Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ngày 23/11/2015, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Thống kê, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2016. Sau khi Luật Thống kê được Quốc hội thông qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều hoạt động để triển khai thi hành Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Đến nay, sau 5 năm thực hiện, Luật Thống kê và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thống kê đã có những tác động tích cực đối với công tác thống kê. Thông tin thống kê đã góp phần không nhỏ vào việc giúp Chính phủ trong công tác hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô, thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển kinh tế của đất nước và giải quyết những vấn đề đặt ra trong đời sống kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) và các bộ, ngành liên quan nhận thấy một số hạn chế, bất cập. Cụ thể, danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia gồm 186 chỉ tiêu phản ánh 20 lĩnh vực. Tuy nhiên, số lượng chỉ tiêu theo từng lĩnh vực khác nhau và chưa phản ánh đầy đủ thực tiễn đang vận động của đời sống kinh tế - xã hội; chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của Chính phủ, của Nhà nước đối với công tác quản lý vận hành đất nước trong quá trình phát triển và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Ví dụ, về công nghệ thông tin và truyền thông: Thiếu các chỉ tiêu phản ánh đổi mới sáng tạo toàn cầu, cải thiện môi trường kinh doanh, chuyển đổi số quốc gia, như tỉ lệ hộ gia đình có máy tính, tỷ lệ người sở hữu điện thoại di động, lưu lượng Internet băng rộng,...; thiếu các chỉ tiêu đánh giá sự phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, như số doanh nghiệp công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông,...; thiếu các chỉ tiêu phản ánh mức độ ứng dụng công nghệ (chữ ký số),... mức hưởng thụ báo chí bình quân, tỉ lệ người Việt Nam tham gia mạng xã hội,...
Hay về phát triển bền vững: Thiếu các chỉ tiêu phản ánh an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững như tỉ lệ mất an ninh lương thực mức độ vừa và nghiêm trọng trong dân số; tỉ lệ diện tích đất nông nghiệp đạt hiệu quả và bền vững...
Do đó, nhằm khắc phục những hạn chế của danh mục chỉ tiêu thống kê như nêu trên thì việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê là thực sự cần thiết để cung cấp thông tin thống kê chính xác, khách quan, kịp thời, phản ánh đúng, đầy đủ tình hình kinh tế-xã hội trong từng thời kỳ; đồng thời phân tích, hoạch định và điều hành chính sách vĩ mô; bảo đảm yêu cầu so sánh quốc tế.
Theo dự thảo Luật sửa đổi, Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia gồm 20 nhóm với 215 chỉ tiêu, cụ thể: Đất đai, dân số 13 chỉ tiêu; lao động, việc làm; lãnh đạo, quản lý 12 chỉ tiêu; doanh nghiệp, cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp 6 chỉ tiêu; tiền tệ và bảo hiểm 14 chỉ tiêu; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản 14 chỉ tiêu; công nghệ thông tin và truyền thông 26 chỉ tiêu; y tế và chăm sóc sức khỏe 8 chỉ tiêu…
So với danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê năm 2015, danh mục chỉ tiêu này có một số thay đổi như sau: Giữ nguyên 145 chỉ tiêu; sửa tên 34 chỉ tiêu; bỏ 7 chỉ tiêu; bổ sung 36 chỉ tiêu (trong đó Tổng cục Thống kê đề xuất 12 chỉ tiêu, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất 15 chỉ tiêu, Bộ Xây dựng đề xuất 5 chỉ tiêu, Bộ Giao thông vận tải đề xuất 4 chỉ tiêu).
T.H
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|