Kết phiên giao dịch ngày 18/6/2021, sau khi tăng gần 18 điểm, VN-Index lập đỉnh lịch sử 1.377,77 điểm; giá trị giao dịch vẫn duy trì ở mức cao trên 1 tỷ USD, đạt 23.734 tỷ đồng. Tính từ đầu năm, VN-Index đã tăng 24,8% trong khi VN30-Index tăng 36,53%.
Đáng chú ý, trong nhóm VN30, cổ phiếu VCB của Vietcombank sau một thời gian dài đi ngang ở vùng giá 100.000 đồng/cổ phiếu bất ngờ tăng 4,1% lên 108.500 đồng/cp. Theo sau là các mã MSN tăng 3,4% lên 106.500 đồng/cp và VHM tăng 3,2% lên 112.000 đồng/cp, PNJ tăng 2,6% lên 98.000 đồng/cp.
Với phiên tăng ấn tượng này, cổ phiếu VCB của Vietcombank đã vượt VIC của Vingroup để trở thành doanh nghiệp có vốn hoá lớn nhất TTCK Việt Nam với giá trị thị trường đạt 402.000 tỷ đồng - cao hơn Vingroup 7.000 tỷ đồng.
Lần gần nhất vốn hoá của Vietcombank vượt Vingroup là vào giữa tháng 12/2020, khi đó cổ phiếu VCB dừng ở mức 97.800 đồng - tương đương quy mô vốn hóa đạt hơn 362.700 tỷ đồng, chiếm khoảng 9,3% tổng vốn hóa toàn sàn HOSE.
Năm 2021, Vietcombank lên kế hoạch tăng tổng tài sản 5%; dư nợ tín dụng tăng 10,5% và có điều chỉnh theo chỉ đạo của NHNN: Huy động vốn phù hợp nhu cầu sử dụng vốn, dự kiến là 7%; lợi nhuận trước thuế ngân hàng hợp nhất tăng 11% trong đó riêng lợi nhuận ngân hàng riêng lẻ là 25.000 tỷ đồng, tiếp tục duy trì ngôi vương về lợi nhuận toàn ngành. Tỷ lệ nợ xấu năm nay vẫn sẽ duy trì mức thấp dưới 1%; tỷ lệ chi trả cổ tức là 8%. Đặc biệt năm nay ngân hàng lên kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ lên trên 50.000 tỷ đồng.
Thực tế, VCB và VIC đều có mức tăng khá khiêm tốn trong nhóm các trụ cột của sàn HOSE, với mức tăng trên dưới 10% kể từ đầu năm, bên cạnh VNM (-15%), BID (-4%), GAS (+7%), SAB (-12%). Trong khi đó, HPG tăng 70%, CTG tăng 48%, TCB tăng 62%, MBB tăng 78%, FPT tăng 64%, cá biệt VPB tăng 105%, NVL tăng 132% chỉ trong chưa đầy 6 tháng.
Văn Thắng
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|