, Long Thuận, Long Hòa; sắp xếp 4 phường thành 2 phường (nhập Phường 4 vào Phường 1, nhập Phường 3 vào Phường 2); thành lập thành phố Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số của thị xã Gò Công.

Kết quả sau khi thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang không thay đổi về diện tích tự nhiên, quy mô dân số và số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc, nhưng tăng 1 thành phố và giảm 1 thị xã; đồng thời giảm 2 đơn vị hành chính cấp xã (tăng 2 phường, giảm 4 xã). Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh Tiền Giang là 18,40%.

Thành phố Gò Công có 101,69 km2 diện tích tự nhiên, quy mô dân số 151.937 người; có 10 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm 7 phường và 3 xã (giảm 2 đơn vị hành chính cấp xã so với thị xã Gò Công hiện nay). Tỷ lệ đô thị hóa của thành phố Gò Công là 60,76%.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất thông qua hai Dự thảo nghị quyết: thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương; thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất thông qua hai Dự thảo nghị quyết thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương; thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho hay, Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương; thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang với các lý do như đã thể hiện tại các Tờ trình và Đề án của Chính phủ.

Hồ sơ các Đề án đã bảo đảm đầy đủ các tài liệu theo đúng quy định. Trình tự, thủ tục lập Đề án đáp ứng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính.

Việc thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương; thành lập 4 phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang là phù hợp với quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng đô thị và các tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về việc sắp xếp các đơn vị hành chính thuộc thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang, Chính phủ đề nghị sắp xếp 04 ĐVHC cấp xã thuộc thị xã Gò Công, gồm 3 đơn vị thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025 (các phường 1, 2 và 3) và 1 đơn vị thuộc diện sắp xếp giai đoạn 2026 - 2030 (Phường 4). Sau khi thành lập, sắp xếp các phường, thị xã Gò Công giảm được 02 ĐVHC cấp xã (từ 12 đơn vị xuống còn 10 đơn vị).

Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thị xã Gò Công theo Đề án là phù hợp với quy định của Nghị quyết số 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phương án sắp xếp các phường đã được chính quyền địa phương tỉnh Tiền Giang cân nhắc kỹ trên cơ sở căn cứ vào vị trí tiếp giáp, các đặc điểm về văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục, tập quán của các phường và đạt được sự đồng thuận cao của Nhân dân. Các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định.

Với 100% đại biểu có mặt tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất thông qua hai Dự thảo nghị quyết thành lập phường An Điền, An Tây thuộc thị xã Bến Cát và thành lập thành phố Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương; thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công và thành lập thành phố Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục