Tác động của tài chính toàn diện đến ổn định tài chính - Một số khuyến nghị cho Việt Nam

(Banker.vn) Tài chính toàn diện có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của một quốc gia, góp phần thúc đẩy và mở rộng khả năng tiếp cận tài chính của dân số, qua đó khuyến khích tiết kiệm và đầu tư đối với hộ gia đình và doanh nghiệp, tạo cơ hội phát triển đa dạng sản phẩm dịch vụ, mở rộng khách hàng, đa dạng hóa sản phẩm và thu nhập, góp phần hạn chế rủi ro và gia tăng lợi nhuận đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính.
Tóm tắt: Tài chính toàn diện có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của một quốc gia, góp phần thúc đẩy và mở rộng khả năng tiếp cận tài chính của dân số, qua đó khuyến khích tiết kiệm và đầu tư đối với hộ gia đình và doanh nghiệp, tạo cơ hội phát triển đa dạng sản phẩm dịch vụ, mở rộng khách hàng, đa dạng hóa sản phẩm và thu nhập, góp phần hạn chế rủi ro và gia tăng lợi nhuận đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính. Tài chính toàn diện cũng trở thành mục tiêu chiến lược quốc gia tại Việt Nam (theo Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 và định hướng năm 2030). Ở một khía cạnh khác, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 - 2008 đã khiến ngân hàng trung ương các nước chú trọng hơn đến việc đảm bảo ổn định tài chính nhằm phát triển hệ thống tài chính lành mạnh và minh bạch, giảm bớt các cú sốc và rủi ro hệ thống, góp phần hỗ trợ nền kinh tế phát triển bền vững. Bài viết này thực hiện nghiên cứu, phân tích những tác động của tài chính toàn diện đến ổn định tài chính, qua đó gợi ý một số giải pháp nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện quốc gia hướng tới phát triển kinh tế bền vững.

Từ khóa: Tài chính toàn diện, ổn định tài chính, tài chính số.

IMPACT OF FINANCIAL INCLUSION ON FINANCIAL STABILITY - SOME POLICY RECOMMENDATIONS FOR VIETNAM

Abstract: Financial inclusion plays an important role in the sustainable development of a country, facilitating people's access to finance, thereby encouraging savings and investment from households and businesses, creating opportunities to develop a variety of products and services, expanding customers, diversifing products and income, contributing to limiting risks and increasing profits for financial service providers. Improving financial inclusion has been included in the national strategic goal and officially directed under Decision No. 149/QD-TTg dated January 22, 2020 on introducing National Financial Inclusion Strategy to 2025 and orientation to 2030. On the other hand, the global financial crisis in the period of 2007 - 2008 made central banks of various countries pay more attention to ensuring financial stability to develop a healthy and transparent financial system and reduce shocks and systemic risks, contributing to supporting sustainable economic development. This paper analyses potential impacts of financial inclusion on achieving financial stability goals of Vietnam, thereby proposing policy recommendations for improving financial inclusion towards sustainable economic development.

Keywords: Financial inclusion, financial stability, digital finance.
 
1. Những vấn đề cơ bản về ổn định tài chính và tài chính toàn diện

 
Ổn định tài chính là trạng thái mà hệ thống tài chính bao gồm các trung gian tài chính, thị trường tài chính và cơ sở hạ tầng thị trường liên quan có khả năng chịu được các cú sốc và sự mất cân bằng tài chính trong nền kinh tế (ECB, 2012). Nhờ đó, ổn định tài chính giúp giảm thiểu khả năng xảy ra gián đoạn trong quá trình hoạt động của các trung gian tài chính, và hạn chế tổn thất từ các cú sốc và mất cân bằng đối với hệ thống tài chính. Khi xuất hiện các cú sốc, hệ thống tài chính ổn định sẽ có khả năng tự điều chỉnh để loại bỏ sự mất cân bằng tài chính xuất hiện trong nội tại của hệ thống tài chính, đồng thời hạn chế ảnh hưởng của những sự kiện bất lợi đến nền kinh tế thực và hệ thống tài chính (Ahmad, 2018). Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho rằng “hệ thống tài chính ổn định có thể hoạt động trong cả điều kiện tốt lẫn xấu” và có thể hấp thụ mọi sự kiện xảy ra trong nền kinh tế bất cứ lúc nào. Ổn định tài chính không hàm ý ngăn chặn các sự kiện ảnh hưởng không tốt đến nền kinh tế mà nó chỉ tạo ra những điều kiện thuận lợi, cho phép hệ thống tiếp tục hoạt động hiệu quả ngay cả với các sự kiện như vậy. Theo đó, ổn định tài chính là điều tối quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, vì hầu hết các giao dịch trong nền kinh tế thực đều được thực hiện thông qua hệ thống tài chính (World Bank, 2016).
 


