Tăng cường đảm bảo mùa lễ hội an toàn, văn minh, lành mạnh

(Banker.vn) Năm 2024, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch yêu cầu các lễ hội cần được tổ chức trang trọng, thiết thực; phù hợp với quy mô, nội dung của lễ hội.
Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch: Không nên đốt vàng mã tràn lan dịp lễ hội Xuân Lễ hội chùa Bái Đính Giáp Thìn 2024 kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch

Việt Nam có rất nhiều lễ hội, đến thời điểm này, theo thống kê của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cả nước có hơn 8.000 lễ hội từ cấp Trung ương đến cấp địa phương.

Theo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, các lễ hội của chúng ta có thể nói được tổ chức rất bài bản, giữ gìn và phát huy được phong tục truyền thống, tạo sự đồng tình, ủng hộ và phấn khởi cho nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh những lễ hội được tổ chức quy mô, bài bản thì một số lễ hội cũng đã bắt đầu có dấu hiệu bị biến tướng, có tình trạng lợi dụng lễ hội để thương mại hóa, không đúng với tính chất của lễ hội.

Chính vì vậy, phát huy kết quả của năm 2023 về tăng cường công tác quản lý lễ hội, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có chỉ thị, ban hành nhiều công văn và chỉ đạo các địa phương ban hành, xây dựng đề án tổ chức lễ hội.

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nêu rõ: Lễ hội nào là của nhân dân phải do nhân dân đứng ra tổ chức và phải cam kết trước chính quyền về việc tổ chức lễ hội để không bị biến tướng, không làm xấu đi hình ảnh. Những lễ hội nào do Nhà nước chủ chì thì phải làm đúng trọng tâm trọng điểm có sức lan tỏa.

Tăng cường đảm bảo mùa lễ hội an toàn, văn minh, lành mạnh
Năm 2024, tổ chức hoạt động lễ hội theo hướng văn minh, lành mạnh, tiết kiệm, hợp lòng dân. Ảnh: Phạm Nam

Theo đó, ngay đầu năm 2024, Bộ Văn, Thể thao và Du lịch đã có nhiều văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường các biện pháp đảm bảo công tác quản lý, tổ chức lễ hội an toàn, lành mạnh, văn minh. Trong đó, trước thềm Tết Nguyên đán 2024, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng có một loạt công văn gửi các địa phương có những lễ hội thu hút đông người tham dự như Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, yêu cầu các địa phương giám sát chặt chẽ các hoạt động lễ hội.

Đặc biệt, Cục Văn hoá cơ sở đã tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 2068/QĐ-BVHTTDL xây dựng Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống (Bộ tiêu chí). Bộ tiêu chí nhằm khuyến khích, định hướng và thúc đẩy các địa phương, ban tổ chức các lễ hội tăng cường chất lượng công tác quản lý lễ hội truyền thống; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân.

Bên cạnh đó, Bộ tiêu chí góp phần cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tổ chức lễ hội ở cơ sở. Thông qua đó, các địa phương xây dựng môi trường văn hóa lễ hội văn minh, lành mạnh; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc và lan tỏa trong đời sống xã hội.

Đồng thời, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân, du khách về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh khi tham gia lễ hội. Việc sử dụng bộ tiêu chí còn nhằm mục tiêu chuẩn hóa xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống, đồng thời là công cụ, thước đo đánh giá năng lực công tác quản lý nhà nước, hiệu quả tổ chức lễ hội ở địa phương.

Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch - bà Ninh Thị Thu Hương nhấn mạnh, cụ thể hóa các tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa tại di tích, lễ hội là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động lễ hội theo hướng văn minh, lành mạnh, tiết kiệm, hợp lòng dân; bài trừ các nghi lễ có tính bạo lực và các hành vi phản cảm, lệch chuẩn.

Theo bà Ninh Thị Thu Hương, khi tổ chức các lễ hội cần ngăn chặn và xử lý nghiêm vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi; phát ấn cần đúng với nguồn gốc lịch sử của di tích, lễ hội; không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh.

Đặc biệt, cần chú trọng nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp trong việc xây dựng kế hoạch kịch bản, phương án tổ chức lễ hội. “Cục Văn hóa cơ sở đã có văn bản hướng dẫn các địa phương áp dụng những tiêu chí về môi trường văn hóa vào công tác quản lý, tổ chức lễ hội và sẽ tiếp tục tổng hợp, theo dõi công tác tổ chức triển khai bộ tiêu chí của các địa phương trong mùa lễ hội năm 2024”- bà Ninh Thị Thu Hương cho hay.

Bà Ninh Thị Thu Hương ghi nhận, công tác quản lý lễ hội năm nay đổi mới hơn so với mọi năm. Các tỉnh, thành phố đã chủ động đưa ra các phương án trọng tâm, trọng điểm, có dự báo đối với hoạt động lễ hội tại địa phương. Nhiều địa phương đã ban hành kế hoạch xuyên suốt, tổng thể cho các hoạt động lễ hội chung, từ đó chỉ đạo trực tiếp các cấp chính quyền xây dựng các kịch bản, kế hoạch, trong đó đưa ra nhiều phương án khả thi cho hoạt động lễ hội.

Bên cạnh đó, qua theo dõi có thể thấy, quy mô và thời gian các lễ hội truyền thống năm nay mở rộng hơn như tại Hà Nội, Lễ hội Gò Đống Đa năm đầu tiên được tổ chức kéo dài 3 ngày, hay như Lễ hội đền Hai Bà Trưng tại huyện Mê Linh lần đầu tiên tổ chức quy mô lớn nhất từ trước đến nay. "Điều này có lợi thế người dân được hưởng giá trị văn hóa, kéo theo lượng khách đến rất đông. Để đáp ứng được lượng khách đột biến dịp đầu Xuân, công tác đảm bảo an toàn trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm được các địa phương hết sức quan tâm" - bà Ninh Thị Thu Hương cho hay.

Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã có chỉ thị gửi toàn ngành, UBND các tỉnh; đồng thời yêu cầu các Thứ trưởng có công văn đôn đốc, Cục Văn hóa cơ sở liên tiếp ban hành các văn bản yêu cầu các Sở nghiêm túc thực hiện các văn bản về quản lý lễ hội do các cấp ban hành. Hoạt động thanh kiểm tra được tổ chức thường xuyên, xác định trách nhiệm.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương