Thông tin từ baochinhphu.vn, chiều ngày 8/6/2022, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội chất vấn nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực ngân hàng.
Trả lời câu hỏi các Đại biểu Quốc hội quan tâm về hoạt động vay ngang hàng (P2P Lending), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã cho ra đời nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, trong đó, có ứng dụng cho hoạt động vay ngang hàng (P2P Lending). Tuy nhiên việc thiếu một hành lang pháp lý cho hoạt động này đã gây ra nhiều vấn đề.
Về lý thuyết, hoạt động P2P Lending có thể góp phần hỗ trợ phổ cập tài chính, mở rộng khả năng và tạo thêm kênh tiếp cận nguồn lực tài chính, cách thức cho vay đối với nền kinh tế nhất là đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội. Tuy nhiên trên thực tiễn, hoạt động P2P Lending tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể tác động bất lợi, bất ổn đến an sinh xã hội.
Về nội dung này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng nhà nước đang xây dựng dự thảo Nghị định để kiểm soát vấn đề này.
Trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành để khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và ban hành khung pháp lý bao gồm cả các biện pháp chế tài để xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này.
Cũng tại buổi chất vấn chiều nay, phát biểu trước Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước với vai trò là ngân hàng trung ương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ, theo đó tác động nhiều đến kinh tế vĩ mô của đất nước.
Đồng thời hệ thống ngân hàng là huyết mạch chu chuyển vốn và cung ứng dịch vụ cho nền kinh tế. Bởi vậy, hoạt động ngân hàng luôn gắn liền với hoạt động của doanh nghiệp và người dân.
Với vai trò quản lý nhà nước về tiền tệ và ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cùng với nhiệm vụ về điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian qua đã luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự đồng hành của Quốc hội, đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ban, ngành, sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân, sự ủng hộ của đồng bào và cử tri cả nước.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngành ngân hàng trong những năm qua đã đạt được những kết quả nhất định, đóng góp vào việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, hoạt động ngân hàng vẫn còn những tồn tại, hạn chế, cần tiếp tục khắc phục để thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới. Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội 15 lần này, lĩnh vực ngân hàng là một trong bốn nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn, dành thời gian chất vấn.
Đây là cơ hội để Thống đốc Ngân hàng Nhà nước được lắng nghe ý kiến của các đại biểu để tiếp thu, giải trình và chỉ đạo, điều hành, cùng Ban lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước tổ chức triển khai việc hoạch định chính sách cũng như quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng cho hiệu quả hơn, có nhiều đóng góp hơn vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Thu Thủy
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|