Thị trường chứng khoán ngày 26/7/2021: Thông tin trước giờ mở cửa

(Banker.vn) Vốn hóa nhóm ngân hàng ‘bốc hơi’ gần 12 tỷ USD từ đầu tháng 7; CEO Group vi phạm thuế tại dự án Khu đô thị Quốc Oai, bị phạt và truy thu tiền tỷ; Tỷ lệ sử dụng đòn bẩy trên thị trường chứng khoán Việt Nam cao kỷ lục;… là những thông tin chính được Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến Quý độc giả trước giờ giao dịch ngày 26/7/2021.

CEO Group vi phạm thuế tại dự án Khu đô thị Quốc Oai, bị phạt và truy thu tiền tỷ: CTCP Tập đoàn C.E.O - CEO Group (HNX - Mã: CEO) vừa bị Cục Thuế Hà Nội xử phạt và truy thu tổng số tiền là 1,42 tỷ đồng. Theo đó, qua kiểm tra, cơ quan thuế phát hiện CEO Group đã kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng mua vào để thi công trường học thuộc dự án Khu đô thị Quốc Oai thuộc đối tượng không chịu thuế, vi phạm Thông tư 26/2015 của Bộ Tài chính. Bên cạnh đó, CEO Group còn có hành vi vi phạm khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp theo quy định tại Nghị định 129/2013 của Chính phủ.

Vốn hóa nhóm ngân hàng ‘bốc hơi’ gần 12 tỷ USD từ đầu tháng 7: Từ đầu tháng 7, cổ phiếu ngân hàng đã trải qua 3 tuần giá đi xuống, nhiều mã giảm 14-20%. Vốn hóa thị trường của nhóm này cũng bị “thổi bay” gần 11,6 tỷ USD, tương đương mức giảm 14%, xuống còn 73 tỷ USD, tương đương gần 1,7 triệu tỷ đồng. BVB của VietCapital Bank (UPCoM: BVB) là mã giảm giá mạnh nhất từ trong 3 tuần qua, với 24%, hiện ở mức 17.900 đồng/cp. Vốn hóa giảm từ 8.600 tỷ đồng xuống hơn 6.500 tỷ đồng. Xếp thứ hai, cổ phiếu LPB của LienVietPostBank (HoSE: LPB) giảm 21%, còn 23.600 đồng/cp, tương đương vốn hóa 25.361 tỷ đồng. CTG của VietinBank (HoSE: CTG) cũng là một trong ba mã giảm giá mạnh nhất, hơn 20% từ đầu tháng, xuống giá 32.500 đồng/cp. Vốn hóa mã này cũng mất hơn 40.000 tỷ đồng, còn 156.190 tỷ đồng. Một số cổ phiếu ngân hàng giảm trên 15% có thể điểm tới như VIB, KLB, SGB, VBB giảm 18-19%, BAB, VCB, NAB giảm 16-17%, BIDV giảm 15%...

Tỷ lệ sử dụng đòn bẩy trên thị trường chứng khoán Việt Nam cao kỷ lục: Theo thông tin từ FiinTrade Platform, tỷ lệ sử dụng đòn bẩy trên thị trường chứng khoán Việt Nam chạm mức cao nhất trong lịch sử. Tỷ lệ này, được tính toán bằng dư nợ margin trên tổng giá trị vốn hóa tính theo giá trị điều chỉnh cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free-float) trên HoSE và HNX, tại thời điểm cuối tháng 6 khoảng 6,7%, tăng 1 điểm phần trăm so với cuối quý I chủ yếu đến từ sự tham gia tích cực của nhà đầu tư cá nhân. FiinTrade cũng lưu ý rằng dư nợ cho vay margin này chưa bao gồm giá trị cho vay 3 bên (thường gọi là kho). Đây là tỷ lệ khá cao so với các nước trong khu vực. Dư nợ cho vay margin tại 51 công ty chứng khoán công ty chứng khóan, chiếm hơn 95% thị phần cho vay margin toàn thị trường, tăng 26% so với quý trước, đạt 126.400 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý II, trong khi quy mô vốn hóa điều chỉnh tăng thấp hơn 10%.

Fubon FTSE Vietnam ETF hút ròng 3.820 tỷ đồng từ đầu tháng 7: Theo số liệu từ Fubon FTSE Vietnam ETF, tổng lượng chứng chỉ quỹ tính đến 23/7 là 956,2 triệu đơn vị, tăng thêm 58 triệu chứng chỉ quỹ trong một tuần giao dịch. Tạm tính theo giá trị mỗi chứng chỉ quỹ là 15,46 tân Đài tệ, số tiền mà quỹ huy động được thêm là 736,1 tỷ đồng. Như vậy, tính từ đầu tháng 7, quỹ Đài Loan đã hút ròng 301 triệu chứng chỉ quỹ, tương đương 3.820 tỷ đồng. Tính đến 23/7, giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ gần 14,8 tỷ Đài tệ, tương đương 12.138 tỷ đồng, tăng 33,2% so với đầu tháng 7. Với sự tăng trưởng mạnh mẽ này, Fubon FTSE Vietnam ETF đã vươn lên là quỹ ETF lớn thứ 2 giải ngân chủ yếu vào cổ phiếu Việt Nam, chỉ sau Diamond ETF của VFM.

Khối ngoại chấm dứt chuỗi 3 tuần mua ròng liên tiếp trên HoSE: Thị trường chứng khoán có tuần giảm điểm thứ 3 liên tiếp. Giao dịch của khối ngoại là điểm tiêu cực của thị trường trong tuần giao dịch từ 19-23/7. Trong đó, dòng vốn này mua vào 174 triệu cổ phiếu, trị giá 7.878 tỷ đồng, trong khi bán ra 203 triệu cổ phiếu, trị giá 10.100 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 29 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng là 2.222 tỷ đồng. Riêng sàn HoSE, khối ngoại chấm dứt chuỗi 3 tuần mua ròng liên tiếp bằng việc bán ròng trở lại 2.600 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là 36,8 triệu cổ phiếu.

Thaco bất ngờ thông báo dừng đầu tư vào HAGL Agrico: Hội đồng quản trị HAGL Agrico (Mã: HNG) vừa thông báo sẽ dừng thực hiện các thủ tục chào bán và phát hành riêng lẻ hơn 741,4 triệu cổ phiếu HNG cho CTCP Nông nghiệp Trường Hải (Thagrico). HAGL Agrico cho biết, ngày 2/7 công ty có nhận được công văn của Ủy ban chứng khoán Nhà nước về việc dừng xem xét hồ sơ đăng ký chào bán và phát hành cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ do đã quá thời hạn bổ sung hồ sơ theo quy định. Đến ngày 12/7, Thagrico cũng gửi công văn thông báo quyết định dừng đầu tư sở hữu cổ phiếu HNG.

Bibica báo lãi thấp nhất trong gần một thập kỷ qua: Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2021 đã công bố, CTCP Bibica (Mã: BBC) ghi nhận doanh thu thuần tăng nhẹ lên 180 tỷ đồng và lãi sau thuế chỉ 104 triệu đồng, giảm hơn 99,5% so với cùng kỳ. Quý 2, giá vốn giảm trong khi biên lãi gộp tăng từ 20% lên 25%, qua đó giúp doanh thu thuần của doanh nghiệp tăng. Dù vậy, do giảm lãi tiền gửi, tiền cho vay và không ghi nhận khoản chênh lệch tỷ giá nên doanh thu hoạt động tài chính của Bibica giảm 48% còn hơn 3 tỷ đồng. Chi phí bán hàng 35 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ, phần lớn do chi phí quảng cáo, trưng bày và hoa hồng, bồi hoàn phí, thưởng doanh số tăng. Ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp là 13 tỷ đồng, giảm 33% so với quý 2/2020. Đây đồng thời là quý mà Bibica báo lãi thấp nhất trong vòng 9 năm qua. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, Bibica ghi nhận mức doanh thu thuần 520 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ; lãi sau thuế 7,5 tỷ đồng, giảm 85% so với 6 tháng đầu năm 2020.

Tân An

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán