Báo cáo nêu rõ, đại dịch COVID-19 đã tác động trầm trọng đến các nền kinh tế và thị trường hàng hóa trên toàn cầu, chủ yếu là trang thiết bị y tế liên quan đến phòng, chống dịch bệnh và những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Trái với đợt suy thoái toàn cầu 2008-2009, khi giá cả của hầu hết các mặt hàng đều giảm sâu và kéo dài trên diện rộng, sau khi giảm sâu trong những tháng đầu năm 2020, hầu hết các mặt hàng đã tăng giá trở lại trong quý III/2020. Từ tháng 4/2020, giá dầu thô đã tăng gấp hai lần do nguồn cung giảm, nhưng vẫn thấp xa so với mức giá trước khi xảy ra đại dịch. Giá kim loại phục hồi khá nhanh nhờ kinh tế Trung Quốc tăng tốc trở lại, trong khi nguồn cung rối loạn. Do khan hiếm các mặt hàng dầu thực vật, nhiều mặt hàng thực phẩm cũng đồng loạt tăng giá. Liên quan đến dự báo giá cả, đại dịch kéo dài là rủi ro cơ bản, bao gồm rủi ro bùng phát làn sóng COVID-19 lần thứ hai tại Bắc bán cầu vào mùa đông và khả năng phân phối vắc xin.
Về các mặt hàng năng lượng, từ đầu năm đến tháng 4/2020, giá dầu giảm gần 60%, sau đó đã nhanh chóng phục hồi trở lại. Giá dầu tăng góp phần hỗ trợ tăng giá các mặt hàng năng lượng sau khi giảm sâu trong quý trước đó do nhu cầu lao dốc trước tác động của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, tác động của cú sốc nhu cầu lên thị trường dầu có thể kéo dài. Giá gas được dự báo tăng trong năm 2021 do mức tiêu thụ tăng trở lại theo xu hướng phục hồi kinh tế. Trái lại, giá than được kỳ vọng sẽ đi ngang khi xu hướng hạn chế sử dụng than tiếp tục được các nước quan tâm.
Sau khi lao dốc trong tháng 3 và tháng 4/2020, giá dầu phục hồi vững chắc trong tháng 5 và tháng 6/2020, chủ yếu nhờ Tổ chức các nước Xuất khẩu dầu (OPEC) và các nước đối tác đã cắt giảm sản lượng và do sức tiêu thụ tăng nhẹ sau khi nhiều nước nới lỏng dần các biện pháp giãn cách xã hội. Trong tháng 8/2020, giá dầu thô tăng gấp hai lần lên mức giá trung bình 40 USD/thùng từ mức giá 21 USD/thùng trong tháng 4/2020. Giá dầu tăng phản ánh nỗ lực của các nước xuất khẩu dầu trong việc cắt giảm sản lượng dầu cung ứng nhằm cứu giá dầu. Trong tháng 9 và tháng 10/2020, giá dầu quay đầu giảm nhẹ trước những lo ngại về nguy cơ bùng phát COVID-19 tại Bắc bán cầu, khi mùa đông đang đến gần và tác động của nó đến khả năng tiêu thụ dầu, mặc dù sản lượng dầu cung ứng đã giảm khá sâu.
Trong tương lai, giá dầu được kỳ vọng tăng dần từ mức giá dự kiến 21 USD/thùng trong năm nay lên 44 USD/thùng trong năm 2021, khi nhu cầu tăng chậm sẽ tương xứng với xu hướng nới lỏng các biện pháp hạn chế nguồn cung, nhưng mức giá này vẫn thấp đáng kể so với mức giá 61 USD/thùng trong năm 2019.
Chỉ số giá cả danh nghĩa và dự báo (2010=100)
|
Thực tế và dự báo (%) |
Thay đổi (%)* |
|||||
|
2017 |
2018 |
2019 |
2020 |
2021 |
2020 |
2021 |
Các mặt hàng năng lượng |
68 |
87 |
76 |
51 |
56 |
-32,7 |
9,3 |
Hàng hóa phi năng lượng** |
84 |
85 |
82 |
83 |
84 |
1,1 |
1,7 |
Hàng nông nghiệp |
87 |
87 |
83 |
86 |
87 |
2,8 |
1,4 |
Đồ uống các loại |
83 |
79 |
76 |
81 |
82 |
6,6 |
1,1 |
Giá thực phẩm |
90 |
90 |
87 |
90 |
91 |
3,4 |
1,5 |
Dầu thực vật và các món ăn |
88 |
85 |
77 |
85 |
87 |
10,2 |
1,8 |
Ngũ cốc các loại |
81 |
89 |
89 |
90 |
92 |
1,4 |
1,5 |
Thực phẩm khác |
102 |
99 |
98 |
96 |
97 |
-2,0 |
1,0 |
Giá nguyên liệu thô |
81 |
81 |
78 |
77 |
79 |
-1,0 |
1,6 |
Phân bón các loại |
74 |
83 |
81 |
73 |
75 |
-10,3 |
3,2 |
Kim loại và khoáng chất |
78 |
83 |
78 |
77 |
79 |
-1,1 |
2,1 |
Kim loại quý |
98 |
97 |
105 |
134 |
129 |
27,3 |
-3,7 |
Giá dầu thô (USD/thùng)*** |
53 |
68 |
61 |
41 |
44 |
-33,2 |
7,3 |
Giá vàng (USD/oz |
1.258 |
1.269 |
1.329 |
1.775 |
1.740 |
27,5 |
-2,0 |
Nguồn: WB tháng 10/2020
(*): Thay đổi so với năm trước;
(**): Không tính giá kim loại quý;
(***): Giá trung bình của ba loại dầu Brent, Dubai và WTI
Về nguồn cung, trong tháng 5/2020, sản lượng dầu thế giới giảm 12% từ mức 100 triệu thùng/ngày xuống 88 triệu thùng/ngày, sau khi OPEC và các đối tác thống nhất giảm 9,7 triệu thùng/ngày - trên 1/5 mức sản lượng cơ sở. Trong tháng 8, OPEC và các đối tác đã tăng sản lượng dầu thêm 2 triệu thùng/ngày theo lộ trình. Theo kế hoạch đề ra, đợt tăng sản lượng dầu tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 1/2021, nhưng có thể phải hoãn lại, nếu đà phục hồi nhu cầu về dầu bị chững lại.
Trong nhóm các quốc gia không thuộc OPEC, sản lượng dầu cũng giảm nhanh, dẫn đầu là Mỹ và Canada. Trong quý III/2020, sản lượng dầu tại hai quốc gia này giảm tới 10% so với mức sản lượng trước đại dịch. Do hậu quả của COVID-19, đầu tư khai thác dầu được dự báo giảm 20% trong năm 2020. Theo Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu tại Mỹ được dự báo giảm từ mức 11,5 triệu thùng/ngày trong năm 2020 xuống 11,1 triệu thùng/ngày trong năm 2021.
Về nhu cầu, tiêu thụ dầu thô trong quý II/2020 giảm 16% so với cùng kỳ năm trước do các biện pháp kiểm soát COVID-19 và hạn chế đi lại. Sau đó, nhu cầu tăng dần, khi các nước nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Tuy nhiên, nhu cầu về dầu mỏ trong năm 2020 được dự báo vẫn giảm 8% so với năm trước. Nhu cầu về dầu thô được kỳ vọng tiếp tục phục hồi trong năm 2021 với mức tăng trưởng 6% - giảm 5% so với trước đại dịch và nhu cầu tại hầu hết các nước đều giảm thấp, trừ trường hợp Trung Quốc.
Đại dịch cũng có thể ảnh hưởng lâu dài đến nhu cầu về dầu thông qua kênh tiêu dùng và mô hình làm việc mới. Trong đó, vận tải hàng không có thể sẽ giảm trong dài hạn, khi ngành hàng không phải cắt giảm các chuyến bay thương mại do các cuộc họp trực tuyến làm giảm nhu cầu về xăng dầu. Xu hướng chuyển sang làm việc tại nhà cũng tác động giảm nhu cầu, nhưng sẽ được bù đắp phần nào nhờ nhu cầu vận chuyển cá nhân tăng cao thay vì sử dụng các phương tiện giao thông công cộng. Trong dài hạn, giá dầu sẽ giảm do hệ quả của COVID-19 (một phần do kinh tế tăng thấp), một số công ty dầu lửa đã thông báo những thay đổi về chiến lược theo hướng giảm đáng kể đầu tư mới vào các dự án khí than. Nhu cầu về năng lượng được kỳ vọng sẽ chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng giảm năng lượng hóa thạch, đa phần là do áp lực cạnh tranh, khi một số quốc gia thông báo kế hoạch chấm dứt khí thải carbon trong vòng 40 năm tới đây. Quá trình phục hồi kinh tế sau COVID-19 cũng tạo ra cơ hội đầu tư vào năng lượng và hạ tầng xanh. Nhưng cho tới nay, hầu hết các chính phủ vẫn khuyến khích phát triển năng lượng hóa thạch hơn là năng lượng sạch.
Về các mặt hàng phi năng lượng, chỉ số giá các mặt hàng phi năng lượng tăng 10% trong quý III/2020, khi hầu hết các mặt hàng đều tăng giá, riêng nhóm hàng kim loại tăng giá tới 20% so với quý trước và hầu hết các mặt hàng đều có mức giá cao hơn so với thời kỳ trước đại dịch, chủ yếu là do kinh tế phục hồi tại Trung Quốc đã khiến nhu cầu tăng nhanh trở lại. Tuy nhiên, giá cả các mặt hàng phục hồi không đồng đều so với khủng hoảng tài chính toàn cầu - khi giá cả giảm sâu trong nhiều tháng sau đó. Dự báo, giá kim loại và các mặt hàng nông nghiệp chỉ tăng khiêm tốn lần lượt 2% và 1% trong năm 2021.
Sau khi giảm thấp trong những tháng đầu năm, chỉ số giá các mặt hàng nông nghiệp tăng 6% trong quý III/2020 so với quý trước, nhưng có sự khác biệt giữa xu hướng ổn định giá ngũ cốc trong khi những mặt hàng khác đều tăng giá. Sang đầu quý IV/2020, hầu hết các mặt hàng nông nghiệp đã tăng giá 6% so với cùng kỳ năm trước và sẽ tiếp tục tăng vào cuối năm nay, chủ yếu là do nguồn cung một số loại dầu ăn và món ăn quen thuộc khan hiếm, nhu cầu về nguyên liệu thô tăng vững, và USD giảm giá. Trong năm 2021, giá cả các mặt hàng nông nghiệp được kỳ vọng tiếp tục tăng 1,4%, sau khi tăng 3% trong năm 2020. Trong số này, giá các loại ngũ cốc được dự báo sẽ ổn định trong năm 2021, sau khi tăng 1% trong năm 2020; giá dầu ăn và món ăn truyền thống tăng 10% trong năm nay, sau đó ổn định trong năm 2021. Nhìn chung, nguồn cung các loại thực phẩm cơ bản sẽ tăng cao hơn so với trước đây.
Mặc dù tăng khiêm tốn, một số nước đang phát triển và mới nổi đối mặt với rủi ro mất an ninh lương thực. Cùng với thu nhập giảm thấp, đại dịch đã dẫn đến nguy cơ khan hiếm thực phẩm do rối loạn các chuỗi cung ứng và tình trạng biên giới đóng cửa, cản trở lưu thông hàng hóa và di chuyển lao động. Giá thực phẩm đã tăng nhanh tại một vài nước, nhất là tại Nam Á và Đông Á. Rủi ro tăng giá bắt nguồn từ chi phí năng lượng tăng cao, chính sách về khí sinh học, hiện tượng La Nina và bất ổn vĩ mô.
Sau khi giảm nhẹ trong năm 2020, giá kim loại tăng dần từ năm 2020, nhờ kinh tế toàn cầu phục hồi và Trung Quốc tiếp tục các chính sách kích thích kinh tế. Dự báo, giá kim loại sẽ giảm 1% trong năm 2020, sau đó tăng 2% vào năm 2021. Trong đó, giá nhôm được kỳ vọng tăng 7,5% trong năm 2020 và tăng khoảng 1% trong năm 2021; giá đồng tăng 1% trong năm 2020 và tăng khoảng 4% trong năm 2021; giá quặng sắt vẫn tăng vững trong năm nay với mức tăng trên 7% so với năm 2019, nhưng có thể sẽ giảm 2% trong năm 2021 do nguồn cung tại Brazil phục hồi dần…
Trong quý III/2020, chỉ số giá kim loại quý tăng 16,5% so với quý trước và dự báo tăng 27% trong năm nay, nhưng sẽ giảm khoảng 4% trong năm 2021 khi kinh tế toàn cầu phục hồi. Trong số này, giá vàng tăng trung bình 27,5% trong năm nay, sau đó ổn định trong năm 2021; giá bạc tăng gần 30% trong năm nay, trước khi giảm 14% trong năm 2021; riêng giá bạch kim chỉ tăng nhẹ trong năm nay và ổn định trong năm 2021.
Nguồn WB tháng 10/2020
Xuân Thanh
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|