Tập đoàn Thụy Điển muốn triển khai dự án tỷ USD tại Bình Định

(Banker.vn) Tập đoàn Syre đến từ Thụy Điển đang lên kế hoạch đầu tư một tổ hợp sản xuất và tái chế sợi Polyester tại Bình Định với diện tích 10 ha và tổng vốn đầu tư dự kiến từ 700 triệu đến hơn 1 tỷ USD.

Ngày 18/2, tại Văn phòng UBND tỉnh Bình Định, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đã có buổi làm việc với đoàn lãnh đạo Tập đoàn Syre do ông Tim King, Giám đốc vận hành cấp cao dẫn đầu. Buổi làm việc có sự tham dự của đại diện các sở, ban, ngành liên quan nhằm trao đổi về cơ hội đầu tư cũng như các vấn đề cần tháo gỡ để hiện thực hóa dự án.

Tại buổi làm việc, ông Tim King nhấn mạnh Syre là tập đoàn tiên phong trong tái chế dệt may, với sứ mệnh giảm thiểu rác thải và khí thải trong ngành dệt. Mục tiêu của Syre là đến năm 2032 sẽ xây dựng 12 nhà máy trên toàn cầu, đạt sản lượng 3 triệu tấn Polyester tái chế/năm, tương ứng với giảm 15 triệu tấn CO2 mỗi năm. Tại Bình Định, Syre dự định đầu tư Tổ hợp sản xuất tái chế sợi Polyester diện tích 10ha, với tổng vốn đầu tư từ 700 triệu đến hơn 1 tỷ USD.

Phía doanh nghiệp cho rằng, nếu dự án tại Bình Định được triển khai, Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng dệt may tái chế, đồng thời tạo việc làm, phát triển hệ sinh thái quản lý rác thải và thúc đẩy vận chuyển, phân loại dệt may. Dự án này cũng sẽ góp phần giảm thiểu phát thải carbon, thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn trong ngành dệt may và đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất dệt may bền vững toàn cầu.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Binhdinh.gov.vn
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Binhdinh.gov.vn

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Phạm Anh Tuấn hoan nghênh dự định đầu tư của Syre và khẳng định Bình Định ưu tiên các dự án sản xuất theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường. Ông nhấn mạnh rằng tỉnh có sẵn quỹ đất, cơ sở hạ tầng phát triển, cùng với các chính sách thu hút đầu tư thuận lợi để hỗ trợ Syre triển khai dự án. Tuy nhiên, tỉnh cũng yêu cầu nhà đầu tư tuân thủ các quy định về xử lý rác thải dệt may, áp dụng công nghệ hiện đại, đảm bảo phát triển kinh tế xanh và bảo vệ môi trường.

Một trong những vấn đề được thảo luận là quy định cấm nhập khẩu quần áo và vải vóc đã qua sử dụng để tái chế. Chủ tịch UBND tỉnh cho biết Chính phủ Việt Nam có chủ trương tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư phát triển kinh doanh bền vững và sẵn sàng xem xét điều chỉnh quy định này nếu Syre chứng minh được năng lực tài chính, công nghệ hiện đại và cam kết đầu tư phát triển tuần hoàn.

Phía Tập đoàn Syre cam kết sẽ ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất tái chế sợi Polyester, đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường quốc tế cũng như tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Việt Nam. Ông Tim King bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ngành và tỉnh Bình Định để sớm triển khai dự án.

Bên cạnh nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài, Bình Định cũng đang triển khai hàng loạt giải pháp nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng 8,5% trong năm 2025 theo Nghị quyết số 25/NQ-CP của Chính phủ. Tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm thúc đẩy sản xuất kinh doanh, hoàn thiện hạ tầng, phát triển du lịch, cải cách hành chính và đảm bảo quốc phòng - an ninh. Một số dự án hạ tầng lớn đang được triển khai bao gồm Khu công nghiệp Phù Mỹ, Khu bến cảng Phù Mỹ và đường cất hạ cánh số 2 tại sân bay Phù Cát.

Trong năm 2024, Bình Định duy trì mức tăng trưởng ấn tượng với GRDP ước tăng 7,78%, thu ngân sách đạt 15.615 tỷ đồng, trong khi vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 43,1% GRDP. Với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và thu hút FDI, Bình Định kỳ vọng sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư lớn như Syre, góp phần phát triển kinh tế tuần hoàn, tạo thêm việc làm và đưa ngành dệt may Việt Nam lên một tầm cao mới.

Tỷ phú quốc tế muốn đổ vốn vào siêu dự án nghỉ dưỡng hơn 4 tỷ USD ở Bình Định

Siêu dự án du lịch hơn 4 tỷ USD tại Bình Định hướng đến giới siêu giàu, với hệ thống bến du thuyền hiện đại, ...

Một doanh nghiệp 4 tháng tuổi muốn làm dự án 4,5 tỷ USD tại Bình Định

Dự án 4,5 tỷ USD tại Bình Định do Công ty CP Đô thị biển – siêu du thuyền Lạc Việt Palmer Johnson đề xuất, ...

Kiều Linh

Kiều Linh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục