Thị trường hàng hóa hôm nay 11/10: Dầu thô đảo chiều giảm, giá nickel, xăng và cà phê khởi sắc

(Banker.vn) Trên thị trường hàng hóa trong phiên hôm nay, nhà đầu tư thận trọng hơn trước diễn biến về xung đột tại Trung Đông và các tín hiệu vĩ mô chưa xuất hiện rõ ràng. Giá dầu và kim loại quý đảo chiều giảm nhẹ, trong khi giá nickel, xăng và cà phê Arabica hồi phục.

Thị trường hàng hóa hôm nay 10/10: Xung đột Trung Đông đẩy giá xăng dầu tăng mạnh, vàng cao nhất một tuần

Một số thông tin tác động đến thị trường hàng hóa

Thị trường hàng hóa hôm nay 11/10: Dầu thô hạ nhiệt, giá nickel, xăng và cà phê khởi sắc
Mộc Trà tổng hợp

Kinh tế vĩ mô

- Theo dự báo của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), lạm phát năm 2025 có thể vẫn đạt mục tiêu 2%. Đại diện ECB cho rằng, ECB đặc biệt thận trọng với giá dầu nhưng cũng nhận định điều đó chỉ chiếm một phần nhỏ trong lạm phát tổng thể, và nhìn chung con số này vẫn đang hạ nhiệt rõ ràng.

- Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2024 xuống 2,9%, thấp hơn so với dự báo 3% của tháng 7.

Dầu thô

- Giá dầu đảo chiều giảm trong ngày hôm qua, dù mức giảm không quá 1%. Hoạt động chốt lời xuất hiện ở dầu thô sau thông tin IMF cắt giảm dự báo GDP toàn cầu. Tuy nhiên, mức sụt giảm được hạn chế bởi đồng đô la yếu hơn và lo ngại xung đột giữa Israel - Hamas có thể mở rộng, làm gián đoạn nguồn cung dầu thô từ Trung Đông. Ngoài ra, triển vọng về các biện pháp kích thích kinh tế bổ sung của Trung Quốc đang hỗ trợ nhu cầu năng lượng và giá dầu thô.

- Theo số liệu của Bloomberg, Nga xuất khẩu khoảng 3,2 triệu thùng dầu thô mỗi ngày trong tuần đầu tháng 10, giảm khoảng 490.000 thùng so với tuần cuối tháng 9. Mức trung bình trong một tháng qua tương đương với mức cắt giảm xuất khẩu mà Nga đã cam kết duy trì tới cuối năm. Các nhà máy lọc dầu của Nga đã giảm tỷ lệ sản xuất hàng ngày xuống mức thấp nhất trong 19 tuần qua, khi hoạt động bảo trì truyền thống diễn ra đồng loạt. Mức sụt giảm khoảng 460.000 thùng/ngày (8%), so với kỷ lục ghi nhận hồi tháng 7.

Trong số dầu xuất khẩu, có tới 2,8 triệu thùng/ngày được chuyển tới châu Á, tăng nhẹ so với 2,7 triệu thùng vào tuần cuối tháng 9.

Nông sản

- Theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu ngũ cốc Brazil (ANEC) dự báo, quốc gia này sẽ xuất khẩu 6,8 triệu tấn đậu tương trong tháng 10, cao hơn mức 6,7 triệu tấn ước tính tuần trước và 3,6 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, xuất khẩu ngô cũng có thể đạt 9,2 triệu tấn, cao hơn nhiều mức 6,2 triệu tấn năm ngoái và 8,9 triệu tấn dự báo.

- Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, nước ta nhập khẩu khoảng 225.000 tấn lúa mì trong tháng 9, giảm 37% so với tháng 8. Tính chung 9 tháng, Việt Nam nhập khẩu hơn 3,3 triệu tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, nước ta cũng nhập 1,2 triệu tấn ngô trong tháng 9, tăng 8% so với tháng 8. Lũy kế 9 tháng, nhập khẩu giảm 2% xuống 6,5 triệu tấn. Đối với đậu tương, nhập khẩu tháng 9 và 9 tháng ghi nhận tương ứng 97.000 tấn và 1,4 triệu tấn, giảm 42% so với tháng 8 nhưng tăng 5% so với cùng kỳ.

Cà phê

- Giá cà phê Arabica phục hồi vào hôm qua, sau khi chạm mức thấp nhất 9 tháng trước đó do thời tiết thuận lợi ở Brazil, trong khi cà phê Robusta giảm xuống mức đáy 6 tháng.

- Theo Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO), xuất khẩu cà phê (dạng hạt) toàn cầu trong tháng 9 đạt gần 9,4 triệu bao,

- Việt Nam đã xuất khẩu gần 51.000 tấn cà phê trong tháng 9, tương đương 850.000 bao loại 60kg. Con số này giảm mạnh gần 40% so với tháng 8 và 47% so với cùng kỳ 2022. Lũy kế 9 tháng, xuất khẩu cà phê nước ta ghi nhận 1,3 triệu tấn, giảm 8% so với cùng kỳ.

Đường

Các nhà máy Brazil đã sản xuất 3,36 triệu tấn đường trong nửa cuối tháng 9, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn kỳ vọng của các nhà phân tích. Tuy nhiên, giá đường đang được củng cố bởi những lo ngại về nguồn cung từ Ấn Độ và Thái Lan khi thời tiết bất lợi tiếp diễn.

Vàng

- Giá vàng giảm sau khi tăng gần 2% trong phiên trước do các nhà đầu tư thận trọng quay trở lại với các tài sản rủi ro hơn và mong chờ những tín hiệu tiếp theo về lập trường chính sách của ngân hàng trung ương Mỹ.

Vào thứ Hai, vàng ghi nhận mức tăng trong ngày lớn nhất 5 tháng, khi các cuộc đụng độ quân sự giữa Israel và nhóm Hồi giáo Palestine Hamas thúc đẩy nhu cầu đầu tư trú ẩn an toàn.

Sắt thép

- Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 9 nước ta nhập khoảng 1,4 triệu tấn sắt thép các loại, tương đương 996 triệu USD, tăng 9% về lượng và 6% về trị giá so với tháng 8. So với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu tăng 63% cả về lượng và giá trị. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khoảng 9,4 triệu tấn sắt thép, tăng 5% về lượng so với cùng kỳ năm 2022.

Chiều ngược lại, nước ta xuất đi hơn 860.000 tấn sắt thép các loại, tương ứng 610 triệu USD, giảm 13% về lượng và giá trị so với tháng 8. So với cùng kỳ, lượng và giá trị tăng 63% và 44%. Tính chung 9 tháng, Việt Nam xuất khẩu 8,3 triệu tấn, tăng 22% về lượng và giá trị so với cùng kỳ.

Thiếc

- Hợp đồng thiếc giao sau có thời điểm tăng lên trên 25.100 USD/tấn, phục hồi mạnh mẽ từ mức thấp nhất trong 5 tháng là 23.500 USD vào ngày 2/10 trong bối cảnh giới phân tích dự đoán nguồn cung thấp hơn và đặt cược vào sự phục hồi của nhu cầu.

- Sản lượng thiếc đã tinh chế của Trung Quốc tăng 17% trong tháng 9 so với tháng trước do một nhà máy luyện kim quan trọng tiếp tục sản xuất sau khi bảo trì thường xuyên, dự kiến ​​sản lượng tháng 10 sẽ giữ nguyên ở mức tương tự.

Cụ thể, sản lượng tại 21 nhà máy luyện thiếc ghi nhận 15.156 tấn, với tổng công suất 320.000 tấn và chiếm 97% tổng công suất của Trung Quốc.

Ấn Độ điều tra chống bán phá giá ống thép hàn không gỉ xuất xứ Việt Nam

Thời kỳ điều tra chống bán phá giá đối với ống thép hàn không gỉ có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Thái Lan và ...

EU lên kế hoạch điều tra chống trợ cấp đối với thép xuất xứ Trung Quốc

EU có động thái điều tra chống trợ cấp đối với thép xuất xứ Trung Quốc để bảo vệ các ngành công nghiệp trong khu ...

Đoàn thanh tra EC đến Việt Nam kiểm tra gỡ 'thẻ vàng' IUU từ hôm nay

Đây là lần thứ tư EC làm việc với Việt Nam, kể từ khi Việt Nam bị cảnh báo "thẻ vàng" IUU năm 2017.

Mộc Trà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục