Sôi động thị trường M&A ngành nước

(Banker.vn) Nhu cầu và giá bán tăng giúp doanh thu của các doanh nghiệp ngành nước nói chung gia tăng trong năm 2022. Tuy nhiên, các công ty có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm lại đạt mức tăng trưởng cao hơn trung bình ngành thông qua M&A.

Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, đến năm 2022, Việt Nam có 750 nhà máy nước sạch ở khu vực đô thị và nông thôn đi vào hoạt động, với tổng công suất 11,2 triệu m3/ngày. Quy hoạch các nhà máy nước được Bộ Xây dựng quy định tại Thông tư 01/2021/TT-BXD, phù hợp với quy hoạch của từng địa phương trong đó các công ty tư nhân được phép tham gia. Trong khi đó, hệ thống phân phối được quản lý bởi công ty cấp thoát nước và môi trường tỉnh.

Tích cực M&A

Theo báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán SSI, nhu cầu sử dụng nước hộ gia đình trong năm 2022 tăng 5% so với cùng kỳ. Tiêu thụ nước hộ gia đình (chiếm 71% tổng nhu cầu nước sạch) tăng 5% so với cùng kỳ ở khu vực nông thôn và khoảng 3- 4% so với cùng kỳ ở khu vực thành thị. Trong năm 2022, mức tiêu thụ nước trung bình tăng 3- 6% so với cùng kỳ do tốc độ đô thị hóa tăng lên.

Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nước công nghiệp cũng tăng 5-8% so với cùng kỳ. Nhu cầu tiêu thụ nước công nghiệp (chiếm 18% tổng nhu cầu nước) tăng trưởng trở lại sau Covid.

Cụ thể, lượng nước tiêu thụ tại Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bắc Giang (các cụm khu công nghiệp) tăng lần lượt 6%, 7%, 5% và 8% so với cùng kỳ trong năm 2022.

Đi cùng với nhu cầu tăng cao, giá bán nước bình quân (ASP), tăng 3% so với cùng kỳ. Giá nước trên thị trường do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định. Cụ thể, giá bán nước bình quân tại TP.HCM và Bình Dương tăng 5% so với cùng kỳ trong năm 2022. Ngược lại, Hà Nội và Hải Phòng, Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu không tăng giá trong năm 2021.

Nhiều doanh nghiệp ngành nước tăng trưởng mạnh trong năm 2022 nhờ hoạt động M&A
Nhiều doanh nghiệp ngành nước tăng trưởng mạnh trong năm 2022 nhờ hoạt động M&A.

Tỷ lệ thất thoát nước ít hơn, nâng cao hiệu suất vận hành. Trong khi, tỷ lệ thất thoát nước trung bình ở Việt Nam là 17,5% vào năm 2022- giảm từ 18,7% vào năm 2021. SSI cho rằng, tính tỷ lệ thất thoát nước giảm 1% sẽ giúp biên lợi nhuận gộp cải thiện 1,1%.

Dù nhu cầu tiêu thụ nước tăng trưởng ổn định ở mức 5 - 8% so với cùng kỳ hàng năm, nhưng các công ty có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm trong ngành có thể đạt mức tăng trưởng cao hơn trung bình ngành thông qua giao dịch M&A.

Thực tế, ngay từ đầu năm 2022, hoạt động M&A ngành nước đã trở nên sôi nổi hơn bao giờ với thương vụ Công ty CP Nước – Môi trường Bình Dương (Biwase, HoSE: BWE) công bố chủ trương đầu tư mua cổ phần của Công ty CP Cấp thoát nước Cần Thơ (UPCoM: CTW) và Công ty CP Cấp nước Cần Thơ 2.

Với việc mua lại 2 doanh nghiệp này, Biwase kỳ vọng mở rộng mạng lưới cấp nước liên vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, và công ty cũng mua lại Nhà máy nước Gia Tân để mở rộng mạng lưới cấp nước tới vùng sâu, vùng xa của Đồng Nai, lấy nguồn nước từ sông Đồng Nai.

Trong năm 2022, Công ty CP DNP Holdings (HNX: DNP) tiếp tục mở rộng các nhà máy nước trên địa bàn như mua hơn 4,5 triệu cổ phiếu của Công ty CP Nước sạch Bắc Giang (UPCoM: BGW) với kỳ vọng dòng tiền ổn định khi đi vào hoạt động. Công ty CP Cơ điện lạnh (HoSE: REE) cũng duy trì đầu tư vào các nhà máy tại TP. HCM, nơi có nhu cầu dồi dào, mức tiêu thụ cao và hoạt động ổn định.

Triển vọng nghiêng về nhóm phân phối

Theo báo cáo của SSI, các công ty cấp nước đang chia thành hai nhóm. Một là các công ty sở hữu mạng lưới phân phối như BWE, DNW, Sawaco, Hawaco, CTW, HPW, DNA, BWS, HDW, NBW, GDW, LKW, BDW, NAW, NQB, PJS , TAW, VPW… và hai là các công ty sở hữu nhà máy xử lý nước như DNP, TDM, VCW…

Chuyên gia từ SSI dự báo nhu cầu tiêu thụ nước tại Hà Nội sẽ tăng 12% trong giai đoạn 2025 đến năm 2030 và tăng bình quân từ 6-8%/năm tại TP.HCM trong cùng giai đoạn. Bên cạnh đó, giá bán nước sạch bình quân sẽ tăng khoảng 3-5% tùy theo tỉnh, thành phố; trong đó, Hà Nội và TP.HCM có khả năng tăng giá bán lẻ bình quân 5% và Bình Định có khả năng tăng giá bán bình quân 3% trong năm 2023.

Những khu vực khác như Bình Dương, Hải Phòng và Đồng Nai có khả năng sẽ không tăng giá bán lẻ bình quân trong năm 2023. SSI cho rằng giá nước cho các khách hàng công nghiệp sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu ngày càng tăng của các các khách hàng trong khu công nghiệp, đặc biệt các nhà đầu tư FDI.

Do vậy, “các công ty có hệ thống phân phối nước được sự quản lý của UBND tỉnh, điều này đồng nghĩa với việc các công ty này độc quyền phân phối. Hiệu quả hoạt động của các công ty cấp nước phụ thuộc vào tỷ lệ thất thoát nước cũng như mật độ dân số trên địa bàn phân phối. Đối với những công ty này, chúng tôi ước tính doanh thu tăng 8% so với cùng kỳ vào năm 2023”, báo cáo của SSI nêu rõ.

Còn đối với các công ty sở hữu nhà máy nước, SSI cho rằng, việc xử lý ô nhiễm có thể ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của công ty cấp nước. Cụ thể, Luật Tài nguyên nước và Môi trường sẽ được thông qua vào năm 2023, trong đó quy định rõ nguồn nước có thể khai thác, và chi phí thuế tài nguyên môi trường sẽ được tính theo sản lượng khai thác thay vì theo công suất.

SSI dự báo các công ty cấp nước sẽ ghi nhận mức phí cao hơn. Theo đó, chi phí nguyên vật liệu chiếm 30%-35% chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Ngoài ra, thuế tài nguyên tại các tỉnh dao động trong khoảng 48 - 50 đồng/m3 vào năm 2023. Tỷ suất lợi nhuận gộp của công ty cấp nước có thể giảm 0,2 - 0,4% do chi phí nguyên vật liệu và thuế tài nguyên nước tăng.

Đối với các doanh nghiệp sở hữu nhà máy nước, các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của nhà máy xử lý nước bao gồm khoản đầu tư nhà máy nước; khoảng cách từ nhà máy đến nguồn nguyên liệu (nước mặt hoặc nước ngầm); sản lượng và giá bán cho các công ty phân phối.

Theo SSI, suất vốn đầu tư các nhà máy xử lý nước sạch đang tăng theo thời gian. Các công ty nước niêm yết cho biết, suất vốn đầu tư nhà máy xử lý nước sạch tại một số công ty nước niêm yết giai đoạn 2022-2023 sẽ đạt 5.300 đồng/m3, cao hơn mức 4.600 đồng/m3 bình quân giai đoạn 2020-2021.

Quang Đăng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán