Tăng năng lực chống chịu với cú sốc từ bên ngoài và giải pháp tăng trưởng GDP năm 2024

(Banker.vn) Có độ mở lớn, song quy mô khiêm tốn, khả năng thích ứng, chống chịu với những “cú sốc” bên ngoài còn hạn chế. Đây là thách thức của kinh tế Việt Nam năm 2024.
Chuyển dịch năng lượng thúc đẩy nền kinh tế xanh Các kịch bản cho nền kinh tế toàn cầu năm 2024

Dễ bị tác động từ những “cú sốc” của kinh tế thế giới

Chia sẻ với báo chí trước thềm xuân mới 2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tăng trưởng GDP năm 2023 mặc dù không đạt được mục tiêu đề ra, tuy nhiên kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực, tạo tiền đề cho Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024.

Cụ thể, ổn định kinh tế vĩ mô cơ bản được giữ vững, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế như thu ngân sách nhà nước, an ninh năng lượng, an ninh lương thực được đảm bảo. Năm 2023, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đã giữ xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức BB trong 6 tháng và nâng lên mức BB+ trong tháng 12, trên triển vọng ổn định, trong khi hạ tín nhiệm của một số nền kinh tế lớn.

Tăng năng lực chống chịu với cú sốc từ bên ngoài và giải pháp tăng trưởng GDP năm 2024
Tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 5,05%, mặc dù thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng là mức tăng trưởng thuộc nhóm cao trong khu vực và thế giới (Ảnh minh hoạ)

Tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 5,05%, mặc dù thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng là mức tăng trưởng thuộc nhóm cao trong khu vực và thế giới. Malaysia dự báo tăng trưởng 4%; Philippines tăng 4%; Thái Lan 2,7%; Indonesia tăng 3,5-4%; Trung Quốc 4%. Sản xuất công nghiệp, xuất khẩu được cải thiện tích cực qua từng quý, từng tháng.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các yếu tố nền tảng về thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh, hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo… được cải thiện rõ rệt. Việt Nam đã hoàn thành 475 km đường cao tốc, nâng tổng số km đường cao tốc lên khoảng 1.900 km. Hệ sinh thái khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, mạng lưới đổi mới sáng tạo quốc gia tiếp tục phát triển mạnh mẽ…

“Đây là những yếu tố quan trọng, tạo đà thuận lợi để Việt Nam tăng tốc, bứt phá trong năm 2024 và hướng tới thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu tăng trưởng và phát triển 5 năm giai đoạn 2021-2025 và chiến lược 10 năm” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.

Bước sang năm 2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, bên cạnh những thuận lợi về thời cơ, tiềm lực của nền kinh tế được mở rộng sau gần 40 năm đổi mới,… thì thách thức đối với nền kinh tế trong nước vẫn rất lớn do xung đột địa chính trị, tình hình thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng suy giảm. Lạm phát, chính sách tiền tệ của một số nền kinh tế lớn còn chứa đựng nhiều yếu tố bất định.

Trong khi đó, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, nhưng quy mô còn khá khiêm tốn, khả năng thích ứng, chống chịu trước những “cú sốc” bên ngoài còn hạn chế, dễ bị ảnh hưởng từ những biến động, dù là nhỏ của thế giới. Điều này sẽ tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư của Việt Nam.

Tăng năng lực chống chịu với cú sốc từ bên ngoài và giải pháp tăng trưởng GDP năm 2024
Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 2024 (Ảnh minh hoạ)

Chủ động nâng cao năng lực chống chịu của nền kinh tế

Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, nhiều dự báo cho rằng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 6-6,5% như mục tiêu Quốc hội đề ra trong năm 2024 là vô cùng khó khăn. Do đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Việc nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế, tạo tiền đề xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Trên thực tế, ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 tại Kỳ họp thứ 6, Chính phủ đã khẩn trương ban hành các Nghị quyết để tổ chức triển khai thực hiện. Trên cơ sở các Nghị quyết đó, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục quán triệt, triển khai quyết liệt, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; bảo đảm phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Cùng với đó, nắm chắc tình hình thực tiễn, phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, đúng thời điểm, linh hoạt, hiệu quả, chuyển hướng trọng tâm kịp thời trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng gắn với duy trì, ổn định kinh tế vĩ mô, nỗ lực của doanh nghiệp, người dân để ứng phó, thích ứng từ bối cảnh, tình hình mới của thế giới, khu vực.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng đầy thách thức trong năm 2024, Việt Nam cũng cần chú trọng, nâng cao công tác hoàn thiện thể chế, thực thi pháp luật, tạo điều kiện khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển; khẩn trương ban hành các Nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp đầu năm 2024, nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần nêu cao tinh thần đổi mới, tự lực, tự cường, phát huy hơn nữa tính chủ động thích ứng, tận dụng từng cơ hội nhỏ nhất, đồng thời có các phương án thích ứng với những biến động trong tương lai; đón đầu các xu thế mới, nhất là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Đặc biệt, để đạt được mục tiêu tăng trường năm 2024,“cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tăng cường liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sẵn sàng chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến, tri thức mới, công nghệ hiện đại trên thế giới, quan tâm, chú trọng đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chế độ giữ chân người lao động, đặc biệt là những lao động có tay nghề, tình độ cao; tái cấu trúc lao động để thích ứng và đón đầu các xu hướng mới của thị trường” -Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Nguyễn Hòa

Theo: Báo Công Thương