Ảnh minh họa, nguồn Internet

 
Trong khi khái niệm về ổn định tài chính là tương đối đồng nhất, khái niệm tài chính toàn diện được phát biểu trên nhiều khía cạnh khác nhau. World Bank (2018) định nghĩa, tài chính toàn diện là khả năng các cá nhân và doanh nghiệp truy cập vào các sản phẩm và dịch vụ tài chính hữu ích với giá cả phải chăng nhằm đáp ứng nhu cầu của họ, được cung cấp dịch vụ này một cách có trách nhiệm và bền vững. Còn theo Leyshon & Thrift (1996), tài chính toàn diện là quá trình các nhóm xã hội và cá nhân nghèo và thiệt thòi được tiếp cận với hệ thống tài chính chính thức. Tuy có nhiều cách phát biểu khác nhau về tài chính toàn diện nhưng hầu hết các nghiên cứu đều có sự thống nhất khi phát biểu về mục tiêu của tài chính toàn diện. Hannig và Jansen (2010) và García (2016) đều có cùng quan điểm về mục tiêu của tài chính toàn diện, đó là: Thu hút các cá nhân và các nhóm tổ chức xã hội không sử dụng dịch vụ ngân hàng tham gia vào hệ thống tài chính chính thức, nơi họ có thể tiếp cận các dịch vụ tài chính bao gồm tín dụng, tiết kiệm, thanh toán, bảo hiểm,...

Xu thế của tài chính toàn diện là đưa các dịch vụ tài chính chính thức đến với mọi chủ thể trong xã hội, nhất là những cá nhân hoặc tổ chức khó khăn nhất do vấn đề thu nhập hoặc kiến thức về tài chính, với chi phí hợp lý và sự tin tưởng, đảm bảo nhu cầu sử dụng và sẵn sàng sử dụng dịch vụ tài chính của khách hàng, khả năng cung ứng và sẵn sàng cung ứng của các đơn vị cung cấp dịch vụ tài chính. Tài chính toàn diện không chỉ giới hạn trong việc cải thiện khả năng tiếp cận tài chính mà bao gồm cả nâng cao hiểu biết về tài chính cho người dân và bảo vệ người sử dụng dịch vụ (Hòa, 2021).

2. Tác động của tài chính toàn diện đến ổn định tài chính

 
Thời gian qua đã có nhiều nghiên cứu về mối quan hệ giữa tài chính toàn diện và sự ổn định tài chính. Một số nghiên cứu cho rằng, tài chính toàn diện sẽ tăng cường và cải thiện sự ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là sự ổn định của khu vực tài chính - ngân hàng, từ đó góp phần ổn định tài chính. Ngược lại, một số nghiên cứu cho thấy mở rộng tài chính toàn diện có thể gây bất ổn đối với lĩnh vực ngân hàng, từ đó tác động tiêu cực đối với ổn định tài chính. Tựu chung lại, các tác động của tài chính toàn diện đến ổn định tài chính như sau:
         
2.1. Tài chính toàn diện hỗ trợ ổn định hệ thống tài chính

Nhiều nghiên cứu về tác động của tài chính toàn diện tới ổn định tài chính đã thể hiện kết quả cùng chiều - đó là tài chính toàn diện có tác động tích cực hỗ trợ ổn định tài chính và được thể hiện trên các khía cạnh sau:

Thứ nhất, tài chính toàn diện có thể nâng cao hiệu quả của các trung gian tài chính bằng cách thúc đẩy tiết kiệm và đầu tư, đồng thời tạo điều kiện thay đổi các thành phần của hệ thống tài chính và mang lại nhiều cơ hội hơn cho các tổ chức tài chính khi thị trường tài chính được mở rộng khi có nhiều thành phần kinh tế hơn tham gia vào thị trường tài chính như bộ phận dân số có thu nhập thấp hay các doanh nghiệp mới được thành lập (Khan, 2011). Theo đó, thanh khoản khu vực ngân hàng được cải thiện (do tăng tiền gửi) và giảm rủi ro thanh khoản. Tất cả điều này cải thiện bảng cân đối kế toán của cả hộ gia đình và doanh nghiệp, cũng như khu vực ngân hàng. Duc Hong Vo và cộng sự (2020) cũng xem xét mối liên hệ giữa tài chính toàn diện và sự ổn định của thị trường tài chính bằng cách sử dụng tập dữ liệu của 3.071 ngân hàng trong khu vực châu Á trong giai đoạn 2008 - 2017. Nghiên cứu chỉ ra rằng, mức độ tài chính toàn diện cao hơn từ việc tăng cường tiếp cận các dịch vụ ngân hàng đã góp phần tích cực và đáng kể đến sự ổn định trong lĩnh vực ngân hàng, dẫn đến khả năng phục hồi của ngân hàng lớn hơn do tài chính toàn diện có thể giúp các ngân hàng tăng doanh thu, giảm chi phí và mở rộng thị phần của họ. Đồng thời, tài chính toàn diện cũng hỗ trợ ổn định tài chính bằng cách cung cấp cho các hộ gia đình và các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) các giải pháp và sản phẩm tài chính phù hợp và kịp thời.

Thứ hai, đối với các tổ chức tài chính, đặc biệt là ngân hàng, tài chính toàn diện giúp huy động lượng tiền gửi bán lẻ ổn định. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 - 2009 đã chứng minh, nguồn vốn bán lẻ ổn định thay vì phụ thuộc vào vốn vay có thể nâng cao đáng kể sự lành mạnh và khả năng phục hồi của các tổ chức tài chính và có thể làm giảm sự biến động trong thu nhập. Những người gửi tiền và đi vay có thu nhập thấp có xu hướng duy trì hành vi tài chính ổn định thông qua chu kỳ kinh doanh cả về tiết kiệm và đi vay. Do đó, trong thời gian khủng hoảng, tiền gửi từ các khách hàng có thu nhập thấp thường đóng vai trò như một nguồn tiền liên tục và ổn định ngay cả khi các nguồn tín dụng khác cạn kiệt hoặc khó luân chuyển. Theo Khan (2011), các tổ chức tài chính có thể gặp khó khăn trong việc tiếp tục cho vay khi không có các khoản tiền gửi này và kênh tín dụng có khả năng làm gia tăng thêm tác động tiêu cực đối với nền kinh tế. Ahamed và Mallick (2019) đã sử dụng dữ liệu trên 2.635 ngân hàng tại 86 nước từ năm 2004 - 2012, đưa ra bằng chứng thực nghiệm cho thấy mở rộng tài chính toàn diện có liên quan tích cực đến sự ổn định của từng ngân hàng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các ngân hàng coi tài chính toàn diện như một cơ chế để thu hút các khoản tiền gửi bán lẻ với chi phí và rủi ro thấp, qua đó có thể giúp giảm bớt sự phụ thuộc trên thị trường tiền tệ. Tăng cường tài chính toàn diện đóng vai trò như một công cụ để giảm chi phí biên của các sản phẩm, góp phần định giá ngân hàng cao hơn và ổn định hơn.

Thứ ba, tài chính toàn diện tạo điều kiện cho sự tham gia nhiều hơn của các bộ phận khác nhau của nền kinh tế trong hệ thống tài chính chính thức. Nếu một thị trường tài chính có một khu vực phi chính thức lớn, khả năng truyền tải của chính sách tiền tệ tới thị trường tài chính và nền kinh tế thực sẽ bị ảnh hưởng, do một bộ phận đáng kể các hộ gia đình và các doanh nghiệp nhỏ không tham gia hệ thống tài chính có thể đưa ra các quyết định tài chính độc lập và không bị ảnh hưởng bởi các hành động chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương. Như vậy, thông qua tài chính toàn diện, tỉ lệ của khu vực tài chính chính thức tăng nhiều hơn, từ đó giúp cho việc truyền tải chính sách tiền tệ trở nên hiệu quả hơn (Khan, 2011). Dienillah (2018) chỉ ra rằng nhóm các nước có thu nhập cao có mức độ tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính cao hơn nhóm các nước có thu nhập thấp, đồng thời, nghiên cứu thực nghiệm cũng chứng minh nhóm các nước có thu nhập cao cũng có chỉ số ổn định tài chính cao hơn nhóm còn lại do nhiều nhân tố như: Giá trị vốn cao hơn trên thị trường tài chính, mức độ tập trung nhiều hơn vào hệ thống ngân hàng, tỉ lệ lạm phát thấp hơn...

Bên cạnh đó, nỗ lực để đưa một bộ phận dân số lớn hơn sử dụng các dịch vụ tài chính và ngân hàng chính thức đã dẫn đến việc triển khai các đổi mới tài chính. Những đổi mới như vậy sẽ giúp giảm chi phí và do đó góp phần tăng hiệu quả chung của nền kinh tế và sự ổn định tài chính. Đồng thời, những đổi mới này cũng giúp thị trường tài chính phổ biến thông tin nhanh hơn và hoạt động hiệu quả hơn, góp phần nâng cao hiệu quả truyền dẫn của chính sách tiền tệ.

Thứ tư, tài chính toàn diện giúp mọi người chuyển từ nền kinh tế tiền mặt sang sử dụng tài khoản ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai chống rửa tiền và chống tài trợ cho khủng bố (AML/CFT), đồng thời, có thể triển khai giám sát và báo cáo các giao dịch tài chính đáng ngờ trong nền kinh tế. Rửa tiền và tài trợ khủng bố có thể làm suy yếu sự ổn định của hệ thống tài chính, hoặc rộng hơn là cả nền kinh tế của một quốc gia theo một số cách và còn có thể có tác động lan tỏa bất lợi đối với sự ổn định toàn cầu.

