“Theo chân FED” không còn là xu hướng của các ngân hàng trung ương

(Banker.vn) Chính sách thắt chặt chính sách tiền tệ đồng bộ và mạnh mẽ nhất thế giới trong 40 năm đang bước sang giai đoạn mới khi nhiều ngân hàng trung ương chuẩn bị giảm tốc độ tăng lãi suất.

Việc chuyển hướng sang chính sách tăng lãi suất nhẹ nhàng hơn, ít đồng điệu hơn phần nào phản ánh sự chênh lệch ngày càng tăng giữa các nền kinh tế trên thế giới trong bối cảnh dư chấn của đại dịch và xung đột địa chính trị giữa Nga - Ukraine vẫn đang hiện diện. Bên cạnh đó, gánh nặng nợ khiến một số nền kinh tế nhạy cảm hơn những nền kinh tế khác trong việc thắt chặt tín dụng.

Tăng trưởng kinh tế Mỹ vẫn đang phục hồi trong bối cảnh Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất, trong khi đó tại cuộc họp định kỳ tháng 11, FED đã báo hiệu rằng họ có thể sẽ tăng lãi suất lên mức đỉnh cao hơn dự kiến ​​trước đó. Nhiều chuyên gia Phố Wall cho rằng mức lãi suất cuối cùng của Mỹ có thể lên đến 5% trong năm tới.

Ngược lại, Anh, Úc và Canada đang lùi bước hoặc sẽ không còn thắt chặt mạnh mẽ trong những tháng tới trước lo ngại những bước đi quyết liệt của FED có thể đẩy nền kinh tế những quốc gia này rơi vào suy thoái.

Đà tăng vọt của đồng USD do chính sách điều hành của FED trong năm nay đã và đang tàn phá các quốc gia đang phát triển có mức vay nợ cao, các quốc gia phát triển phụ thuộc vào năng lượng và các mặt hàng nhập khẩu được định giá bằng đồng bạc xanh.

Nhà kinh tế học Dario Perkins đến từ TS Lombard nhận định: “Mọi chuyện có thể còn hỗn độn hơn nữa nếu các nhà hoạch định chính sách của Mỹ thúc đẩy tăng lãi suất mạnh hơn và các nền kinh tế yếu hơn chọn cách không làm theo Washington”.

Quá trình tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương được kỳ vọng sẽ chậm lại song thị trường trái phiếu vẫn tiếp tục đang lao dốc

Sự khác biệt trong chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương được thể hiện rõ nét hơn trong tuần trước. Trong khi cả FED và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đều tăng lãi suất lên 75 điểm cơ bản, những người đồng nghiệp của họ ở các nước khác đã có những ý kiến ​​khác nhau về động thái trong tương lai.

Chủ tịch FED Jerome Powell trong những phát biểu mới nhất đã bác bỏ các quan điểm ​​cho rằng, FED sẽ sớm tạm dừng lộ trình tăng lãi suất. FED vẫn có "lối đi riêng" và dữ liệu nhận được cho đến cuộc họp cuối cùng cho thấy rằng mức lãi suất chốt hạ sẽ cao hơn so với mức dự kiến ​​trước đây, ngay cả khi có khả năng sẽ có một mức tăng lãi suất thấp hơn vào tháng 12. Lãi suất chuẩn của Mỹ hiện đang ở mức 3,75% - 4%.

Trong khi đó, Thống đốc BoE Andrew Bailey đã dập tắt những suy đoán của thị trường về quy mô tăng tăng lãi suất trong tương lai khi xuất hiện những lo ngại rằng việc thắt chặt chính sách quá mức sẽ khiến suy thoái kinh tế trầm trọng hơn.

Mặt khác, thị trường trái phiếu giao dịch sôi động trong sáu tháng qua khi các nhà đầu tư kỳ vọng, sự xoay trục của FED sẽ dẫn đến một bối cảnh chính sách quốc tế dễ dàng hơn, tuy nhiên họ liên tiếp gặp thất vọng. Chỉ số trái phiếu toàn cầu của Bloomberg giảm khoảng 20% ​​trong năm nay, điều chưa từng có từ trước đến nay.

Phần lớn thời gian trong năm nay, các ngân hàng trung ương đã tham gia vào “cuộc đua ai tăng lãi suất nhanh hơn”, nhà kinh tế học Ethan Harris của Bank of America bình luận. Cuộc chạy đua đưa lãi suất lên mức cao nhất trong hàng thập kỷ chứng tỏ, lạm phát đã tác động xấu đến các quyết định chính sách.

Tuy nhiên, tình trạng này đang thay đổi ngay cả khi lạm phát vẫn cao hơn mục tiêu ở hầu hết các quốc gia. Chi phí đi vay cao hơn đáng kể và bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế cũng như thị trường lao động. Một số nền kinh tế nhạy cảm với lãi suất hơn do các khoản nợ hộ gia đình và nợ doanh nghiệp hoặc ảnh hưởng của thị trường bất động sản nhà ở suy yếu, có thể kể đến như Anh, Canada, Úc, New Zealand hay Na Uy.

FED vẫn tiếp tục chính sách thắt chặt lãi suất và đồng USD vẫn tiếp tục tăng giá

“Những nền kinh tế này sẽ phải chịu suy thoái trước cả khi FED gây ra suy thoái kinh tế Mỹ”, Dario Perkins lưu ý. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi các nhà hoạch định chính sách tiền tệ ở các quốc gia này tạm dừng hoặc giảm quy mô tăng lãi suất.

Bên cạnh đó, một chỉ số Credit Suisse nghiên cứu cho thấy các ngân hàng trung ương gần đây theo đuổi chính sách “ôn hòa” nhiều hơn so với những ngân hàng trung ương kiên định với chính sách “diều hâu”.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng, sau tất cả các cuộc thảo luận xoay quanh, mức lãi suất cao nhất toàn cầu vẫn chưa đạt được và có thể phải đến cuối quý đầu tiên của năm tới hoặc thậm chí lâu hơn nếu lạm phát không giảm.

Theo dữ liệu của Bloomberg Economics, lãi suất bình quân của các ngân hàng trung ương trên ttoàn cầu sẽ đạt 5,5% vào giữa năm tới, tăng từ mức 2,9% vào cuối năm 2021. Riêng ở các nền kinh tế phát triển, Bloomberg Economics  dự báo mức tăng là từ 0,1% lên 3,5%.

Khoảng 90 ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất trong năm nay

Các nhà kinh tế học của Citigroup ghi nhận, lạm phát toàn cầu đang ở mức 9%, gần gấp 5 lần mức 2% mà hầu hết các ngân hàng trung ương coi là mức mục tiên ổn định giá cả. Với tình hình này, khả năng xảy ra suy thoái toàn cầu vào năm tới là 50%.

Nhìn chung, thị trường hiện đang đặt cược, tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương sẽ chậm hơn, nhưng mức lãi suất cuối cùng sẽ cao hơn. Lãi suất tại các nền kinh tế phát triển đã tăng bình quân gần 2 điểm phần trăm vào năm 2022 và có thể sẽ tăng thêm khoảng khoảng một điểm phần trăm nữa trong vài tháng tới. Dự kiến một năm nữa, lãi suất của FED sẽ cao hơn 2,5 điểm phần trăm so với lãi suất bình quân của các nền kinh tế phát triển lớn khác, đây là khoảng cách rộng nhất kể từ năm 2004.

Quỳnh Dương

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục