Thấy gì từ các ‘ông lớn’ làm chủ cánh buồm trong bão thương mại?

(Banker.vn) Nhiều quốc gia đã chủ động “làm chủ cánh buồm” giữa bão thương mại toàn cầu. Việt Nam cần chọn hướng đi để không trôi theo sóng, mà dẫn dắt dòng chảy mới.
Thuế quan Trung Quốc sẽ cản trở xuất khẩu LNG của Mỹ? Lo ngại hàng hóa từ Trung Quốc, Indonesia áp dụng mức thuế quan mới cho hàng dệt may nhập khẩu Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng 5% bất chấp thuế quan

Trong bối cảnh biến động của chính sách thuế quan và các rào cản thương mại trên toàn cầu, kinh nghiệm ứng phó linh hoạt của Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico và Brazil đã cho thấy xu hướng tái định hình chuỗi cung ứng không chỉ là điều tất yếu, mà còn mang tính chiến lược quốc gia.

Trung Quốc: "Nội địa hóa" không chỉ là khẩu hiệu - mà là chiến lược

Từ năm 2018, Mỹ áp hàng loạt mức thuế quan với hàng hóa Trung Quốc. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã khiến Trung Quốc bước vào một giai đoạn điều chỉnh sâu rộng cả về chiến lược công nghiệp lẫn chính sách ngoại thương.

Thế giới “vượt rào” thuế quan: Kịch bản cho Việt Nam?
Chiến lược “Made in China 2025” với mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất và giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Ảnh minh họa

Cụ thể, các giải pháp “gỡ khó” của Trung Quốc là:

Chiến lược "Tuần hoàn kép" (Dual Circulation Strategy) nhằm giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu và công nghệ nước ngoài bằng cách tập trung vào nhu cầu tiêu dùng nội địa. Cụ thể, Trung Quốc kích cầu thông qua hạ lãi suất, giảm thuế, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thêm vào đó, Trung Quốc cũng tăng thu nhập người dân, đặc biệt là tầng lớp trung lưu - động lực tiêu dùng chính.

Chiến lược “Made in China 2025”: Mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất và giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. Chiến lược này tập trung vào việc thúc đẩy các ngành công nghiệp công nghệ cao như chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI). Chiến lược này thể hiện tham vọng của Trung Quốc trong việc đạt được độc lập về công nghệ và trở thành một cường quốc trong các ngành công nghiệp công nghệ cao trên toàn cầu.

Đa phương hóa thị trường: Trung Quốc tăng cường quan hệ với ASEAN, Liên minh châu Phi và châu Mỹ Latinh nhằm giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Việc này bao gồm việc ký kết và thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do như RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực), tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại và đầu tư song phương.

Đa dạng hóa nguồn cung ứng: Nhiều công ty đã xem xét lại chuỗi cung ứng của mình để đối phó với các mức thuế mới, tìm kiếm các nguồn cung ứng thay thế ngoài Trung Quốc nhằm giảm thiểu tác động từ các biện pháp thuế quan. Trung Quốc thúc đẩy sản xuất thông minh bằng cách đưa ra các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số nhà máy, triển khai hệ thống IoT (Internet of Things), robot công nghiệp, AI trong điều hành sản xuất.

Tự động hóa sản xuất và ứng dụng công nghệ tiên tiến: Trung Quốc đang tập trung vào việc phát triển các công nghệ tương lai như công nghệ lượng tử và sản xuất thông minh, nhằm nâng cao hiệu quả và giảm sự phụ thuộc vào lao động thủ công.

Ấn Độ: Từ “công xưởng thế giới thay thế” đến “tự cường Ấn Độ”

Ấn Độ bị cuốn vào các xung đột thương mại không chỉ với Mỹ mà cả EU, trong các vấn đề như thuế dịch vụ số, sản phẩm nông nghiệp và cơ chế ưu đãi thuế quan. Trước bối cảnh đó, Ấn Độ đã áp dụng các chiến lược:

Đàm phán và điều chỉnh thuế quan: Theo trang Reuters ngày 28/3 đưa tin: Ấn Độ đã đề xuất giảm thuế đối với một số sản phẩm nông nghiệp của Hoa Kỳ như hạnh nhân, nam việt quất và rượu bourbon whisky, nhằm ngăn chặn các biện pháp thuế quan đối ứng từ phía Hoa Kỳ và tăng cường quan hệ thương mại song phương. ​Đồng thời, nhằm thu hút các công ty công nghệ Mỹ như Google, Meta và Amazon, Ấn Độ đã quyết định loại bỏ thuế 6% đối với quảng cáo kỹ thuật số từ ngày 1/4/2025.