Các mối đe dọa đối với sự ổn định tài chính và hoạt động kinh tế vĩ mô có thể là do hoạt động rửa tiền và khủng bố trong một số trường hợp nhất định, dẫn đến mất khả năng tiếp cận thị trường tài chính toàn cầu và làm mất ổn định dòng vào và dòng ra (IMF, 2012). Điều này có thể thấy được thông qua các khía cạnh sau: (i) Dòng tiền nóng: Các tội phạm kinh tế thu được tiền thường sẽ phải để trong hệ thống tài chính của một quốc gia và có thể vẫn ở đó hoặc có thể được chuyển ra nước ngoài. Việc bơm một lượng lớn “tiền nóng” phát sinh từ tham nhũng, trốn thuế hoặc buôn bán ma túy có thể khiến hệ thống ngân hàng của một quốc gia phải đối mặt với các dòng tiền vào, ra không ổn định, có thể đe dọa tính ổn định của hệ thống; (ii) Tác động của khủng bố và tài trợ khủng bố cũng có thể truyền dẫn qua hệ thống tài chính; (iii) Các vấn đề với hoạch định chính sách kinh tế: Khi khu vực bất hợp pháp chiếm một phần quan trọng của kinh tế và tiền thu được từ tội phạm vẫn ở dạng tiền mặt (tức là không qua hệ thống ngân hàng), dữ liệu chính thức về việc làm, tiêu dùng và giao dịch ngoại hối có thể không phản ánh đầy đủ thực trạng kinh tế, làm giảm tính hiệu quả trong điều hành chính sách tiền tệ, theo đó các chính phủ sẽ gặp khó khăn trong việc hoạch định các chính sách kinh tế hợp lý.

Thứ năm, tài chính toàn diện có thể góp phần tăng cường sự ổn định tài chính thông qua việc góp phần tăng cường sức khỏe tài chính của khu vực hộ gia đình, của các doanh nghiệp nhỏ và của khu vực doanh nghiệp ở một mức độ nào đó. Sức khỏe của khu vực hộ gia đình được cải thiện thông qua việc tăng cường liên kết kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào khu vực phi chính thức tốn kém và thông qua cải thiện khả năng thực hiện và nhận thanh toán. Các lợi ích đối với xã hội có thể kể đến như giảm thiểu mất mát do trộm cắp, cải thiện cơ chế chuyển tiền (bao gồm cả thuế và thu lợi từ kiều hối), cải thiện liên kết kinh tế đối với khu vực nông thôn. Việc thiếu khả năng tiếp cận tài chính có thể khiến các hộ gia đình, đặc biệt là các hộ gia đình có thu nhập thấp, phải sử dụng các khoản nợ ngắn hạn đắt đỏ, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội cũng như đến nền kinh tế và hệ thống tài chính. Mặt khác, tài chính toàn diện có thể cải thiện khả năng tiếp cận tài chính cũng như chất lượng và chi phí của dịch vụ mà các doanh nghiệp nhỏ nhận được từ ngân hàng. Đây là yếu tố quan trọng có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận và sự thịnh vượng của các doanh nghiệp này và của cả nền kinh tế. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, tăng tiết kiệm chính thức có thể giúp giảm chi phí tín dụng và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng kinh doanh.

Một số nghiên cứu đã xác nhận tác động tích cực của việc tăng cường tài chính toàn diện đối với ổn định tài chính. Morgan và Pontines (2014) đã kiểm tra mối tương quan giữa khả năng tiếp cận tài chính và sự ổn định tài chính tại DNNVV ở Armenia. Họ sử dụng hai thước đo khác nhau về ổn định tài chính, là điểm số z của ngân hàng (bank z-score) và tỉ lệ cho vay không hiệu quả (NPL). Với việc sử dụng ước lượng Mô hình dữ liệu động hệ thống GMM (GMM - phương pháp tổng quát của các khoảnh khắc là một phương pháp chung để ước tính các tham số trong các mô hình thống kê) trên Dữ liệu bảng không cân bằng giữa năm 2005 và 2011, họ tìm thấy bằng chứng rằng tỉ lệ cho vay đối với các DNNVV tăng lên trong tổng cho vay của ngân hàng đã hỗ trợ ổn định tài chính, chủ yếu là do giảm nợ xấu và xác suất vỡ nợ thấp hơn.

Thứ sáu, tài chính toàn diện, thông qua định hướng chính sách thận trọng, có thể giúp tạo điều kiện giảm bất bình đẳng thu nhập và bằng việc thu hẹp khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, có thể giúp ổn định tình hình chính trị - xã hội. Nghiên cứu của Azka và cộng sự (2018) đo lường chỉ số tài chính toàn diện và ổn định tài chính giữa các quốc gia và phân tích tác động của tài chính toàn diện đối với sự ổn định tài chính ở 19 quốc gia dựa trên nhóm thu nhập từ năm 2004 - 2014. Kết quả cho thấy, các quốc gia có thu nhập cao hơn có chỉ số tài chính toàn diện và ổn định tài chính cao hơn các quốc gia có thu nhập thấp hơn. Tài chính toàn diện chỉ có tác động tích cực đáng kể đến sự ổn định tài chính ở các nước thu nhập cao. Các quốc gia có thu nhập trung bình thấp và trung bình cao phải tăng cường khả năng cung cấp các dịch vụ tài chính để nâng cao khả năng tiếp cận tài chính.

2.2. Tác động tiêu cực của tài chính toàn diện tới ổn định tài chính

Mặc dù tài chính toàn diện mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế nói chung và hệ thống tài chính nói riêng, tuy nhiên không thể phủ nhận rằng tài chính toàn diện cũng mang lại nhiều rủi ro đối với sự ổn định tài chính. Một minh chứng là cuộc khủng hoảng tiết kiệm và cho vay ở Mỹ trong những năm 1980, khi các tổ chức tài chính hướng tới phục vụ các nhà đầu tư nhỏ lẻ, thì thúc đẩy tiếp cận tài chính có thể lại trở thành là một nhân tố gây bất ổn tài chính. Hay như cuộc khủng hoảng tại các thị trường dưới chuẩn của Mỹ năm 2007 - 2008 cũng là một trường hợp điển hình khi hệ thống tài chính mở rộng tín dụng với cả những người đi vay dưới chuẩn, và việc mở rộng tín dụng quá mức như vậy đã ảnh hưởng đến chất lượng danh mục tín dụng của các ngân hàng và tổ chức tài chính, trở thành nguyên nhân chính gây ra sự bất ổn về tài chính. Do đó, trong quá trình thúc đẩy tài chính toàn diện, những rủi ro này cũng cần được làm rõ, đặc biệt với những nhà hoạch định chính sách nhằm giảm thiểu những rủi ro tới sự ổn định tài chính:

Trước hết, mở rộng tài chính toàn diện có thể tác động tiêu cực tới ổn định tài chính trong trường hợp cố gắng mở rộng cho vay tới đối tượng người có thu nhập thấp và giảm thấp tiêu chuẩn cho vay. Điều này thường đi liền với sự kém hiệu quả về mặt thông tin, gia tăng rủi ro tại các ngân hàng nếu không thực hiện đánh giá tín dụng cho vay đối với người đi vay nhỏ lẻ, cuối cùng có thể ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế và gia tăng rủi ro của toàn bộ hệ thống tài chính, đe dọa ổn định tài chính. 

Ackah và Asiamah (2014) đã xem xét mối quan hệ giữa phát triển tài chính, tài chính toàn diện và ổn định tài chính tại Ghana - đất nước đã thực hiện những cải cách đáng kể trong lĩnh vực tài chính từ đầu những năm 1980. Khung chính sách của Ghana đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của khu vực tài chính, tăng khả năng cung cấp tín dụng, giảm chi phí tín dụng cho các doanh nghiệp sản xuất và mở rộng phạm vi tiết kiệm, thanh toán và tín dụng, cải thiện khả năng cạnh tranh và độ sâu của hệ thống tài chính, nhưng đồng thời đã khiến khu vực tài chính trở nên rủi ro và dễ bị tổn thương. Sahay và cộng sự (2015) sử dụng dữ liệu FAS để minh họa rằng, rủi ro ổn định tài chính tăng lên khi tăng cường tiếp cận tài chính do tín dụng được mở rộng mà không có sự giám sát thích hợp. Vùng đệm tài chính có xu hướng giảm khi tiếp cận tín dụng mở rộng và suy giảm nhanh hơn ở các nước có sự giám sát ngân hàng yếu hơn. Ngược lại, các quốc gia có sự giám sát có thể thấy một số lợi ích về sự ổn định tài chính từ việc tiếp cận tài chính sâu hơn. Nghiên cứu cũng chỉ ra sự khác biệt lớn về hiệu quả giám sát giữa các quốc gia, báo hiệu những rủi ro tiềm ẩn đối với sự ổn định tài chính từ việc mở rộng khả năng tiếp cận tín dụng không được kiểm soát.

Thứ hai, những thị trường này thường liên quan đến một số lượng lớn khách hàng giao dịch nhỏ với gánh nặng về chi phí hoạt động đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ. Đồng thời, các tổ chức tài chính đầu tư vào phân khúc này ban đầu thường phải chịu chi phí lớn đáng kể khi họ phải điều chỉnh các quy trình và thực tiễn kinh doanh nhằm thích ứng với nhóm đối tượng khách hàng này. Bên cạnh đó, dịch vụ tài chính có thể được sử dụng để rửa các khoản tiền thu được bất hợp pháp cũng như tài trợ cho các hoạt động khủng bố. Để mở rộng khả năng tiếp cận tài chính, nhiều quy định như KYC có thể được nới lỏng, ngay cả đối với các giao dịch có khối lượng lớn/tần suất cao. Tài chính toàn diện rộng hơn có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát một phần lớn hơn các giao dịch đáng ngờ, tuy nhiên, sự xuất hiện của các dịch vụ thanh toán để phục vụ nhu cầu của một lượng lớn khách hàng bán lẻ ngày càng tăng có thể cũng tạo cơ hội cho các hoạt động bất hợp pháp gia tăng.

Thứ ba, việc theo đuổi tài chính toàn diện thường được thực hiện qua các kênh phân phối chi phí thấp như các sản phẩm tài chính mới. Sự phát triển này một mặt giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả của hệ thống tài chính, tuy nhiên cũng đi kèm với nhiều rủi ro có thể tác động bất lợi tới sự ổn định tài chính. Thực tế đã chứng minh các sản phẩm cho vay dưới chuẩn trong cuộc khủng hoảng 2008 - 2009, hay như cho vay ngang hàng tại Trung Quốc vỡ nợ hàng loạt năm 2019 - 2020 đã tác động tiêu cực tới sự ổn định của hệ thống tài chính cũng nền kinh tế nói chung. Những thay đổi trong các sản phẩm tài chính, quá trình xử lý các giao dịch tài chính, các thể chế và cấu trúc thị trường tài chính có thể ảnh hưởng đến cơ chế truyền tải chính sách tiền tệ và hiệu lực của các công cụ chính sách tiền tệ. Với sự xuất hiện của các sản phẩm tài chính mới, các định nghĩa về tổng cung tiền tệ (ngoài M2) có thể cần phải được cập nhật. Đồng thời, nó cũng tác động tới các mô hình dự báo của ngân hàng trung ương và các chiến lược giao tiếp với thị trường tài chính.

Thứ tư, rủi ro cũng phát sinh từ mô hình kinh doanh của các tổ chức phi ngân hàng chuyên biệt như các tổ chức tài chính vi mô phục vụ riêng cho nhu cầu của những người thu nhập thấp. Các tổ chức này phải đối mặt với rủi ro tập trung và về tài trợ vốn cũng có thể ảnh hưởng tới rủi ro hệ thống. Ngoài ra, hoạt động thuê ngoài của các ngân hàng nhằm phục vụ mục đích tài chính toàn diện, cũng đặt ra các rủi ro về uy tín, tài chính và độ trung thực có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của tổ chức và của hệ thống tài chính. Đặc biệt, rủi ro danh tiếng liên quan đến việc thuê ngoài có thể tác động đến các hoạt động của toàn bộ ngân hàng chứ không chỉ các hoạt động thuê ngoài trong trường hợp có hành vi sai trái hoặc hành vi sai trái của các đại lý được thuê ngoài. Mehrotra và Yetman (2015) cũng lưu ý rằng, tài chính toàn diện có thể dẫn đến tăng tiết kiệm vì các hộ gia đình có thể chuyển tiền tiết kiệm của họ từ khu vực phi chính thức, hoặc các tài sản khác như vàng sang lĩnh vực tài chính, theo đó, cần tăng cường truyền tải chính sách tiền tệ khu vực chính thức. Tuy nhiên, tài chính toàn diện có thể làm tăng rủi ro cho hệ thống ngân hàng do giảm các tiêu chuẩn cho vay, thông tin hạn chế do thiếu lịch sử tài chính của các hộ gia đình, dẫn đến chất lượng tín dụng giảm sút và từ đó có thể dẫn đến phát triển tài chính không bền vững.

2.3. Vai trò của tài chính toàn diện đối với ổn định tài chính

Bên cạnh các tác động tích cực và tiêu cực của tài chính toàn diện tới sự ổn định tài chính, cũng có những nghiên cứu không tìm thấy mối tương quan giữa hai đại lượng này (Ardic và cộng sự, 2013; Cihak và cộng sự, 2016). Ardic và cộng sự (2013) khám phá mối quan hệ giữa tài chính toàn diện và sự ổn định tài chính thông qua các mối tương quan giữa hai yếu tố này bằng cách sử dụng các chỉ số phổ biến được chấp nhận. Bằng chứng thực nghiệm chỉ ra rằng, dường như vẫn chưa xác nhận được mối quan hệ giữa hai yếu tố này. Bằng việc sử dụng các dữ liệu của FAS (IMF’s Financial Access Survey) và GFDD (The World Bank’s Development Indicators database), nghiên cứu chỉ ra rằng, tài chính toàn diện không có ý nghĩa tích cực cũng không tiêu cực đối với ổn định tài chính. Các tác giả cho rằng, thiếu mối tương quan có thể một phần là do thiếu dữ liệu chắc chắn, nhưng có thể cũng có nghĩa là mối quan hệ giữa bao gồm tài chính và ổn định tài chính là chưa rõ ràng. Tuy nhiên, nghiên cứu này cho rằng, bất luận sự thiếu rõ ràng đó thì tài chính toàn diện có ý nghĩa và vai trò lớn, quan trọng đến tổng thể các mặt phát triển kinh tế, tài chính cũng như ổn định tài chính.

3. Một số khuyến nghị

Các nghiên cứu thực nghiệm trên đã chứng minh, mặc dù không thể phủ nhận vai trò của tài chính toàn diện đến sự phát triển của thị trường tài chính cũng như có tác động tích cực đến sự ổn định tài chính của các quốc gia, tuy nhiên, tài chính toàn diện cũng có tác động tiêu cực đến tính ổn định và sự phát triển của thị trường tài chính. Do đó, các nhà hoạch định cần có những chính sách nhằm tận dụng những ảnh hưởng tích cực, đồng thời hạn chế ảnh hưởng tiêu cực, nhằm phát triển thị trường tài chính lành mạnh và bền vững. Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả khuyến nghị một số giải pháp như sau:

Một là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về phát triển cơ sở hạ tầng cung cấp dịch vụ tài chính. Các quốc gia đang phát triển có hệ thống tài chính chưa được tổ chức tốt và cần được tái cấu trúc, gắn với cải thiện tính toàn vẹn của các định chế tài chính, cùng với khung thể chế minh bạch và đồng bộ sẽ góp phần ổn định tài chính. Khuôn khổ pháp lý và sự điều hành có hiệu quả nhằm phát triển cơ sở hạ tầng cung cấp dịch vụ tài chính đảm bảo dễ tiếp cận hơn cho các doanh nghiệp và cá nhân, đạt được sự cạnh tranh công bằng và đảm bảo quyền lợi của các đối tượng sử dụng dịch vụ tài chính.

Hai là, phát triển các trung gian tài chính, trong đó có phát triển tài chính vi mô một cách bền vững. Từng bước phát triển thị trường tài chính vi mô, khuyến khích các tổ chức tài chính vi mô đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ nhằm hỗ trợ hơn nữa cho người dân khi tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ tài chính, đặc biệt là nhóm thu nhập thấp, nhóm người yếu thế và dễ bị tổn thương trong xã hội như người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ…

Ba là, tăng cường giáo dục tài chính cho người dân. Nâng cao nhận thức của người dân về tài chính, nhất là phụ nữ, DNNVV, doanh nghiệp siêu nhỏ... thông qua các chương trình giáo dục tài chính có thể cung cấp những kiến thức cần thiết về sản phẩm hay dịch vụ tài chính chính thức cho người dân, tạo niềm tin và sự tự tin để chủ động tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ sẵn có trên thị trường chính thức. Đẩy mạnh tuyên truyền và thực hiện lồng ghép giáo dục tài chính vào giáo dục phổ thông quốc gia để góp phần giáo dục và nâng cao nhận thức về tài chính cho người dân, giúp họ quản lý tài chính tốt hơn, đồng thời hướng dẫn, tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn và dịch vụ tài chính. Điều này giúp gia tăng nguồn lực tiết kiệm, thúc đẩy nguồn vốn đầu tư cho xã hội, tạo hiệu ứng tích cực cho đầu tư và tăng trưởng nền kinh tế. Giáo dục tài chính giúp cá nhân và hộ gia đình tự bảo vệ mình, phát hiện và thông báo cho cơ quan quản lý những sai phạm của các tổ chức trung gian tài chính, hỗ trợ hoạt động giám sát của các cơ quan chức năng, góp phần ổn định tài chính. Các bộ, cơ quan, địa phương cần tiếp tục nhận thức đầy đủ, sâu sắc ý nghĩa của Chiến lược tài chính toàn diện trong việc đạt được các mục tiêu quốc gia, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Bốn là, phát triển và đảm bảo sự an toàn của hoạt động tài chính số. Tài chính số có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện: Giúp làm giảm chi phí hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ; hạn chế các rào cản gia nhập và sử dụng dịch vụ tài chính như nguyên nhân về khoảng cách địa lí, thu nhập, kiến thức…, qua đó giúp các nhà cung cấp dịch vụ tài chính có thể đưa dịch vụ đến với nhiều người sử dụng hơn. Tuy nhiên, hành lang pháp lý về hoạt động tài chính số vẫn chưa thực sự đầy đủ, chưa theo kịp thực tiễn. Hoạt động cung cấp dịch vụ tài chính số cũng gặp nhiều thách thức khi rủi ro mất an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu rất cao. Theo đó, để dịch vụ tài chính số phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, cần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý cho các dịch vụ tài chính số; các tổ chức cung ứng dịch vụ tài chính, đặc biệt là ngân hàng, cần nghiên cứu và xây dựng một lộ trình hoàn chỉnh để chuyển dịch mô hình sang tài chính số; đẩy mạnh hoạt động cho vay ngang hàng, huy động vốn cộng đồng...; quy định về chính sách bảo vệ người tiêu dùng tài chính; tăng cường đầu tư hạ tầng số, nguồn nhân lực số, an ninh mạng, phòng chống tội phạm tài chính trong lĩnh vực số...

Năm là, tăng cường giám sát và công tác thống kê, đồng thời kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia. Khung giám sát và quy định hiện nay được phân chia giữa nhiều cơ quan, chưa có đầu mối để giám sát ổn định tài chính. Chính vì vậy, cần thống nhất đầu mối trong giám sát sự phát triển của hệ thống tài chính, thiết lập và tăng cường cơ chế phối hợp giữa NHNN với các cơ quan hữu quan (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính; Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia...) trong việc thu thập, chia sẻ thông tin phục vụ thực thi giám sát rủi ro hệ thống, chính sách an toàn vĩ mô, ổn định tài chính. Đồng thời, cần hoàn thiện và tạo dựng mạng lưới kết nối và chia sẻ thông tin trong xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia nhằm cung cấp các chỉ tiêu thống kê về mức độ tiếp cận, sử dụng và chất lượng dịch vụ tài chính. Điều này cũng sẽ giúp nhà hoạch định có thêm nhiều thông tin hữu ích và cơ sở để thực thi các chính sách tài chính thích hợp, đặc biệt là các nhà điều hành chính sách tiền tệ khi có thể ước lượng tốt hơn sự tác động đến tổng cung tiền M2, qua đó hiểu rõ hơn các cơ chế truyền dẫn đến chính sách tiền tệ trong bối cảnh mới nhằm giảm thiểu rủi ro tín dụng và rủi ro hệ thống, hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực đến ổn định tài chính.

Sáu là, đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính. Theo đó, cần hình thành khung pháp lý bảo vệ người sử dụng dịch vụ tài chính như: (i) Xây dựng hành lang pháp lý về bảo vệ dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu người dùng nhằm tạo dựng môi trường giao dịch số an ninh, an toàn, thúc đẩy lòng tin của công chúng đối với thực hiện và sử dụng dịch vụ số; (ii) Thành lập cơ quan chuyên trách giám sát việc tuân thủ của các tổ chức tài chính trong thực hiện trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng tài chính; (iii) Nâng cao trách nhiệm của ngân hàng, các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính trong bảo vệ người tiêu dùng tài chính; (iv) Xây dựng cơ chế tự bảo vệ cho người tiêu dùng tài chính như tăng cường giáo dục tài chính, nâng cao nhận thức và hiểu biết của công chúng về các sản phẩm dịch vụ tài chính, qua đó giảm thiểu rủi ro bị thiệt hại về tài một cách sáng suốt.

Tài liệu tham khảo:

1. Alawode, A. A., & Al Sadek, M. (2008), What is financial stability. Financial Stability Paper Series.
2. Ardic, O. P., Imboden, K., & Latortue, A. (2013). Financial access 2012: Getting to a more comprehensive picture. CGAP and Partners Report.
3. Dienillah, A., Anggraeni. L & Sahara. (2018). Impact Of Financial Inclusion on Financial Stability Based on Income Group Countries, Bulletin of Monetary Economics and Banking, Bank Indonesia, 20(4), pages 1-14.
4. Duc Hong Vo và cộng sự (2021). Financial inclusion and stability in the Asian region using bank-level data. Borsa Istanbul Review, Volume 21, Issue 1, 2021, pages 36-43, ISSN 2214-8450.
5. European Central Bank. 2012. “Financial Stability Review. What is Financial Stability?” Frankfurt: European Central Bank.
6. Federal Reserve (2023), https://www.federalreserve.gov/financial-stability/what-is-financial-stability.htm.
7. Hannig, A., and S. Jansen. 2010. Financial Inclusion and Financial Stability: Current Policy Issues. ADBI Working Paper, pages 259.
8. Hòa Nguyễn (2021) Kinh nghiệm quốc tế về triển khai và giám sát chiến lược tài chính toàn diện. Tạp chí Ngân hàng số 3+4/2021.
9. IMF (2012), Anti- Money landering and combating the financing of terrorism inclúion in surveillance and financial stability assesments – Guidance note.
10. Khan, H. (2011) Financial Inclusion and Financial Stability: Are They Two Sides of the Same Coin? BANCON 2011, Indian Bankers Association and Indian Overseas Bank, Chennai.
11. Leyshon, Andrew & Thrift, Nigel. (1996). Financial Exclusion and the Shifting Boundaries of the Financial System. Environment and Planning A. 28.
12. Marek Dabrowski (2017). "Potential Impact of Financial Innovation on Financial Services and Monetary Policy," CASE Reports 0488, CASE-Center for Social and Economic Research.
13. Morgan, Peter J.; Pontines, Victor (2014): Financial stability and financial
inclusion, ADBI Working Paper, No. 488, Asian Development Bank Institute (ADBI).
14. M. Mostak Ahamed, Sushanta K. Mallick (2019). Is financial inclusion good for bank stability? International evidence, Journal of Economic Behavior & Organization, Volume 157, 2019, Pages 403-427, ISSN 0167-2681.
15. M J Roa Garcia, 2016. "Can financial inclusion and financial stability go hand in hand?," Economic Issues Journal Articles, Economic Issues, vol. 21(2), pages 81-103, September.
16. Sahay, R., Čihák, M., N’Diaye, P., Barajas, A., Mitra, S., Kyobe, A., Mooi, Y. & Yousefi, S. R. (2015). Financial inclusion: can it meet multiple macroeconomic goals? IMF Staff Discussion Note, 15/17.
17. World Bank (2016). Financial stability https://www.worldbank.org/en/ publication/gfdr/gfdr-2016/background/financial-stability

 
ThS. Ngô Minh Thu Trang
Khoa Tài chính, Học viện Ngân hàng
 
Theo: Tạp chí Ngân hàng