Sau khuyến nghị bán từ TCBS, cổ phiếu LPB bất ngờ tăng trần và dẫn dắt thị trường

(Banker.vn) Trong báo cáo cập nhật cuối phiên 26/10, Chứng khoán TCBS đưa ra khuyến nghị bán đối với cổ phiếu LPB trong bối cảnh lực bán chủ động đang gia tăng (trên 70%) với tỷ trọng lớn ở nhóm tiền lớn và phe đầu cơ...

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/10, VN-Index tăng 5,17 điểm (0,49%) lên mức 1.060,62 điểm. HNX-Index tăng 3,06 điểm (1,42%) khớp ở mức 218,04 điểm. UPCoM tăng 0,31 điểm (0,37%); khớp ở mức 83,1 điểm.

Nỗ lực tăng giá của nhóm ngân hàng là động lực chính giúp thị trường thu hẹp đáng kể biên độ và đảo chiều tăng điểm cuối phiên. Đáng chú ý nhất là mức tăng trần 6,99% của cổ phiếu LPB, thị giá đạt 15.300 đồng/cp. Đây cũng là mã đóng góp tích cực thứ 2 lên chỉ số với 0,50 điểm (chỉ sau HPG).

Sau khuyến nghị bán từ TCBS, cổ phiếu LPB bất ngờ tăng trần và dẫn dắt thị trường
Nỗ lực tăng giá của nhóm ngân hàng là động lực chính giúp thị trường thu hẹp đáng kể biên độ và đảo chiều tăng điểm cuối phiên

Nhìn xa hơn, tính từ phiên 27/9 tới nay, cổ phiếu LPB đã tăng hơn 15% và là cổ phiếu có mức tăng mạnh nhất nhóm các ngân hàng. Trong khi đó cùng thời điểm, VN-Index giảm 7,8% (-86 điểm) về quanh mốc 1.050.

Sau khi trụ vững tại ngưỡng hỗ trợ EMA50 phiên 26/10, cổ phiếu LPB cho tín hiệu tích cực ngắn hạn trở lại với mức tăng mạnh phiên hôm nay; vị thế của dòng tiền lớn cũng gia tăng trở lại trong 1 tuần gần nhất.

Dù vậy, trong báo cáo cập nhật cuối phiên 26/10, Chứng khoán TCBS đưa ra khuyến nghị bán đối với cổ phiếu nhà băng này trong bối cảnh lực bán chủ động đang gia tăng (trên 70%) với tỷ trọng lớn ở nhóm tiền lớn và phe đầu cơ.

Điểm cần lưu ý là dù giá tăng mạnh và cổ phiếu ngược dòng thị trường chung song thanh khoản LPB vẫn duy trì mức thấp trong gần 2 tháng trở lại đây (chỉ đạt hơn 3 triệu đơn vị/phiên). Nhà đầu tư ưu tiên vị thế chốt lời một phần khi giá nên cao, cân nhắc trước khi mở vị thế mua mới ở thời điểm hiện tại.

Thông tin đáng chú ý về LPB, mới đây, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt đã chào bán 500 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu song mới phân phối được hơn 426,8 triệu cổ phiếu.

Với hơn 73 triệu cổ phiếu cổ đông không thực hiện quyền mua, LPBank quyết định phân phối tiếp số cổ phiếu dư này cho 3 cá nhân là ông Bùi Võ Công (29,14 triệu cp), ông Đinh Chung Thành (19 triệu cp) và ông Đinh Văn Tần (25 triệu cp). Thời gian nộp tiền mua cổ phiếu dư này từ 23 đến 27/10. Số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ này kết thúc đợt chào bán.

Sau khuyến nghị bán từ TCBS, cổ phiếu LPB bất ngờ tăng trần và dẫn dắt thị trường
Diễn biến giá cổ phiếu LPB từ đầu năm 2023 đến nay

Về tình hình kinh doanh, LPBank cũng đã công bố báo cái tài chính quý 3/2023 với lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt hơn 1.773 tỷ đồng, giảm khoảng 18% so với cùng kỳ năm trước.

Trong kỳ, LPBank trích lập dự phòng rủi ro số tiền gần 533 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ. Theo đó, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 1.241 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với con số 1.233 tỷ đồng ở cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, với mặt bằng chung hầu hết các ngân hàng đều ghi nhận lợi nhuận lao dốc khá mạnh trong quý III, kết quả của LPBank cũng có thể gọi là tương đối khả quan.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, LPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 3.678 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước.

Theo giải trình của LPBank, sở dĩ kỳ này lợi nhuận ngân hàng sụt giảm do tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động do đó đã tác động đến hoạt động kinh doanh của nhiều cá nhân và doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực kinh tế trong đó có ngân hàng.

Ngoài ra, LPBank cũng đã triển khai các chính sách, gói hỗ trợ lãi suất cho vay và giảm phí, lệ phí cho khách hàng, cũng làm suy giảm lợi nhuận.

Năm 2023, tại đại hội đồng cổ đông được tổ chức hồi tháng 4, LPBank đã thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận trước thuế trong năm nay ở mức 6.000 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2022.

Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, ngân hàng này mới chỉ hoàn thành 61,45% kế hoạch lợi nhuận đề ra cho cả năm.

Trong 9 tháng, LPBank ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng tích cực, đạt tổng dư nợ 263.640 tỷ đồng, tăng 11,8% so với thời điểm hồi đầu năm, huy động vốn đạt gần 274.580 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cuối năm 2022.

LPBank cho biết, động lực tăng trưởng tín dụng của LPBank trong 9 tháng đầu năm chủ yếu đến từ mảng cho vay bán lẻ. Danh mục cho vay bán lẻ đang chiếm phần lớn trong tổng các khoản vay tại ngân hàng.

Tại thời điểm ngày 30/9/2023, tổng tài sản của LPBank ở mức 365.450 tỷ đồng, tăng 11,5% so với thời điểm hồi đầu năm. nợ phải trả tăng tương ứng, ghi nhận ở mức 338.960 tỷ đồng.

Về chất lượng tài sản của LPBank, tổng nợ xấu của nhà băng này tăng đột biến, ghi nhận ở mức 10.647 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn ở mức 2.933 tỷ đồng, con số này ở thời điểm đầu năm chỉ là 1.352 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng của LPBank cũng tăng lên mức 4,03% (con số này ở thời điểm cuối quý 2 chỉ là 2,23%).

Lợi nhuận trước thuế 9 tháng của LPBank sụt giảm 24% so với cùng kỳ

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank, HOSE: LPB) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2023. Theo đó, ngân hàng ghi nhận ...

Lợi nhuận quý 3 đồng loạt giảm tốc, các ngân hàng lý giải ra sao?

Tính đến ngày 23/10, đã có 8 ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý 3/2023. Tuy nhiên, có tới 5/8 ngân hàng ghi ...

LPBank tiếp tục phân phối hơn 73 triệu cổ phiếu cho 3 cá nhân

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank, HOSE: LPB) vừa thông qua Nghị quyết của HĐQT về việc xử lý cổ phiếu chưa phân ...

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán