Chủ tịch HĐQT của Chứng khoán Trí Việt vừa bị khởi tố về tội danh Thao túng thị trường chứng khoán. |
Thị trường tài chính đang xôn xao với câu chuyện ông Phạm Thanh Tùng – Chủ tịch HĐQT CTCK Trí Việt (HOSE: TVB) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) khởi tố về tội Thao túng thị trường chứng khoán, theo điều 211 Bộ luật Hình sự.
Đây là động thái mới nhất của C03 sau khi điều tra bổ sung vụ án thao túng cổ phiếu BII và TGG xảy ra ở Công ty CP Louis Holdings, Công ty CP Chứng khoán Trí Việt và các đơn vị liên quan. Đáng chú ý, ông Phạm Thanh Tùng mới ngồi vào ghế chủ tịch nhiệm kỳ 2022 - 2024 của Chứng khoán Trí Việt vào ngày 2/12.
Trước khi trở thành Chủ tịch HĐQT của Chứng khoán Trí Việt, ông Tùng đã đăng ký bán 2 triệu cổ phiếu TVB. Thời gian dự kiến thực hiện giao dịch từ ngày 29/11 đến ngày 18/12, với mục đích đáp ứng nhu cầu tài chính cá nhân.
Trước sự việc Chủ tịch HĐQT bị khởi tố, Chứng khoán Trí Việt đã có thông báo cho biết “sự cố” của ông Tùng là trách nhiệm cá nhân và chưa có kết luận chính thức. Công ty khẳng định sự việc trên không tác động hoặc làm thay đổi định hướng trong kinh doanh của công ty và "không ảnh hưởng đến lợi ích hợp pháp của cổ đông, khách hàng đang có giao dịch".
Về kết quả kinh doanh, trong quý III/2022, Chứng khoán Trí Việt ghi nhận doanh thu 19,33 tỷ đồng, giảm 77% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế âm 6,16 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 38,68 tỷ đồng.
Theo Trí Việt, nguyên nhân của việc doanh thu giảm sâu là thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh, giá trị và khối lượng giao dịch giảm nhiều dẫn đến các khoản thu từ tự doanh, phí môi giới và margin đều giảm.
Cụ thể, doanh thu tự doanh của công ty trong kỳ ghi nhận lỗ 3,8 tỷ đồng; trong đó, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) lỗ hơn 5,54 tỷ đồng, lãi từ các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) đạt hơn 1,7 tỷ đồng.
Trong danh mục FVTPL, cổ phiếu niêm yết có giá trị đầu tư lớn nhất là MBB với giá gốc là 5,25 tỷ đồng, cổ phiếu khác là hơn 7 triệu đồng; khoản mục trái phiếu niêm yết ghi nhận gần 15 tỷ đồng. Tại danh mục AFS, cổ phiếu HPG là khoản đầu tư lớn nhất có giá gốc gần 197 tỷ đồng, tiếp đến là cổ phiếu FPT với giá gốc gần 81 tỷ đồng, cổ phiếu khác là hơn 72 triệu đồng…
Ngoài doanh thu tự doanh ghi nhận lỗ, doanh thu môi giới chứng khoán quý III của Trí Việt cũng chỉ đạt 8,8 tỷ, giảm tới 22,2 tỷ so với cùng kỳ... Lũy kế 9 tháng năm 2022, Chứng khoán Trí Việt ghi nhận 127,4 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế đạt 34,2 tỷ đồng, lần lượt giảm 58% và 83% so với cùng kỳ.
Liên quan đến sự việc Louis Holdings, theo kết luận điều tra ông Đỗ Thành Nhân (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Louis Holdings) cùng Đỗ Đức Nam (Tổng giám đốc Chứng khoán Trí Việt); Lê Thị Thu Hương (Phó tổng giám đốc Chứng khoán Trí Việt), Lê Thị Thùy Liên (nhân viên dịch vụ tài chính Chứng khoán Trí Việt) và Trịnh Thị Thúy Linh (Giám đốc hành chính Louis Holding) bị đề nghị truy tố về tội Thao túng thị trường chứng khoán.
Theo cáo buộc, từ năm 2020 đến cuối 2021, ông Nhân cùng ông Nam thao túng hai mã cổ phiếu BII và TGG. Điển hình là ngày 18/9/2021, sau một thời gian "lùa gà", BII lập đỉnh với giá 33.800 đồng/cổ phiếu, gấp khoảng 10 lần giá thời điểm nhóm ông Nhân mua vào hồi tháng 1/2021. Mã TGG cũng liên tục tăng trần và lập đỉnh với giá 74.800 đồng/cp vào ngày 22/9/2021, gấp 37 lần thời điểm mua vào.
Cơ quan điều tra cho biết ông Nhân đã thừa nhận hành vi thao túng thị trường chứng khoán với hai mã BII và TGG, thu lời bất chính hơn 153 tỷ đồng.
Ông Nam bị xác định phê duyệt cho ông Nhân vay vốn và trực tiếp chỉ đạo cấp dưới thực hiện thao túng chứng khoán, giúp ông Nhân thu lời bất chính. Ông Nam còn lợi dụng việc cho Louis Holding vay tiền mua bán, thao túng giá cổ phiếu để yêu cầu ông Nhân chi hoa hồng ngoài hợp đồng 500 triệu đồng.
Cách đây hơn một tháng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ra quyết định xử phạt 150 triệu đồng với Chứng khoán Trí Việt, do đã cho một số khách hàng đặt lệnh mua chứng khoán khi không có đủ tiền theo quy định.
Tuệ Minh
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|