Cải cách thuế quan và hỗ trợ sản xuất nội địa: Ấn Độ đã loại bỏ thuế nhập khẩu đối với 35 mặt hàng liên quan đến pin xe điện và 28 mặt hàng liên quan đến sản xuất điện thoại di động, nhằm thúc đẩy sản xuất nội địa và tăng cường khả năng cạnh tranh xuất khẩu.

Thu hút FDI có chọn lọc: Nhận thấy xu hướng các doanh nghiệp đa quốc gia tìm kiếm địa điểm sản xuất thay thế ngoài Trung Quốc, Ấn Độ đã cải thiện môi trường đầu tư bằng cách đơn giản hóa quy trình cấp phép và nới lỏng hạn chế trong các lĩnh vực quan trọng như khai thác than và sản xuất theo hợp đồng. Ngoài ra, Ấn Độ đã phát triển các khu công nghiệp chuyên biệt và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Thế giới “vượt rào” thuế quan: Kịch bản cho Việt Nam?
Chiến dịch "Make in India": Được khởi xướng vào tháng 9/2014 với mục tiêu biến Ấn Độ thành trung tâm sản xuất toàn cầu và giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu. Ảnh minh họa

Chiến dịch "Make in India" được khởi xướng vào tháng 9/2014 với mục tiêu biến Ấn Độ thành trung tâm sản xuất toàn cầu và giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu. Sáng kiến này tập trung vào 25 lĩnh vực ưu tiên, bao gồm ô tô, hàng không, điện tử, quốc phòng, dược phẩm, dệt may... nhằm đơn giản hóa quy định đầu tư, cắt giảm giấy phép và cải thiện môi trường kinh doanh.

Chính sách ưu đãi liên kết sản xuất (PLI) được Chính phủ Ấn Độ triển khai từ năm 2020 nhằm thúc đẩy sản xuất nội địa và giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu. Theo PIB, tổng ngân sách dành cho chương trình này là khoảng 1,97 lakh crore INR (hơn 26 tỷ USD).

Doanh nghiệp sản xuất sẽ nhận được ưu đãi tài chính dựa trên tỷ lệ phần trăm doanh thu tăng trưởng nếu sản xuất tại Ấn Độ. Điều này nhằm khuyến khích các công ty mở rộng hoạt động sản xuất trong nước, tạo việc làm và thúc đẩy xuất khẩu.

Mexico: Từ khủng hoảng NAFTA đến tận dụng USMCA

Việc Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) được thay thế bởi Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada (USMCA) đã đặt Mexico trước nguy cơ mất đi lợi thế xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Tuy nhiên, Mexico đã chủ động điều chỉnh chính sách để thích nghi và tận dụng cơ hội từ USMCA. Trước bối cảnh đó, Mexico đã áp dụng những giải pháp nổi bật như:

Tái cấu trúc chính sách công nghiệp: Mexico tăng cường năng lực sản xuất nội địa, đặc biệt trong ngành ô tô, điện tử và nông sản, đồng thời cải thiện điều kiện lao động để phù hợp tiêu chuẩn mới.

Đối với ngành ô tô, USMCA yêu cầu 75% linh kiện ô tô phải được sản xuất tại Bắc Mỹ để hưởng ưu đãi thuế quan, tăng từ mức 62,5% của NAFTA. Điều này thúc đẩy Mexico nâng cao năng lực sản xuất nội địa để đáp ứng tiêu chuẩn mới.

Đối với ngành điện tử, Mexico đã thu hút nhiều khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực sản xuất điện tử, với FDI tăng trung bình 20% mỗi năm từ 2019 - 2023, so với mức tăng 7% toàn cầu, dữ liệu từ Boston Consulting Group - một trong ba công ty tư vấn chiến lược lớn nhất thế giới

Tận dụng cụm công nghiệp liên kết: Các bang biên giới như Baja California, Sonora, Nuevo León và Tamaulipas đã phát triển mạnh mẽ các cụm công nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực ô tô và điện tử. Theo dữ liệu từ trang Reuters, Nuevo León đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn trong ngành ô tô, như việc Volvo tăng vốn đầu tư lên 1 tỷ USD cho nhà máy sản xuất xe tải mới tại đây

Sự phát triển của các cụm công nghiệp này đã thu hút nhiều công ty đa quốc gia, tận dụng lợi thế về lao động, vị trí và ưu đãi thuế quan từ USMCA. Điều này đã thúc đẩy FDI vào Mexico, với Mỹ và Canada đóng góp lần lượt 13,5 tỷ USD và 2,2 tỷ USD trong chín tháng đầu năm 2023, chiếm 48% tổng FDI vào nước này.

Brazil: “Cường quốc nông nghiệp” ứng xử thế nào với rào cản phi thuế quan?

​Brazil, được mệnh danh là "cường quốc nông nghiệp", đang đối mặt với nhiều rào cản phi thuế quan từ Liên minh châu Âu (EU), bao gồm các tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường và yêu cầu về truy xuất nguồn gốc. Những rào cản này ảnh hưởng đáng kể đến xuất khẩu nông sản của Brazil, một trụ cột quan trọng của nền kinh tế nước này.

Nhằm ứng phó với thách thức trên Brazil đã đưa ra nhiều giải pháp nổi bật, cụ thể:

Đàm phán song phương linh hoạt: Theo thông tin từ trang tin tức quốc tế Caribbeannewsglobal, Brazil tích cực tham gia vào các cuộc đàm phán FTA song phương và khu vực, đặc biệt là thông qua khối Mercosur, nhằm giảm sự phụ thuộc vào các đàm phán đa phương phức tạp. Hiệp định Thương mại giữa EU và Mercosur, nếu được thông qua, dự kiến sẽ loại bỏ hơn 90% thuế quan đối với hàng hóa trao đổi giữa hai khối, tiết kiệm khoảng 4 tỷ euro hàng năm cho các công ty châu Âu.

Đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao: Brazil đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ nông nghiệp để nâng cao năng suất và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ EU. Ví dụ, các nông dân Brazil hiện phải cung cấp dữ liệu GPS và hình ảnh vệ tinh để chứng minh sản phẩm không liên quan đến phá rừng, nhằm tuân thủ các quy định mới của EU

Thế giới “vượt rào” thuế quan: Kịch bản cho Việt Nam?
Brazil đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ nông nghiệp để nâng cao năng suất và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ EU. Ảnh minh họa

Những nỗ lực trên đã giúp Brazil duy trì và mở rộng thị phần tại EU, đồng thời tìm kiếm các thị trường mới để giảm thiểu rủi ro từ các rào cản phi thuế quan.​ Việc tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường và kỹ thuật giúp Brazil nâng cao uy tín trên thị trường quốc tế, khẳng định cam kết đối với phát triển bền vững.

Bài học mở cho Việt Nam

Thứ nhất, tái định hình chuỗi cung ứng: Xây dựng cụm công nghiệp có năng lực cạnh tranh thực sự (logistics, lao động kỹ thuật, hạ tầng số), để giữ chân chuỗi cung ứng dịch chuyển - thay vì trở thành điểm trung chuyển tạm thời. Ngoài ra, Việt Nam có thể học hỏi để xây dựng các khu công nghiệp chuyên biệt như Bắc Giang (điện tử), Thái Bình (dệt may), Quảng Ngãi (hóa dầu) - có liên kết chiều sâu giữa các doanh nghiệp FDI và nội địa.

Thứ hai, đa phương hóa thị trường xuất khẩu để giảm lệ thuộc: Đẩy mạnh các hiệp định song phương có chiều sâu, ví dụ FTA với Mercosur, UAE, và đàm phán nâng cấp EVFTA để mở rộng thị phần ngoài Mỹ.

Thứ ba, nội địa hóa chuỗi giá trị: Phát triển chính sách ưu đãi sản xuất nội địa thông minh, như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ tín dụng và logistics cho DN nội địa tham gia sâu vào chuỗi cung ứng. Thúc đẩy phát triển thị trường tiêu dùng nội địa thông qua nâng thu nhập người dân, đặc biệt là tầng lớp trung lưu.

Thứ tư, đổi mới công nghệ: Nhanh chóng triển khai chương trình chuyển đổi số ngành công nghiệp, đi đôi với đào tạo lại lực lượng lao động kỹ thuật. Tạo quỹ phát triển công nghiệp công nghệ cao để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào AI, robot, sản xuất xanh và thông minh. Hình thành trung tâm đổi mới sáng tạo liên vùng, ví dụ tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng.

Cuối cùng, chủ động đối thoại thương mại song phương Việt - Mỹ để giải thích rõ tính minh bạch, an toàn và truy xuất nguồn gốc sản phẩm xuất khẩu. Xem xét mở rộng hợp tác đầu tư công nghệ cao giữa Mỹ và Việt Nam trong các lĩnh vực như bán dẫn, năng lượng tái tạo và AI - nhằm tạo “liên kết lợi ích” chống lại rủi ro thương mại.

Biến thách thức từ thuế quan cao thành động lực đổi mới là con đường không dễ, nhưng nếu quyết tâm, Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên thành một mắt xích chủ lực trong chuỗi cung ứng toàn cầu mới.

Thanh Thanh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục