SSI Research: Nợ xấu thực tế sẽ lộ diện sau nửa đầu năm 2022

(Banker.vn) Thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tính đến nay là 1,9%, tăng khoảng 0,21% so với mức cuối năm 2020 là 1,69%.

Theo báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán 2022, Chứng khoán SSI cho rằng một mốc thời gian quan trọng cần theo dõi là thời hạn cơ cấu nợ xấu chỉ kéo dài đến ngày 30/6/2022. Do không còn đợt giãn nợ nào khác nên sau thời hạn này, các ngân hàng sẽ công bố nợ xấu thực tế.

Thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tính đến nay là 1,9%, tăng khoảng 0,21% so với mức cuối năm 2020 là 1,69%.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ bán cho VAMC tăng lên mức 3,9%, nếu tính cả nợ được tái cơ cấu theo Thông tư 01 và nợ tiềm ẩn, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành ước đạt 7,31%.

2216-nx33
Biến động tỷ lệ nợ xấu ngân hàng qua các năm (Nguồn: Tổng hợp từ NHNN)

Trong họp báo mới đây, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhận định dịch bệnh kéo dài trong suốt hai năm và vẫn còn đang diễn biến phức tạp đã, đang và sẽ mang lại nhiều hệ lụy cho nền kinh tế và tác động tiêu cực, trực tiếp đến chất lượng tài sản và năng lực tài chính của các TCTD.

"Những khó khăn như vòng quay vốn chậm, dòng tiền đứt dãy, doanh nghiệp bị sụt giảm doanh thu, mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, gia tăng rủi ro về thu hồi nợ... đến năm 2022 sẽ tác động mạnh hơn đến hoạt động ngân hàng do có độ trễ", ông nói.

NHNN xác định nợ xấu là thử thách lớn cần phải đối mặt trong năm 2022. Song, ngành ngân hàng cũng đã có những giải pháp, trước hết phải bảo đảm được các an toàn tài chính cho các TCTD trong vấn đề nợ xấu tăng.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang xây dựng khung pháp lý về chất lượng tài sản và xử lý nợ xấu

Trong đó bao gồm Thông tư 11/2021 về phân loại nợ và trích lập dự phòng, Dự thảo sửa đổi Thông tư 52/2018 về đánh giá tổ chức tín dụng (TCTD); Thông tư 16/2021 nhằm thắt chặt việc mua bán trái phiếu doanh nghiệp của các TCTD và Dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020 về thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, giải pháp xử lý nợ xấu cũng được thảo luận do Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực vào năm 2022 và NHNN đang đẩy nhanh tiến độ xử lý ngân hàng “0 đồng”.

Do đó, các chuyên gia kỳ vọng năm 2022 các cơ quan quản lý sẽ thắt chặt việc quản lý chất lượng tài sản tại các ngân hàng đồng thời hỗ trợ đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu.

Chẳng hạn, Thông tư 16/2021 về trái phiếu doanh nghiệp, có hiệu lực từ ngày 15/1/2022, khiến doanh nghiệp khó gia hạn nợ hơn do các ngân hàng không được phép mua trái phiếu doanh nghiệp để tái cơ cấu nợ có vấn đề. Điều này sẽ làm tăng rủi ro phá sản đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong một số lĩnh vực rủi ro.

Về triển vọng ngành ngân hàng 2022, công ty chứng khoán dự báo tăng trưởng lợi nhuận của ngành có thể cao hơn mức trung bình thị trường, đạt 21% so với cùng kỳ trong năm 2022 nhờ tăng trưởng tín dụng ước tính ở mức 14%.

Cùng với đó là triển vọng nguồn thu từ phí khả quan hơn, tăng 20% so với cùng kỳ và chi phí tín dụng được kiểm soát nhờ kinh tế dần hồi phục; bộ đệm rủi ro tín dụng được tăng cường tại các ngân hàng có tiềm lực.

Bộ phận phân tích dự kiến lợi nhuận của ngành ngân hàng sẽ phân hóa trong năm, trong đó đà tăng trưởng sẽ mạnh hơn vào nửa cuối năm. Ngoài ra, kế hoạch tăng vốn của một số ngân hàng được kỳ vọng sẽ hoàn thành trong nửa cuối năm 2022.

Lưu Lâm

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán