Nhận định chứng khoán ngày 18/11/2021: Có thể biến động mạnh trong ngày đáo hạn HĐTL

(Banker.vn) Thị trường trong nước ngược dòng thành công nhờ lực kéo của một số cổ phiếu bluechips trong đó nổi bật là cổ phiếu VIC. Bên cạnh đó, nhóm midcap và smallcap cũng phục hồi mạnh mẽ sau phiên chốt lời hôm qua. Tuy vậy, thanh khoản là điểm hạn chế khi giảm so với phiên trước. Với diễn biến hiện tại, thị trường được nhận định có khả năng vận động tích cực trong vùng 1.460-1.480 điểm trong các phiên giao dịch tới.

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích lược một số nhận định của các công ty chứng khoán về diễn biến giao dịch cho ngày 18/11/2021.

Các nhịp rung lắc sẽ thường xuyên xảy ra

(CTCK MB – MBS)

Thị trường nối lại đà tăng nhờ nhóm cổ phiếu bluechips là điều đáng chú ý, bên cạnh đó có sự hỗ trợ từ các nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, dầu khí,… tuy vậy điều còn thiếu trong phiên tăng hôm nay là thanh khoản thấp hơn so với bình quân 2 phiên đầu tuần.

Chỉ số VN-Index và VN30 về cơ bản vẫn đang trong xu hướng đi ngang, cơ hội chủ yếu vẫn tập trung ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.

Về kỹ thuật, chỉ số Vn-Index đang gặp ngưỡng kháng cực 1.476 điểm, ứng với Fibonacci 61,8% mở rộng do vậy các nhịp rung lắc sẽ thường xuyên xảy ra.

Nhà đầu tư nên canh chốt lời nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ trong khi có thể mua gom đối với các cổ phiếu bluechips chưa tăng hoặc đã tạo vùng hỗ trợ.

Vận động tích cực trong vùng 1.460-1.480 điểm

(CTCK BIDV – BSC)

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 9,4 điểm (0,64%) lên 1.475,85 điểm. HNX-Index tăng 10,7 điểm (2,37%) lên mức 462,95 điểm và vượt đỉnh lịch sử được thiết lập vào 19/3/2007 (459,36 điểm). UPCoM-Index tăng 0,73 điểm (0,65%) lên 112,21 điểm.

Kéo chỉ số tăng phiên hôm nay gồm có: VIC (+1,48), PLX (+1,13), BID (+0,84), VCB (+0,76), BCM (+0,72)… Ngược lại, kéo chỉ số giảm: HPG (-0,68), MSN (-0,45), CTG (-0,18), EIB (-0,15), TPB (-0,13)…

Giá trị khớp lệnh của VN-Index đạt 24.450 tỷ đồng, giảm 23% so với phiên trước. Tổng giá trị giao dịch đạt mức 26.067 tỷ đồng. Biên độ dao động là 13 điểm. Thị trường có 247 mã tăng, 52 mã tham chiếu và 205 mã giảm. Giá trị bán ròng của khối ngoại: -212,76 tỷ đồng trên sàn HOSE, gồm VPB (-111.85 tỷ), HPG (-107,45 tỷ), VND (-91,98 tỷ). Khối ngoại bán ròng trên sàn HNX với giá trị -8,91 tỷ đồng.

Theo BSC, thị trường hôm nay trải qua một phiên tăng điểm nhẹ, dù trong phiên đôi lúc chỉ số VN-Index gặp phải áp lực chốt lời, nhưng nhìn chung dòng tiền vẫn giữ xu hướng ủng hộ đà tăng của thị trường. Độ rộng thị trường nghiêng về phía tích cực với 13/19 ngành tăng điểm, nổi bật là mức tăng hơn 4% của ngành Dầu khí. Về giao dịch của khối ngoại, hôm nay khối này bán ròng trên cả hai sàn HSX và HNX. Thị trường có khả năng sẽ vận động tích cực trong vùng 1.460-1.480 điểm trong các phiên giao dịch tới.

Nếu lực bán gia tăng thì thị trường có thể cần test lại ngưỡng 1.450 điểm

(CTCK Sài Gòn – Hà Nội – SHS)

Thị trường tăng điểm trở lại trong phiên hôm nay với mức tăng trên VN-Index (+0,64%) xấp xỉ so với mức giảm (-0,69%) của phiên trước đó. Tuy nhiên, thanh khoản lại có sự suy giảm và hiện ở mức dưới trung bình 20 phiên cho thấy dòng tiền đang có sự thận trọng nhất định ở vùng giá hiện tại.

Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index tiếp tục kết phiên trên ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.450 điểm nên khả năng tiếp tục đi lên để hướng đến ngưỡng kháng cự tâm lý 1.500 điểm là vẫn có thể xảy ra. Tuy nhiên, trong kịch bản tiêu cực, nếu áp lực bán gia tăng thì thị trường có thể cần test lại ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.450 điểm. Cần lưu ý là phiên giao dịch tiếp theo 18/11 cũng là ngày đáo hạn của hợp đồng tương lai VN30F2111 nên biến động mạnh là có thể xảy ra, nhất là khoảng thời gian cuối phiên.

Nhà đầu tư đã mua vào khi thị trường vượt vùng đỉnh cũ 1.420-1.425 điểm và đã mua thêm trong phiên 11/11 khi thị trường test hỗ trợ 1.450 điểm có thể tiếp tục mua thêm nếu có những nhịp test lại hỗ trợ kể trên.

Nên hạn chế mua mới

(CTCK Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - VCBS)

VCBS nhận định diễn biến trong những phiên gần đây khá giống nhau, khi trong phiên VN-Index đa phần vận động tích lũy đi ngang và chưa xuất hiện xu hướng rõ ràng. Việc thanh khoản suy giảm cho thấy dòng tiền lớn vẫn chưa thực sự quay trở lại, một phần vì quan ngại sự xuất hiện của một nhịp điều chỉnh giảm, nhất là khi mà nhiều cổ phiếu vốn hóa trung bình và nhỏ đã ghi nhận mức tăng rất lớn trong thời gian ngắn vừa qua.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn kỹ thuật, các đường trung bình động 5 và 10 ngày (tương ứng vùng điểm 1.450–1.460) tiếp tục đóng vai trò hỗ trợ ngắn hạn cho chỉ số.

VCBS cho rằng nhà đầu tư nên hạn chế mua mới tại thời điểm này mà thay vào đó, nhà đầu tư có thể bắt đầu canh chốt lời một phần các cổ phiếu đã đạt được mức lợi nhuận kỳ vọng. Dự đoán trong những phiên tới, dòng tiền sẽ có sự dịch chuyển nhất định từ nhóm bất động sản sang các nhóm ngành nghề khác, trong đó đáng chú ý là nhóm ngân hàng, nông nghiệp và điện.

Rủi ro đảo chiều sẽ cần được tính đến

(CTCK KB Việt Nam - KBSV)

KBSV cho rằng với việc lấy lại đà tăng tích cực, VN-Index một lần nữa đang có cơ hội hướng lên vùng đích kỳ vọng 1,49x. Mặc dù vậy, các nhịp tăng của chỉ số đang mang tính giằng co mạnh và có khả năng đi theo một mô hình nêm hướng lên. Điều này hàm ý rủi ro đảo chiều sẽ cần được tính đến trong trường hợp chỉ số tăng điểm, tiếp cận vùng đích kỳ vọng nhưng thanh khoản sụt giảm hoặc xuất hiện các phiên phân phối lớn.

KBSV khuyến nghị nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ 1 phần vị thế bám theo xu hướng chính nhưng hạ dần tỷ trọng phần trading khi chỉ số tiếp cận vùng đích kỳ vọng.

Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Tuệ An

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán