Sẽ giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường

(Banker.vn) UBTVQH thống nhất trình Quốc hội 2 chuyên đề về bảo vệ môi trường và phát triển - sử dụng nguồn nhân lực để Quốc hội lựa chọn giám sát.
Doanh nghiệp chung tay xử lý rác thải nhựa, bảo vệ môi trường Giải pháp bảo vệ môi trường tại các nhà máy nhiệt điện than Đẩy nhanh tiến độ các công trình bảo vệ môi trường khu vực Đông Triều, Uông Bí

Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành cẩn trọng

Ngày 23/4, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, dự kiến chương trình giám sát năm 2025 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã đánh giá khái quát về kết quả thực hiện chương trình giám sát năm 2023 và những tháng đầu năm 2024.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, năm 2023 và 2024 là hai năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành các nghị quyết về Chương trình giám sát năm 2023, 2024 bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; các nghị quyết này là cơ sở quan trọng để các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội ban hành chương trình và thực hiện nhiệm vụ giám sát phù hợp.

Qua đó, hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn Đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã đạt được những kết quả quan trọng với nhiều đổi mới, cải tiến, bảo đảm tiến độ và chất lượng.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về hoạt động giám sát không ngừng được tăng cường, góp phần quan trọng tạo cơ sở pháp lý và định hướng hoạt động giám sát cho cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và những năm tiếp theo.

Trong đó, đáng chú ý là việc Quốc hội ban hành nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để kịp thời thể chế hóa các quy định của Trung ương.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; cho ý kiến về đề nghị bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trước khi trình Quốc hội xem xét quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đảm bảo đúng quy định, sát thực tiễn với nhiều đổi mới; các vấn đề chất vấn được lựa chọn bám sát thực tiễn, “đúng”, “trúng” những vấn đề “nóng”, bức xúc nổi lên, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.

Kết thúc các phiên chất vấn, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 4 nghị quyết đối với 10 lĩnh vực.

Đặc biệt, trên cơ sở kết quả giám sát, Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5.

Năm 2024, Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội” ngay sau khi Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi) được thông qua để góp phần đưa các luật này sớm đi vào cuộc sống.

Theo ông Bùi Văn Cường, hoạt động lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành cẩn trọng, bảo đảm nghiêm túc, theo quy định của pháp luật.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm giúp cho những người được lấy phiếu tín nhiệm thấy rõ mức độ tín nhiệm của mình để có phương hướng tiếp tục rèn luyện, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác, phấn đấu hoàn thành tốt hơn trọng trách được Đảng, nhân dân và Quốc hội tin tưởng giao phó. Đồng thời là một kênh thông tin quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá cán bộ.

Dự kiến chương trình giám sát năm 2025

Về dự kiến chương trình giám sát năm 2025, Tổng Thư ký Quốc hội kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất Quốc hội giám sát tối cao 1 chuyên đề tại Kỳ họp thứ 9 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát 1 chuyên đề tại phiên họp tháng 8/2025.

Căn cứ kết quả lựa chọn chuyên đề của Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất 3 chuyên đề trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định lựa chọn 2 chuyên đề.

Cụ thể như sau: Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; chuyên đề 2: Việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nhân lực chất lượng cao; chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và phát triển du lịch.

Tại phiên họp, sau khi xem xét, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết, quyết định chọn chuyên đề 1 về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và chuyên đề 2 về việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nhân lực chất lượng cao để trình Quốc hội lựa chọn một chuyên đề để Quốc hội giám sát tối cao và một chuyên đề do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện trong năm tới.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục