Tầm quan trọng của tiết kiệm cho tương lai khi còn trẻ

(Banker.vn) Tiết kiệm là một thói quen tốt, nhất là nếu bạn có thể xây dựng được thói quen đấy ngay từ khi còn trẻ. Ở thời điểm nào thì tiền bạc đối với chúng ta cũng đều quan trọng cả. Vì thế nếu bạn có thể tiết kiệm được một khoản tiền khi còn trẻ thì sẽ giúp bạn đỡ hơn nhiều chuyện trong tương lai.

Khi còn trẻ nên tiết kiệm cho tương lai

Độ tuổi 20 không phải là quá sớm để bắt đầu tiết kiệm cho tương lai. Thực tế, chưa bao giờ là quá sớm để bắt đầu tiết kiệm. Sau đây là một vài lý do giúp bạn hiểu rõ hơn tầm quan trọng của tiết kiệm cho tương lai khi còn trẻ:

Chi phí cuộc sống và độ tuổi luôn tỷ lệ thuận với nhau. Cuộc sống có xu hướng trở nên đắt đỏ hơn khi chúng ta già đi vì chúng ta gánh vác nhiều trách nhiệm hơn.

Khi bắt đầu sớm, bạn sẽ có nhiều thời gian tích lũy hơn. Từ đó, khả năng đạt được những mục tiêu tài chính cao hơn và việc xây dựng khối lượng tài sản mong muốn cũng trở nên thiết thực hơn.

Tầm quan trọng của tiết kiệm cho tương lai khi còn trẻ

Bạn sẽ ít bị ảnh hưởng hơn khi thị trường xấu đi. Ngay cả những nhà đầu tư thận trọng nhất cũng có thể bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái của thị trường. Do đó, khi bạn bắt đầu tiết kiệm sớm, bạn sẽ có nhiều thời gian để bù đắp nếu thị trường có trở nên xấu đi.

Càng lớn tuổi, bạn sẽ có nhiều dự định và mong muốn hơn. Khi đó, ngoài việc muốn có một tuổi già an yên, bạn sẽ muốn đi du lịch, dành thời gian với gia đình, mua những tài sản có giá trị cao, dành dụm cho con cháu,... Vì vậy, khi tiết kiệm từ sớm, bạn sẽ có nhiều cơ hội hiện thực hóa những mục tiêu này hơn.

Bí quyết tiết kiệm hiệu quả cho tương lai

Học cách phân bổ chi tiêu hợp lý: đây là một trong những bước quan trọng nhất khi bạn bắt đầu. Có rất nhiều cách mà bạn có thể tham khảo để phân bổ chi tiêu, trong đó, nổi tiếng nhất là quy tắc 50/30/20. Theo đó, 50% ngân sách dành cho nhu cầu thiết yếu, 30% dành cho cá nhân, và 20% cho tiết kiệm và đầu tư.

Tập thói quen tiết kiệm: khi bạn đã phân bổ chi tiêu của mình, hãy tạo cho bản thân thói quen để có thể thực hiện được nó. Một vài cách bạn có thể tham khảo như là:

Gửi tiết kiệm tự động: sử dụng tính năng tiết kiệm tự động của ngân hàng. Bạn có thể cài đặt để tiền được chuyển tự động từ tài khoản không kỳ hạn sang tài khoản tiết kiệm.

Có khoản dự phòng khẩn cấp: đây là khoản dành cho những khi bạn gặp những tình huống ngoài ý muốn như mất việc hoặc bệnh tật. Theo các chuyên gia, bạn nên tạo 1 khoản dự phòng khẩn cấp bằng 6 tháng thu nhập thường xuyên của bản thân.

Hạn chế các chi tiêu không cần thiết: bạn không cần quá hà tiện với bản thân, tuy nhiên, bạn nên cân nhắc thật kỹ trước khi mua bất kì vật dụng gì mới. Tốt nhất, bạn nên lập ra một danh sách những vật cần mua trước khi đi mua sắm và tránh mua sắm tùy hứng.

Sử dụng thẻ tín dụng thông minh: có một sự thật là người trẻ dễ chi tiêu quá tay khi có thẻ tín dụng. Vì vậy, để tránh nợ thẻ tín dụng và chi tiêu không kiểm soát, bạn có thể chọn thẻ tín dụng phù hợp, không mở nhiều thẻ cùng lúc, thanh toán dư nợ đúng hạn cũng như là thay đổi hạn mức thẻ.

Gia tăng nguồn thu nhập: Khi bạn chỉ có một nguồn thu nhập, bạn sẽ dễ rơi vào khó khăn khi gặp những những tình huống nằm ngoài dự đoán. Tuy nhiên, khi bạn biết đa dạng nguồn thu nhập của mình, bạn sẽ tự do hơn về mặt tâm lý và đời sống. Một trong những cách tăng nguồn thu nhập được nhiều người tìm đến là đầu tư. Khi mới bắt đầu đầu tư và chưa có nhiều kinh nghiệm, bạn có thể bắt đầu đầu tư ở những kênh ít rủi ro hơn như bỏ tiền vào tài khoản tiết kiệm ngân hàng, mua vàng, đầu tư trái phiếu, tham gia các quỹ đầu tư.

Đình Trọng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán