Thanh Hóa: Vì sao Khu dịch vụ thương mại - siêu thị kết hợp chợ giữa thành phố bỏ hoang nhiều năm?

(Banker.vn) Khu dịch vụ thương mại- siêu thị kết hợp chợ (Thanh Hóa) hoàn thành năm 2020, nhưng đến nay chưa thể đi vào hoạt động vì chủ đầu tư xây dựng sai thiết kế.
Thanh Hóa: Dự án kho xăng dầu Petrolimex sau 6 năm vẫn “án binh bất động” Thanh Hóa: Ỳ ạch triển khai dự án đường kết nối Khu công nghiệp Tây Bắc Ga với vùng phụ cận

Chủ đầu thi công nhiều hạng mục sai thiết kế

Năm 2017, nhằm đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân trong khu vực, đồng thời góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu thương mại dịch vụ - siêu thị kết hợp chợ hạng III tại phường Nam Ngạn, TP. Thanh Hóa.

Dự án có tổng diện tích hơn 12.000m2, với quy mô khu chợ hạng III, diện tích 4.500m2, gồm: Nhà chợ chính 1 tầng (875m2), ki ốt bán hàng 3 tầng (950m2), nhà xe (400m2) và các hạng mục công trình phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật khác. Khu dịch vụ thương mại – siêu thị gồm: Nhà dịch vụ thương mại – siêu thị 3 tầng (3.240m2), gara để xe (600m2) và các hạng mục công trình phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật khác.

Tổng mức đầu tư dự án hơn 65 tỷ đồng, được giao cho Công ty Cổ phần tập đoàn Cường Minh (Công ty Cường Minh), có địa chỉ tại TP. Thanh Hóa làm chủ đầu tư. Dự án trên được Công ty Cường Minh khởi công vào quý IV/2017, hoàn thành đưa vào sử hoạt động trong quý IV/2018.

Thanh Hóa: Vì sao Khu dịch vụ thương mại - siêu thị kết hợp chợ giữa thành phố bỏ hoang nhiều năm?
Hiện trạng Dự án Khu thương mại dịch vụ - siêu thị kết hợp chợ hạng III của Công ty Cường Minh.

Trên thực tế, mãi đến năm 2020 thì dự án trên mới được hoàn thành, nhưng cũng từ đó, dự án không thể đi vào hoạt động chính thức vì chủ đầu tư dự án này đã thi công một số hạng mục sai thiết kế đã được UBND TP. Thanh Hóa phê duyệt và đã từng bị xử phạt.

Cụ thể, ngày 19/01/2021, Đội Kiểm tra quy tắc đô thị TP. Thanh Hóa phối hợp cùng UBND phường Nam Ngạn đã lập biên bản vi phạm hành chính số 13/BB-VPHC đối với công trình trong lĩnh vực xây dựng của Công ty Cường Minh.

Qua kiểm tra phát hiện, chủ đầu tư đang triển khai xây dựng công trình nhà 02 tầng, hiện đổ xong mái tầng 2 có diện tích là 7,5x9,4 – 74,2m2 (toàn bộ phần diện tích xây dựng nêu trên được xây dựng trên hạng mục đất cây xanh, sân cỏ ký hiệu số 15 trong MBQH được cấp có thẩm quyền phê duyệt).

Căn cứ hành vi vi phạm, ngày 9/3/2021 UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định xử phạt số 764/QĐ-XPVPHC đối với Công ty Cường Minh số tiền 110 triệu đồng.

Ngoài ra, trong quá trình thi công dự án, đối với công trình Nhà dịch vụ thương mại chủ đầu tư đã xây dựng với tầng cao 03 tầng, chia thành 36 ô có cầu thang và nhà vệ sinh riêng biệt là sai thiết kế, không có trong nội dung quy định về quy mô đầu tư được UBND tỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 136/QĐ-UBND ngày 07/01/2022.

Loay hoay tìm cách “hợp thức hóa sai phạm”.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Công Thương, vào ngày 18/2/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành văn bản số 584/QĐ-UBND về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nói trên. Tiếp đến, ngày 7/1/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa lại tiếp tục ban hành Quyết định số 136/QĐ-UBND về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án lần 2.

Theo nội dung điều chỉnh lần thứ 2 vào năm 2022, khu chợ hạng III được nâng lên tổng diện tích khoảng 5.500 m2 (tăng thêm 1.000m2 so với chấp thuận chủ trương lần đầu tiên), gồm các hạng mục công trình chính sau: Nhà chợ chính 01 tầng (875 m2), ki ốt bán hàng 03 tầng 1.837,4 m2 (tăng thêm 887m2), nhà bảo vệ và ban quản lý 03 tầng (40m2), nhà để xe chợ (408m2), nhà vệ sinh nam - nữ (39,7m2), nhà thu gom rác (39,7m2), nhà bảo vệ 02 tầng (76m2), và các hạng mục công trình phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật khác.

Thanh Hóa: Vì sao Khu dịch vụ thương mại - siêu thị kết hợp chợ giữa thành phố bỏ hoang nhiều năm?
Dự án đã được UBND tỉnh Thanh Hóa điều chỉnh 2 lần, hiện đã có lác đác hộ kinh doanh và người dân sinh sống tại đây.

Đối với khu dịch vụ thương mại sẽ gồm các hạng mục công trình sau: Khu nhà dịch vụ thương mại 03 tầng, 3.042 m2 (giảm 02 tầng và 200m2), nhà để xe khu thương mại (256 m2) và các hạng mục công trình phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật khác.

Tổng vốn đầu tư của dự án cũng được nâng lên khoảng 73,41 tỷ đồng; trong đó vốn tự có 43,41 tỷ đồng (chiếm 59%), vốn vay ngân hàng và huy động hợp pháp khác 30 tỷ đồng (chiếm 41%). Dự án sẽ được khởi công trong quý I/2020 và hoàn thành đi vào hoạt động trong quý I/2022.

Tuy nhiên, qua rà soát của cơ quan chức năng, đối với hạng mục nhà dịch vụ thương mại, chủ đầu tư đã xây dựng với tầng cao 03 tầng, chia thành 36 ô có cầu thang và nhà vệ sinh riêng biệt là sai thiết kế, không có trong nội dung quy định về quy mô đầu tư được UBND tỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư lần 2.

Để “hợp thức hóa sai phạm”, ngày 29/6/2022, chủ đầu tư đã có văn bản xin điều chỉnh dự án gửi UBND TP. Thanh Hóa và UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã giao các đơn vị có liên quan căn cứ các quy định của pháp luật và chức năng, nhiệm vụ của địa phương; chủ động hướng dẫn, giải quyết dứt điểm theo thẩm quyền các đề xuất của Công ty Cường Minh đảm bảo theo quy định; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả thực hiện và những vấn đề vượt thẩm quyền.

Trong văn bản tham gia ý kiến số 5094/SKHĐT-ĐTDN ngày 28/7/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư Thanh Hóa khẳng định, việc chia nhỏ Khu nhà dịch vụ thương mại từ 03 tầng, diện tích xây dựng khoảng 3.042m2 thành 36 ô chia lô không được ghi nhận cụ thể tại các quyết định chấp thuận, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Đề nghị UBND TP. Thanh Hóa tham vấn ý kiến của Sở Xây dựng về việc đảm bảo an toàn kết cấu chịu lực, sự phù hợp với quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng…

Tại văn bản số 5436/SXD-HĐXD ngày 28/7/2022, Sở Xây dựng nêu: “Để đánh giá về việc đảm bảo an toàn đối với kết cấu chịu lực đã thi công, cần thuê đơn vị tư vấn có năng lực phù hợp với quy mô tính chất công trình để thực hiện việc kiểm định, đánh giá xác định chất lượng công trình theo quy định.”

Thanh Hóa: Vì sao Khu dịch vụ thương mại - siêu thị kết hợp chợ giữa thành phố bỏ hoang nhiều năm?
Một bãi đậu xe nằm giữa khuôn viên dự án.

Đến ngày 8/9/2022, trong văn bản số 5236/UBND-QLĐT mà UBND TP. Thanh Hóa báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa thể hiện, nhà đầu tư xây dựng khu nhà dịch vụ thương mại với tầng cao 3 tầng, chia thành 36 ô có cầu thang và nhà vệ sinh riêng biệt không phù hợp với văn bản thẩm định số 103/QLĐT-TĐ ngày 15/04/2020 của Phòng Quản lý đô thị - UBND thành phố; Giấy phép xây dựng số 2775/GPXD ngày 13/5/2020 của Sở Xây dựng và không có trong nội dung quy định về quy mô đầu tư được UBND tỉnh ban hành tại quyết định số 136/QĐ-UBND ngày 7/1/2022.

Đồng thời UBND TP. Thanh Hóa tiếp tục đề nghị các đơn vị có liên quan nghiên cứu, tiếp tục có ý kiến tham gia bằng văn bản gửi về UBND TP. Thanh Hóa để làm cơ sở giải quyết đề xuất của chủ đầu tư. Sau đó, UBND TP. Thanh Hóa đã trả hồ sơ xin điều chỉnh cho chủ đầu tư với lý do, nội dung điều chỉnh không có trong quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Mới đây, vào ngày 18/3/2024, Công ty Cường Minh lại tiếp tục có văn bản gửi UBND TP. Thanh Hóa, đề nghị UBND TP. Thanh Hóa căn cứ chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa và các Sở, ban, ngành sớm giải quyết khó khăn và đồng ý điều chỉnh Dự án Khu dịch vụ thương mại – siêu thị kết hợp chợ hạng III tại phường Nam Ngạn, TP. Thanh Hóa.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, một lãnh đạo UBND TP. Thanh Hóa cho biết: "Theo thiết kế đã được phê duyệt thì Khu dịch vụ thương mại là sàn chung, tuy nhiên Công ty Cường Minh lại xây dựng chia thành 36 căn liền kề. Hiện Công ty Cường Minh đang đề nghị hoàn thiện hồ sơ khu dịch vụ thương mại, UBND TP. Thanh Hóa sẽ đề xuất, báo cáo UBND tỉnh, sau đó tỉnh giao các ngành thống nhất cụ thể thì thành phố mới cấp phép theo hiện trạng của Công ty đã xây dựng".

Quốc Huy

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục