Thị trường chứng khoán ngày 6/7/2021: Thông tin trước giờ mở cửa

(Banker.vn) Sau 3 năm, vốn VinHomes lại lớn hơn Vingroup, giá trị của TCB vượt qua cả BIDV lẫn Vietinbank; Rạng Đông Holdings lên kế hoạch chào bán 20 triệu cổ phiếu; Em gái bầu Đức bị phạt vì giao dịch chui cổ phiếu HNG;… là những thông tin chính được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến Quý độc giả trước giờ giao dịch ngày 6/7/2021.

Chứng khoán Đại Nam (DNSE) đã hoàn tất tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng, lên kế hoạch chào sàn: CTCP Chứng khoán Đại Nam (DNSE) báo cáo đã hoàn tất chào bán và phân phối toàn bộ 84 triệu cổ phiếu cho 2 tổ chức và 14 cổ đông nhỏ, tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng. Cổ đông tổ chức tham gia mua cổ phiếu gồm 2 cổ đông lớn là CTCP Công nghệ Tài chính Encapital mua 54,6 triệu cổ phiếu, CTCP Encapital Holdings mua 28 triệu cổ phiếu, cùng 14 cổ đông nhỏ mua tổng cộng gần 1,4 triệu cổ phiếu. Sau giao dịch, 2 cổ đông lớn nhất là Công nghệ Tài chính Encapital nắm giữ 65 triệu cổ phiếu, tương ứng 65% vốn và Encapital Holdings nắm giữ 33,33 triệu cổ phiếu, tương ứng 33,33% vốn. Tại đợt chào bán cổ phiếu kết thúc ngày 2/7, giá bán dao động từ 10.000 - 10.100 đồng/CP, tương ứng tổng số tiền DNSE thu được hơn 840 tỷ đồng. Theo nghị quyết ĐHCĐ bất thường năm 2021, cổ đông DNSE cũng đã thông qua việc đăng ký giao dịch trên UPCoM, hoặc niêm yết trên sàn chứng khoán HNX/HSX.

DPG sắp chia cổ tức bằng tiền và cổ phiếu với tổng tỷ lệ 50%: CTCP Đạt Phương (HOSE: DPG) vừa thông qua phương án trả cổ tức năm 2020 cho cổ đông. Cổ tức sẽ được trả bằng tiền mặt tỷ lệ 10% và cổ phiếu thưởng tỷ lệ 40%. Theo đó, Công ty dự kiến chi khoảng 45 tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền mặt và sẽ thanh toán vào ngày 29/07. Về phần cổ phiếu thưởng, DPG sẽ phát hành tối đa 18 triệu cổ phiếu, tương ứng 40%/vốn điều lệ. Cụ thể, cổ đông đang sở hữu 100 cổ phiếu DPG sẽ được nhận thêm 40 cổ phiếu mới. Công ty sẽ chốt danh sách vào ngày 15/07 sắp tới cho đợt trả cổ tức này. Sau khi phát hành cổ phiếu thành công, vốn điều lệ của Công ty sẽ nâng từ 450 tỷ đồng lên 630 tỷ đồng.

Sau 3 năm, vốn VinHomes lại lớn hơn Vingroup, giá trị của TCB vượt qua cả BIDV lẫn Vietinbank: Phiên giao dịch chứng khoán ngày 5/7, cổ phiếu Vinhomes tăng 0,4% lên 118.500 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, giá trị vốn hóa của Vinhomes đạt 390 nghìn tỷ đồng, nhỉnh hơn một chút so với mức 387 nghìn tỷ đồng của công ty mẹ Vingroup. Như vậy, giá trị vốn hóa của Vinhomes sau 3 năm kể từ ngày lên sàn đã lớn hơn vốn hóa của công ty mẹ Vingroup, qua đó trở thành doanh nghiệp lớn thứ 2 trên thị trường chứng khoán, chỉ đứng sau Vietcombank (vốn hóa 421 nghìn tỷ đồng).

Phiên 5/7 cũng là cột mốc đáng chú ý của Techcombank khi cổ phiếu này tăng gần kịch trên lên 58.000 đồng, đưa vốn hóa lần đầu vượt mốc 200.000 tỷ đồng. Nếu đà tăng được duy trì, vốn hóa của ngân hàng này có thể đuổi kịp, thậm chí vượt Hòa Phát. Hiện vốn hóa của Techcombank cũng đã vượt cả Vietinbank (195 nghìn tỷ) và BIDV (188 nghìn tỷ). Cách biệt vốn hóa giữa các cổ phiếu còn lại trong Top10 là không lớn.

Khối ngoại quay đầu bán ròng, tập trung bán CTG, HPG: Phiên giao dịch 7/5 khép lại với sắc đỏ hiện diện trên cả 3 chỉ số. Giao dịch khối ngoại cũng không thực sự tích cực khi họ bán ròng 77 tỷ đồng trên toàn thị trường. Lực bán của khối ngoại tập trung vào CTG (-106 tỷ đồng), HPG (-88,3 tỷ đồng), NVL (-62,8 tỷ đồng)… Riêng sàn HoSE, khối ngoại quay đầu bán ròng 570 nghìn cổ phiếu, tương ứng giá trị 68,84 tỷ đồng.

Em gái bầu Đức bị phạt vì giao dịch chui cổ phiếu HNG: Ngày 05/07, Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã quyết định xử phạt hành chính đối với bà Đoàn Thị Nguyên Thảo - em gái ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HNG) về hành vi vi phạm về công bố thông tin giao dịch. Cụ thể, bà Thảo đã tiến hành mua 46.000 cổ phiếu HNG từ ngày 09 - 25/03/2021 nhưng không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch. Vì vậy, bà Thảo bị phạt hành chính tổng cộng 30 triệu đồng.

Rạng Đông Holdings lên kế hoạch chào bán 20 triệu cổ phiếu: CTCP Rạng Đông Holdings (RDP) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2021, thông qua kế hoạch doanh thu 2.170 tỷ đồng, giảm 21% so với năm 2020. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận trước thuế dự tăng mạnh lên 71 tỷ đồng, cao gấp 8 lần năm ngoái. Đáng chú ý, Đại hội cũng thông qua kế hoạch chào bán 20 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 30% vốn điều lệ cho cổ đông chiến lược. Mục đích nhằm tăng vốn lưu động, tăng khả năng cạnh tranh, tăng năng lực tài chính, tăng vốn cho hoạt động đầu tư. Vốn điều lệ sau phát hành dự kiến tăng lên 676 tỷ đồng. Giá chào bán và thời điểm được uỷ quyền cho HĐQT quyết định nhưng tổng giá trị phát hành dự kiến không thấp hơn 200 tỷ đồng, tương đương mức giá chào bán không thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng/cp.

Apax Holdings muốn chuyển nhượng 24 triệu quyền mua ở Anh ngữ Apax: Hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Đầu tư Apax Holdings (Mã: IBC) vừa thông qua việc chuyển nhượng quyền mua cổ phần phát hành mới tại công ty con là CTCP Anh ngữ Apax. Theo đó, Apax Holdings sẽ chuyển nhượng 24 triệu quyền mua cho các đối tượng là nhà đầu tư cá nhân, tổ chức có nhu cầu và năng lực tài chính. Thời gian chuyển nhượng quyền mua dự kiến trong khoảng quý II tới quý IV năm nay với giá chuyển nhượng tối thiểu là 8.000 đồng/cp. Như vậy, dự kiến 24 triệu quyền mua của Apax Holdings có tổng giá trị từ 192 tỷ đồng.

Giá cổ phiếu tăng mạnh, nhóm cổ đông lớn SHS bán ra gần 3,3 triệu cổ phiếu: Theo báo cáo về ngày không còn là cổ đông lớn, nhóm cổ đông Bùi Minh Lực đã bán ra gần 3,3 triệu cổ phiếu của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS - sàn HNX) từ ngày 21-22/6, giảm sở hữu xuống còn 4,84% vốn. Cụ thể, ông Bùi Minh Lực bán 1,67 triệu cổ phiếu SHS, giảm tỷ lệ sở hữu từ 2,36% xuống còn 1,55% vốn. Bà Nguyễn Thị Hiền, vợ ông Lực, cùng các con và công ty liên quan đến ông Lực cũng đồng loạt thoái vốn với khối lượng từ 100.000 - 800.000 đơn vị. Tính theo giá bình quân 41.000 đồng/CP trong giai đoạn này, ước tính tổng giá trị các giao dịch vào khoảng 134 tỷ đồng.

PV
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục