Sự bùng nổ của thời trang Yody và dấu hỏi chất lượng sản phẩm

(Banker.vn) Sự phát triển quá nóng của hãng thời trang Yody trong thời gian vừa qua đang đặt ra những dấu hỏi lớn về tài chính và chất lượng sản phẩm của công ty này.
Bức tranh tài chính của thời trang YODY ra sao trước khi bị kêu gọi "tẩy chay"? Quản lý thị trường Phú Thọ tiêu hủy hơn 1.500 sản phẩm giả mạo nhãn hiệu YODY Yody nói gì về việc đăng bản đồ thiếu Hoàng Sa, Trường Sa

Hành trình phát triển của Yody

Tiền thân của hãng thời trang Yody (Công ty Cổ phần Thời trang Yody) là thương hiệu thời trang Hi5, ra đời vào năm 2009. Trải qua chặng đường phát triển đầy khó khăn, Hi5 đổi tên thành Yody vào năm 2014 với ước mơ xây dựng một thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới.

“Mốc son lịch sử” của Yody phải kể đến là ngày 25/4/2014 khi khai trương cửa hàng đầu tiện tại số 22 Chùa Bộc (Hà Nội); tới ngày 14/7/2014 tiếp tục khai trương cửa hàng thứ 2 tại Chí Linh (Hải Dương)…

Từ đó đến nay, Yody không ngừng lớn mạnh. Theo thống kê, đến năm 2016, Yody đã có 38 cửa hàng; năm 2017 tăng lên 63 cửa hàng tại 30 tỉnh, thành; năm 2018 con số này là 73 cửa hàng.

Sự bùng nổ của thời trang Yody và dấu hỏi chất lượng sản phẩm
Trụ sở hãng thời trang Yody tại TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương

Từ năm 2019, Yody bắt đầu có những bước đột phá khi số cửa hàng tăng lên 91 cửa hàng được trải khắp 33 tỉnh, thành trên toàn quốc, với quy mô nhân sự lên tới 700 người. Năm 2020, Yody Nam tiến và đưa những sản phẩm đầu tiên bày bán tại thị trường Mỹ.

Bước sang năm 2021, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, song Yody tiếp tục có những bước bứt tốc và tới tháng 10/2022, số lượng cửa hàng đã cán mốc 200 cửa hàng, đặt chân đến 63 tỉnh thành trên cả nước, trải dài từ Bắc vào Nam.

Kết thúc năm tài chính 2022, cơ cấu tổ chức của công ty bao gồm văn phòng, 40 chi nhánh hạch toán phụ thuộc và 3 công ty con, gồm Công ty Cổ phần Thời trang FGG, Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Yokids và Công ty Cổ phần Thời trang YGG. Số lượng nhân viên tại ngày 31/12/2022 là 4.136 người, so với năm 2021 chỉ là 1.584 người, tăng hơn 2.500 người chỉ sau một năm.

Trong một bài giới thiệu về hành trình phát triển, Công ty Cổ phần Thời trang Yody đã nhắc tới ước mơ của CEO Nguyễn Việt Hòa, giám đốc công ty. Theo đó, năm 2015, CEO Nguyễn Việt Hòa đã mơ về một văn phòng khang trang, tràn đầy cảm hứng cho đội ngũ Yody sáng tạo, làm việc.

Văn phòng ước mơ ấy đã được hiện thực hóa ngay trong năm 2015, có địa chỉ tại số 45 Hồng Quang (TP. Hải Phòng). Tiếp đó, năm 2020, Yody khai trương cửa hàng Yody Bắc Giang lớn nhất Đông Nam Á; năm 2021 chính thức đưa văn phòng Yody Hà Nội vào hoạt động. Trụ sở chính của Yody tại TP. Hải Dương, tỉnh Hải Dương cũng được đầu tư vô cùng hiện đại.

Bức tranh tài chính của Yody

Năm 2019, dù Yody có tới 91 cửa hàng trải khắp 33 tỉnh, thành trên toàn quốc, song doanh thu cuối kỳ chỉ dừng lại ở con số khiêm tốn hơn 70 tỷ đồng.

Dù giá vốn hàng hóa chỉ khoảng 37 tỷ đồng, bằng hơn một nửa doanh thu bán hàng là hơn 70 tỷ đồng, song do số lượng nhân sự lên tới 700 người dẫn tới chi phí quản lý tăng cao đã bào mòn lợi nhuận, dẫn tới lợi nhuận sau khi trừ các khoản thuế, phí của Yody chỉ vào khoảng 1 tỷ đồng.

Kết thúc năm tài chính 2019, tổng tài sản của Yody là hơn 54 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong đó vốn chủ sở hữu chỉ là 10 tỷ đồng cộng với lợi nhuận chưa phân phối khoảng 1,3 tỷ đồng, còn lại gần 43 tỷ đồng là các khoản nợ, cao gấp khoảng 4 lần vốn chủ sở hữu.

Sang năm 2020, Yody tiếp tục đi vay để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư. Tổng tài sản của Yody tại ngày 31/12/2020 là 206 tỷ đồng, song có tới 192,6 tỷ đồng là tiền nợ. Số nợ này gấp tới gần 15 lần vốn chủ sở hữu.

Về hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh thu từ hoạt động bán hàng của Yody năm 2020 đạt 117,6 tỷ đồng, tăng 68% so với năm 2019. Lợi nhuận từ hoạt động bán hàng ghi nhận là 55 tỷ đồng, song cũng như năm 2021, do chi phí quản lý cao nên kết thúc năm tài chính 2020, Yody ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế chỉ 2,1 tỷ đồng.

Năm 2021, Yody tăng vốn lên 106 tỷ đồng để rút ngắn khoảng cách so với khoản nợ là 192,6 tỷ đồng ghi nhận năm 2020. Song kết thúc năm tài chính 2021, tỷ lệ giữa nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của Yody vẫn cao gấp 6 lần.

Cụ thể, kết thúc năm tài chính 2021, tổng tài sản của Yody là 686,7 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 106,2 tỷ đồng. Tài sản này có tới 311,2 tỷ đồng là hàng tồn kho, chiếm gần 50% cơ cấu vốn; còn lại là tài sản cố định hơn 276 tỷ đồng.

Trong khi đó, nợ ngắn hạn phải trả của Yody ghi nhận ở con số báo động lên tới 368,3 tỷ đồng, nợ dài hạn là 209 tỷ đồng…

Về hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh thu từ hoạt động bán hàng năm 2021 của Yody có bước bứt phá cực kỳ ngoạn mục, lên tới hơn 1.431 tỷ đồng, tăng gấp hơn 10 lần so với năm 2020. Đây là một điều thần kỳ tới khó tin khi năm 2021 Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhiều địa phương bị phong tỏa để phục vụ công tác phòng chống dịch.

Dù doanh thu bán hàng lớn, song lợi nhuận của Yody lại chỉ vào khoảng 10 tỷ đồng, tương đương 0,7%. Lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động đầu tư của Yody ghi nhận âm 195 tỷ đồng, dẫn tới khoản tiền mặt cuối năm chỉ còn 13 tỷ đồng.

Sang năm 2022, quy mô của Yody tiếp tục được mở rộng, vốn điều lệ tăng lên 452 tỷ đồng. Doanh thu năm này cũng tăng mạnh, từ 1.431 tỷ đồng vào năm 2021 lên 3.440 tỷ đồng vào năm 2022. Lợi nhuận sau thuế năm 2022 của Yody lên tới 145 tỷ đồng, gấp 14 lần năm 2021.

Ghi nhận vào ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Yody là 1.473 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là hơn 600 tỷ đồng, nợ ngắn hạn phải trả là 720 tỷ đồng và nợ dài hạn là 152 tỷ đồng.

Điều này cho thấy cơ cấu đồng vốn của Yody đã được rút ngắn lại, song vẫn ở mức không an toàn. Đặc biệt là thời gian vừa qua, Yody liên tục dính phải những lùm xùm liên quan tới chất liệu sản phẩm công bố không đúng với thực tế, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng, có thể dẫn tới doanh thu sụt giảm trong thời gian tới.

Báo Công Thương sẽ vào cuộc xác minh và thông tin tới bạn đọc.

Đại Anh

Theo: Báo Công Thương