Công ty CP Sữa Hà Nội - Hanoimilk (Mã: HNM - UPCoM) vừa công bố Nghị quyết HĐQT về việc triển khai phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn đợt 1 năm 2022 đã được duyệt tại ĐHCĐ thường niên 2022 hồi tháng 4.
Theo đó, HNM dự kiến phát hành riêng lẻ 24,4 triệu cổ phiếu (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu) gấp 1,22 lần số lượng cổ phần hiện tại (mức 20 triệu đơn vị).
Được biết trong số cổ phiếu sắp phát hành tới đây, có 14,4 triệu cổ phiếu được dùng để hoán đổi nợ. Số còn lại dùng để tăng vốn hoạt động của công ty.
Trước đó, HNM đã công bố danh sách các nhà đầu tư của lô phát hành cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ hồi tháng 9/2022 trong đó có 2 cá nhân là ông Phạm Tùng Lâm (Kế toán trưởng công ty) và ông Hà Quang Tuấn (Chủ tịch HĐQT công ty). Cổ đông còn lại là Công ty CP Hoàng Mai Xanh.
Trong số này, ông Tuấn dự kiến được mua 9,7 triệu cổ phiếu - tương ứng giá trị nợ hoán đổi là 97 tỷ đồng; Công ty CP Hoàng Mai Xanh được mua 4,3 triệu cổ phiếu và ông Phạm Tùng Lâm được mua hoán đổi 400.000 cổ phiếu.
Thời gian phát hành lô cổ phiếu này sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian 90 ngày kể từ thời điểm được UBCKNN chấp thuận. Cổ phiếu sau phát hành sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm.
Với lô 10 triệu cổ phiếu dự phát hành riêng lẻ để tăng vốn, Hanoimilk thông báo sẽ thực hiện trong quý 4/2022 - 1/2023 sau khi được chấp thuận đồng thời cổ phiếu cũng sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong thời hạn 1 năm kể từ sau ngày phát hành.
Đáng nói, toàn bộ số cổ phiếu này sẽ được phát hành riêng cho ông Hoàng Văn Thuật - nhà đầu tư cá nhân. Trước giao dịch, ông Thuật đang nắm gần 712.000 cổ phiếu HNM. Nếu mua vào toàn bộ số cổ phiếu chào bán, cá nhân này sẽ trở thành cổ đông lớn tại Sữa Hà Nội với tỷ lệ sở hữu 24,13% vốn.
Số tiền huy động 100 tỷ từ lô phát hành này dự kiến sẽ được công ty dùng để mua thiết bị và nguyên liệu sản xuất.
Được thành lập từ năm 2001 và chính thức hoạt động với dây chuyền sản xuất sữa công suất 40 triệu lít mỗi năm, Hanoimilk từng là một trong những "thế lực" của ngành sữa Việt Nam.
Giai đoạn 2006 - 2007 được xem là thời hoàng kim khi dòng sản phẩm IZZI của Hanoimilk, hướng vào nhóm khách hàng là trẻ em 3-12 tuổi, chiếm lĩnh thị trường nội địa.
Năm 2007, doanh thu của công ty này đạt gần 340 tỷ đồng với lợi nhuận sau thuế 12 tỷ. Hanoimilk có thời điểm chiếm khoảng 28% thị phần sữa nước tiệt trùng cho trẻ em và khoảng 9% thị trường nội địa.
Sau giai đoạn thành công với thương hiệu IZZI, HNM còn tính đến việc đa dạng danh mục sản phẩm để cạnh tranh trực tiếp với những thương hiệu lớn trong và ngoài nước ở dòng sữa bột, sữa đặc có đường và nước ép trái cây. Ban lãnh đạo công ty không giấu tham vọng trở thành một trong ba doanh nghiệp sữa hàng đầu Việt Nam và là công ty số một về các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ em.
Tuy nhiên, "biến cố melamine" năm 2008, những khoản đầu tư ngoài ngành không hiệu quả và kế hoạch ra đời hàng loạt thương hiệu mới nhưng không vượt qua được cái bóng của IZZI đã khiến kết quả kinh doanh của Hanoimilk trồi sụt những năm sau đó.
Hiện có 20 triệu cổ phiếu HNM đang giao dịch trên thị trường UPCoM. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/11/2022, HNM đứng ở mốc tham chiếu với thị giá 7.000 đồng - giảm 50% so với mức 14.000 đồng tại thời điểm đầu năm.
Diễn biến giá cổ phiếu HNM thời gian gần đây (Nguồn: TradingView) |
Về kết quả kinh doanh, tại báo cáo tài chính quý 3/2022 mới đây, Sữa Hà Nội ghi nhận doanh thu đạt 141,3 tỷ đồng - tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021; tỷ lệ tăng giá vốn bán hàng nhanh hơn cùng kỳ nên lợi nhuận gộp thu về chỉ còn gần 30 tỷ; biên lãi gộp giảm về mức gần 21%.
Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm về còn 0,5 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều ghi nhận tăng YoY nên sau cùng, công ty còn khoản lãi sau thuế hơn 11 tỷ - tăng gần 62% so với mức 6,8 tỷ đồng trong quý 3/2021.
Lũy kế 9 tháng năm 2022, công ty ngành sữa này báo doanh thu tổng đạt hơn 374 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 27,4 tỷ - gần gấp đôi cùng thời điểm năm 2021.
Mặc dù vậy, tính đến hết ngày 30/9, Sữa Hà Nội vẫn đang ghi nhận lỗ lũy kế hơn 51 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý 3, tổng tài sản của HNM tăng lên mức 494 tỷ đồng trong đó hàng tồn kho tăng lên mức gần 208 tỷ; nợ phải trả tăng nhẹ lên mức 336 tỷ đồng - gấp hơn 2,1 lần quy mô vốn chủ (chỉ 158 tỷ) trong đó 195 tỷ đồng là vay nợ tài chính.
Trong cơ cấu nợ vay tài chính của Hanoimilk, khoản vay nợ cá nhân đến cuối quý 3 gần như không đổi so với thời điểm đầu năm với hơn 126 tỷ đồng.
Ngày 27/12/2006, công ty đưa cổ phiếu lên niêm yết trên HNX. Đến ngày 12/6/2020 thì hủy niêm yết trên sàn này. Ngày 19/6/2020, cổ phiếu HNM về giao dịch tại UPCoM với giá tham chiếu ngày đầu là 4.500 đồng/cổ phiếu.
Nguyên Nam
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|