Thế khó của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản

(Banker.vn) Ngày 28/7 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã gây bất ngờ cho thị trường khi vào cuối cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày, Thống đốc Ueda Kazuo công bố một sự thay đổi bất ngờ đối với chính sách kiểm soát đường cong lợi suất.

 BOJ đã tăng trần lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm, vốn được bảo vệ bằng các giao dịch mua thường xuyên và đôi khi với số lượng lớn, từ 0,5% lên 1%. Lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm tăng lên khoảng 0,57% sau thông báo, mức cao nhất trong gần một thập kỷ qua.

Lạm phát gia tăng trong hai năm qua đã khiến các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất mạnh mẽ. Tuy nhiên, Ngân hàng trung ương Nhật Bản là một ngoại lệ “cứng đầu” khi giữ nguyên hầu hết các biện pháp kích thích tiền tệ, bao gồm cả việc duy trì lãi suất âm và mua trái phiếu mạnh tay. Cơ chế lãi suất cực thấp của BOJ được đưa ra trong nỗ lực thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm chạp của đất nước và ngăn chặn giảm phát hoàn toàn, vốn đã tồn tại một phần tư thế kỷ. Tinh chỉnh kiểm soát đường cong lợi suất không hoàn toàn là từ bỏ cơ chế này song được ngầm hiểu sẽ đặt đất nước này vào hành trình lãi suất cao hơn.

Dưới sự kiểm soát của đường cong lợi suất, BOJ mua trái phiếu chính phủ khi lợi suất đạt đến mức giới hạn đã nêu - đẩy lợi suất, vốn dịch chuyển ngược chiều với giá trái phiếu, quay trở lại. Cách tiếp cận này đã được áp dụng từ năm 2016, khi được giới thiệu như một giải pháp thay thế cho việc mua tài sản khổng lồ, vốn đang làm méo mó thị trường trái phiếu. Trong năm qua, chính sách này đã chịu áp lực khi lạm phát tăng vọt trên toàn thế giới.

Vào tháng 1/2023, BOJ đã buộc phải thực hiện các khoản mua trái phiếu khổng lồ - vượt quá 13 nghìn tỷ Yên (100 tỷ đô la) chỉ trong một tuần - để bảo vệ chính sách nêu trên. Các quỹ phòng hộ đã bán khống trái phiếu chính phủ, hy vọng rằng BOJ cuối cùng sẽ phải từ bỏ chính sách này. Mỗi lần mua thêm trái phiếu đồng nghĩa với việc BOJ làm tăng tổn thất đối với danh mục đầu tư của ngân hàng trung ương nếu lợi tức cuối cùng tăng lên. Và với việc BOJ sở hữu một lượng lớn trái phiếu chính phủ, chỉ còn lại rất ít trái phiếu để các thành viên khác giao dịch, khiến thị trường ngày càng kém thanh khoản.

Do đó, hầu hết các nhà kinh tế đã kỳ vọng BOJ sẽ loại bỏ hoặc điều chỉnh chính sách, dù cho là phải chờ đến cuối năm nay. BOJ nói rằng việc cho phép phạm vi giao dịch rộng hơn sẽ mang lại sự linh hoạt, cho phép thị trường trái phiếu hoạt động tốt hơn, bất kể cơn gió kinh tế thổi theo hướng nào. BOJ cũng nói rằng sẽ “thực hiện các hoạt động thị trường một cách nhanh chóng” khi lãi suất 10 năm nằm trong khoảng từ 0,5% đến 1%. Ngân hàng trung ương dường như đang tự cho mình khả năng “luồn lách” để mua trái phiếu, ngay cả khi lợi suất không tăng so với giới hạn trên mới. Khi làm như vậy, dễ có rủi ro gây nhầm lẫn về các mục tiêu của ngân hàng trung ương.

Bất chấp sự khăng khăng của BOJ rằng sự thay đổi đối với chính sách kiểm soát đường cong lợi suất không phải là một hành động thắt chặt tiền tệ, bất kỳ sự nới lỏng nào của biên độ chắc chắn có nghĩa là lãi suất thị trường cao hơn, vì lợi suất đã tăng vọt so với mức giới hạn trước đó. Ngay cả khi BOJ không muốn “nổ súng” bắt đầu một chu kỳ chính sách thắt chặt hơn, thì động thái này “thực sự giống với việc tăng lãi suất”, theo Naohiko Baba, ngân hàng Goldman Sachs viết.

Cho đến nay, có rất ít người ủng hộ việc thắt chặt mạnh mẽ hơn ở BOJ. Nhưng việc tăng lãi suất không còn có vẻ khó xảy ra như trước đây nữa. Dựa trên giá của các giao dịch hoán đổi lãi suất, các nhà đầu tư kỳ vọng lãi suất ngắn hạn sẽ tăng từ -0,1% hiện nay lên 0% trong thời gian một năm.

Dữ liệu được công bố vào ngày 28/7 cho thấy lạm phát cơ bản (không bao gồm thực phẩm tươi sống và nhiên liệu) ở Tokyo tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, gấp đôi mục tiêu của BOJ. Những gì xảy ra trong thị trường lao động sẽ đóng vai trò rất quan trọng. Các dấu hiệu về áp lực lớn hơn đối với tiền lương vẫn còn hạn chế, nhưng các cuộc đàm phán tiền lương vào mùa xuân, đã hứa hẹn về mức tăng lương lớn nhất trong ba thập kỷ.

Nhiều năm duy trì lãi suất cực thấp đã khiến Nhật Bản phải đối mặt với việc phải có mức lãi suất cao hơn, dù là lãi suất thị trường hay lãi suất chính thức. Nguồn rủi ro rõ ràng nhất là nợ chính phủ, trên cơ sở ròng lên tới mức đáng kinh ngạc là 161% GDP trong năm ngoái và sẽ trở nên đắt đỏ hơn nhiều khi trả nợ. Mặc dù chi phí vay thấp trong những năm gần đây, chính phủ cũng đã chi 7,4% ngân sách hàng năm cho các khoản thanh toán lãi suất- nhiều hơn các khoản chi cho quốc phòng, giáo dục hay cơ sở hạ tầng công cộng.

Lãi suất cao hơn trong bất kỳ khoảng thời gian kéo dài nào cũng sẽ gây áp lực lớn hơn cho tình hình tài chính của Nhật Bản, về mặt số học.

Do đó, BOJ phải đối mặt với một hành động cân bằng. Việc rút khỏi các chính sách kiểm soát đường cong lợi suất của mình mà không khiến lợi suất tăng cao sẽ cần thông tin hoàn hảo. Nếu lạm phát giảm dần như BOJ hy vọng, các quan chức có thể rút chính sách kiểm soát đường cong lợi suất. Nhưng nếu áp lực giá cả ngày càng nghiêm trọng và kéo dài, thì việc thắt chặt tiền tệ đau đớn sẽ xảy ra.

(Nguồn: The Economist)

Hải Yến

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