Tạo động lực, khơi tiềm năng, mở rộng không gian tăng trưởng xuất khẩu vùng Trung du và miền núi phía Bắc

(Banker.vn) Trung du và miền núi phía Bắc có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển nhanh, bền vững nhưng các địa phương chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của vùng.
Đề xuất chuỗi sự kiện xúc tiến thương mại quy mô lớn tại khu vực Tây Nguyên Thúc đẩy xúc tiến thương mại, phân phối hàng hóa qua nền tảng số Trung du và miền núi phía Bắc chưa hấp dẫn dòng vốn ngoại

Ngày 12/4/2024, tại Lào Cai, Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương tỉnh Lào Cai tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại và mở rộng xuất nhập khẩu vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Hội nghị do Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng chủ trì, diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo đại biểu trên khắp cả nước cũng như ở nước ngoài tham gia.

Cùng tham dự có lãnh đạo UBND các địa phương thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc, lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương, các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các hiệp hội ngành hàng, đại diện các cơ quan, tổ chức hỗ trợ kinh doanh nước ngoài, các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ logistic…

Tạo động lực, khơi tiềm năng, mở rộng không gian tăng trưởng xuất khẩu vùng Trung du và miền núi phía Bắc
Thứ trưởng Bộ Công Thương, bà Phan Thị Thắng phát biểu tại Hội nghị xúc tiến thương mại và mở rộng xuất nhập khẩu vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, vùng Trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, cửa ngõ phía Tây và phía Bắc của quốc gia.

Đồng thời, đây cũng là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển bền vững với nhiều loại tài nguyên thiên nhiên phong phú, diện tích đồi rừng rộng lớn, đa dạng khí hậu, thổ nhưỡng, đa dạng sắc tộc… Mạng lưới giao thông vận tải của vùng đang được đầu tư, nâng cấp, nên ngày càng thuận lợi cho việc giao lưu với các vùng khác trong nước và xây dựng nền kinh tế mở.

Chính những lợi thế và việc tận dụng các lợi thế trên, vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã góp phần tạo nên thành công của bức tranh xuất nhập khẩu của đất nước. Cụ thể, trong 2 năm 2022 và 2023, trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn vùng lần lượt đạt xấp xỉ 119,5 tỷ USD và trên 115,5 tỷ USD, chiếm gần 16% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước, trong đó riêng kim ngạch xuất khẩu của vùng đạt xấp xỉ 67,4 tỷ USD năm 2022 và trên 64,8 tỷ USD năm 2023, tương đương 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Cơ cấu hàng xuất khẩu của vùng khá đa dạng, đóng góp vào nhiều nhóm hàng xuất khẩu tỷ đô của cả nước như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện, một số mặt hàng nông sản... Lĩnh vực nông, lâm, thủy sản là thế mạnh của vùng cũng đang chuyển đổi dần theo hướng sản xuất hàng hóa, thâm canh, nâng cao năng suất và chất lượng.

"Đối với một vùng có nhiều địa phương còn khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ thì đây là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị cũng như người dân và doanh nghiệp", Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, vùng Trung du và miền núi phía Bắc vẫn còn tồn tại một số hạn chế lớn, gồm: Quy mô kinh tế vùng tương đối nhỏ so với các vùng khác trong cả nước (xếp thứ 5/6 vùng về quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong năm 2020), tăng trưởng kinh tế không đồng đều giữa các địa phương trong vùng, lực lượng lao động chiếm số đông trong khu vực nông nghiệp với năng suất lao động còn thấp…

Tạo động lực, khơi tiềm năng, mở rộng không gian tăng trưởng xuất khẩu vùng Trung du và miền núi phía Bắc
Ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội nghị xúc tiến thương mại và mở rộng xuất nhập khẩu vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Theo ông Bùi Huy Sơn, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Công Thương), vùng Trung du miền núi phía Bắc có nhiều tiềm năng song quy mô sản xuất công nghiệp của vùng còn nhỏ, liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa các địa phương trong vùng rời rạc; hoạt động của các khu công nghiệp kết nối với các cụm liên kết trong sản xuất công nghiệp còn hạn chế, chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp mũi nhọn; chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư hiện hành chưa đủ mạnh…

Do đó, để thúc đẩy tiềm năng, lợi thế hình thành chuỗi liên kết sản xuất hàng xuất khẩu vùng Trung du miền núi phía Bắc trong thời gian tới, ông Bùi Huy Sơn cho rằng các địa phương cần chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo phát triển nguồn nhân lực, hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư gắn với lợi thế nổi trội của vùng để nâng cao hiệu quả thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển công nghiệp địa phương theo hướng cụm liên kết ngành công nghiệp.

"Trong thời gian tới, vùng Trung du miền núi phía Bắc cần tập trung ưu tiên phát triển xuất khẩu các mặt hàng có quy mô xuất khẩu lớn, lợi thế cạnh tranh cao (điện tử, dệt may, da giày, nông sản, đồ gỗ...) gắn với đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu...", ông Sơn khuyến nghị.

Hội nghị xúc tiến thương mại và mở rộng xuất nhập khẩu vùng Trung du miền núi phía Bắc do Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai đồng chủ trì tổ chức.

Điểm đặc biệt, hội nghị lần này diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo đại biểu trên khắp cả nước cũng như ở nước ngoài tham gia.

Hội nghị nhằm thảo luận về những vấn đề kinh tế trọng yếu của vùng như: Cơ hội thị trường nước ngoài cho các sản phẩm của vùng, xây dựng khu kinh tế cửa khẩu, chiến lược phát triển xuất nhập khẩu những năm tới…

Thanh Thúy

Theo: Báo Công Thương