Ngày 26/4/2021, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và Trường Đào tạo Vietcombank tổ chức lễ ký kết chuyển giao bài giảng e-learning Bộ Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và Quy tắc ứng xử của các cán bộ ngân hàng.
Tới dự buổi lễ bàn giao có TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; NGND PGS.TS Kiều Hữu Thiện, Giám đốc Trường Đào tạo Vietcombank; NGƯT PGS.TS Tô Kim Ngọc, Phó Giám đốc Trường Đào tạo Vietcombank; ThS Lê Vân Trinh, Phó Giám đốc Trường Đào tạo Vietcombank; cùng lãnh đạo các ban chuyên môn, bộ phận nghiệp vụ của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Trường Đào tạo Vietcombank.
Thời gian vừa qua, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Trường Đào tạo Vietcombank cùng với đối tác đã biên soạn kịch bản chi tiết và tiến hành số hóa Bộ Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và Quy tắc ứng xử của các cán bộ ngân hàng do Hiệp hội Ngân hàng ban hành. Đây là bài giảng điện tử (e-learning) hoàn chỉnh và hấp dẫn, dùng để đào tạo cho cán bộ, nhân viên toàn ngành.
Phát biểu tại buổi lễ, TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cảm ơn sự hợp tác, hỗ trợ tích cực của Trường Đào tạo Vietcombank trong việc tạo ra sản phẩm hết sức ý nghĩa, ý tưởng rất phù hợp và “đi trước một bước” trong bối cảnh thế giới đang chịu ảnh hưởng rất nặng nề bởi dịch COVID-19 cũng như xu thế hội nhập, chuyển đổi số.
Ông Hùng cho biết, thời gian qua, Hiệp hội Ngân hàng đã tổng hợp tất cả các ý kiến của các hội viên để xây dựng “bộ khung” Bộ Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và Quy tắc ứng xử của các cán bộ ngân hàng nhằm áp dụng cho toàn hệ thống các ngân hàng tại Việt Nam là một thành công, đúng chỉ đạo của Ban Cán sự Đảng, của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Tài liệu này không chỉ đào tạo cán bộ tân tuyển mà đào tạo cho cả những cán bộ, nhân viên hiện hữu của ngành. “Với thời lượng 30 phút, bài giảng điện tử được trình bày chuyên nghiệp, nội dung phản ánh rất sâu sắc về bộ chuẩn mực đạo đức…”, ông Hùng bày tỏ.
Ông Hùng cho biết thêm, Hiệp hội Ngân hàng đã gửi giáo trình giảng dạy e-learning tới tất cả các hội viên và các tổ chức tín dụng nước ngoài. Đến nay, đã nhận được phản hồi tích cực. Các tổ chức tín dụng nước ngoài đã liên hệ được đào tạo và xin bài giảng e-learning này.
“Tôi cũng giới thiệu với một số doanh nghiệp và họ cũng rất ngạc nhiên khi Trường Đào tạo Vietcombank đã tạo ra được bộ giáo trình ứng dụng công nghệ với nội dung, hình ảnh minh họa rất tốt”, ông Hùng nói thêm.
Trong thời gian tới, Hiệp hội Ngân hàng cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với Trường Đào tạo Vietcombank đưa ra các chương trình giảng dạy phù hợp đúng với nhu cầu của các tổ chức hội viên. “Chúng tôi sẽ xây dựng chương trình đào tạo mà các ngân hàng chưa đào tạo được, hoặc chưa quan tâm đến”, ông Hùng chia sẻ và cho biết thêm: "Hiệp hội Ngân hàng cũng đang tính xây dựng một bộ hợp đồng mẫu về hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp, hợp đồng giao dịch đảm bảo… trên cơ sở góp ý của Tòa án, Viện Kiểm sát".
NGND PGS.TS Kiều Hữu Thiện, Giám đốc Trường Đào tạo Vietcombank
NGND PGS.TS Kiều Hữu Thiện, Giám đốc Trường Đào tạo Vietcombank cho biết, việc xây dựng bộ bài giảng trên như là phần trách nhiệm của Vietcombank đối với Hiệp hội Ngân hàng và Trường Đào tạo Vietcombank đã hoàn thành tốt trách nhiệm này. Bộ Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và Quy tắc ứng xử của các cán bộ ngân hàng là tài liệu rất quan trọng. Các ngân hàng rất quan tâm tới việc đào tạo và nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, nhân viên, kể cả cấp quản lý lãnh đạo.
Ông Thiện cho biết, Bộ bài giảng điện tử này sẽ phải cập nhật, nâng cấp nên cần sự phối hợp chặt chẽ của cả Trường Đào tạo Vietcombank và Hiệp hội Ngân hàng. Các bộ phận chức năng hai bên sẽ trao đổi thêm về các vấn đề như: đào tạo, giảng viên, hợp tác nghiên cứu…. Theo ông Thiện, Trường Đào tạo Vietcombank cùng Vụ Tổ chức Cán bộ đã được Ngân hàng Nhà nước giao làm thường trực của nhóm các cơ sở đào tạo trong ngành nên rất mong Hiệp hội Ngân hàng cùng phối hợp triển khai những nội dung đã ký kết.
“Hiệp hội Ngân hàng với vai trò là bảo vệ quyền lợi cho các tổ chức hội viên nên chúng ta đi vào trọng tâm hợp tác đó thì tôi tin các ngân hàng sẽ ủng hộ”, ông Thiện chia sẻ.
Ông Thiện cùng bày tỏ mong muốn Trường Đào tạo Vietcombank và Hiệp hội Ngân hàng sẽ tăng cường giao lưu, chia sẻ trên nhiều lĩnh vực không chỉ dừng lại ở chuyên môn.
Chia sẻ về những hoạt động của nhà trường, NGƯT PGS.TS Tô Kim Ngọc, Phó Giám đốc Trường Đào tạo Vietcombank cho biết, Vietcombank đang có mục tiêu, tham vọng đứng đầu hệ thống ngân hàng về các lĩnh vực như ngân hàng bán lẻ, bán buôn, ngân hàng số, nguồn nhân lực… Trong đó, phát triển Trường Đào tạo Vietcombank là một trong những mục tiêu mang tính chiến lược của Ban lãnh đạo Vietcombank.
Lễ ký kết chuyển giao bài giảng e-learning Bộ Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và Quy tắc ứng xử của các cán bộ ngân hàng
NGƯT PGS.TS Tô Kim Ngọc cho biết, trong bối cảnh hết sức thuận lợi từ cơ sở vật chất, tới chủ trương… nên nội dung “lõi” bên trong trường cũng thay đổi mạnh mẽ, như: công nghệ hóa quá trình đào tạo, điện tử hóa quá trình giảng dạy và các network (mạng lưới) của các đối tác tin cậy tham gia sản xuất các bài giảng điện tử cho Trường Đào tạo Vietcombank. “Khi tiếp cận yêu cầu từ phía Hiệp hội Ngân hàng và được ban lãnh đạo Vietcombank phê duyệt, Trường Đào tạo Vietcombank đã bắt tay triển khai và cũng rất hào hứng với ý tưởng này”, bà Ngọc nói.
Cán bộ, lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng và Trường Đào tạo Vietcombank chụp ảnh kỷ niệm
Theo bà Ngọc, trong quá trình làm việc giữa hai bên, mà cụ thể là Phòng Thực hành Khảo thí (bộ phận sản xuất bài giảng điện tử) của Trường Đào tạo Vietcombank đã phối hợp với Trung tâm Đào tạo của Hiệp hội Ngân hàng và một số đối tác khác làm việc rất chặt chẽ, trao đổi thường xuyên nhằm chuyển tải đầy đủ nội dung trên cơ sở phù hợp với kỹ thuật cho các học viên (người dùng cuối).
Bài giảng này nằm trong khuôn khổ đảm bảo chuẩn mực đạo đức cho các cán bộ ngân hàng, đặc biệt là cán bộ, nhân viên tân tuyển. Đây cũng là điều mà Vietcombank đặc biệt quan tâm vì ngân hàng đang có một chương trình đào tạo tân tuyển.
Theo đó, đối với toàn bộ cán bộ, nhân viên tân tuyển trong vòng 12 tháng phải tham gia chương trình đào tạo bắt buộc và trong vòng 2 tháng đầu tiên phải có chứng chỉ hành nghề. “Chuẩn mực đạo đức là môn học bắt buộc trong chứng chỉ hành nghề ấy, khi có chứng chỉ hành nghề mới được ký hợp đồng lao động chính thức. Chính vì thế, việc bổ sung nội dung học Bộ Chuẩn mực đạo đức trong chương chính đào tạo của tân tuyển rất là quan trọng”, bà Ngọc nói.
Bên cạnh việc tham khảo nội dung căn bản của Bộ Chuẩn mực đạo đức của Hiệp hội Ngân hàng, Vietcombank cũng bổ sung thêm những yêu cầu riêng của mình và có những điều chỉnh phù hợp theo từng giai đoạn, nhất là khi ngân hàng đang chuyển đổi số thì những yêu cầu chuẩn mực đạo đức về bảo mật sẽ phải chặt chẽ hơn nhiều.
Bảo Đăng
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|