Sáp nhập tỉnh, sách giáo khoa cần điều chỉnh linh hoạt

(Banker.vn) Việc sáp nhập tỉnh đòi hỏi sách giáo khoa phải được hiệu chỉnh linh hoạt, tránh thay mới toàn bộ, giúp tiết kiệm chi phí và duy trì sự ổn định trong giáo dục.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu cung cấp đủ sách giáo khoa cho học sinh sau bão số 3 Có cần thiết đồng bộ sách giáo khoa trên toàn quốc? Đề thi Văn từ sách giáo khoa: Thay đổi chóng mặt, học sinh hoang mang

Vẽ lại bản đồ giáo dục địa phương

Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh đang được đẩy mạnh, đặt ra những thay đổi sâu rộng không chỉ về tổ chức bộ máy mà còn lan tỏa tới từng ngóc ngách đời sống, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Khi bản đồ hành chính vẽ lại, tên gọi mới hình thành, thì những cuốn sách giáo khoa, đặc biệt là nội dung giáo dục địa phương cũng buộc phải điều chỉnh để đồng hành cùng thực tiễn.

Theo lộ trình đã công bố, từ năm học 2025 - 2026, cả nước sẽ hình thành 23 tỉnh, thành phố mới trên cơ sở sáp nhập 52 tỉnh, thành phố hiện nay. Đây không chỉ là sự thay đổi về địa lý hành chính mà còn là một bước chuyển lớn về nhận thức địa phương trong tâm trí thế hệ trẻ. Vì thế, việc điều chỉnh nội dung sách giáo khoa là yêu cầu tất yếu, không thể chậm trễ.

Nhà giáo Nguyễn Ngọc Hoà, người có thâm niên hơn 40 năm trong lĩnh vực quản lý giáo dục chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, trong hệ thống giáo dục phổ thông, mỗi tỉnh hiện nay đều có bộ tài liệu Giáo dục địa phương riêng, được biên soạn công phu nhằm phản ánh những đặc điểm văn hóa, lịch sử, địa lý đặc trưng của từng vùng đất. Môn học này xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12, góp phần bồi đắp tình yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc cho học sinh. “Khi hai hay ba tỉnh sáp nhập thành một, việc duy trì song song các tài liệu cũ sẽ trở nên lạc hậu, thậm chí gây ra những hiểu nhầm không đáng có”, Nhà giáo Nguyễn Ngọc Hoà cho hay.

Sáp nhập tỉnh, sách giáo khoa cần điều chỉnh linh hoạt
Môn Giáo dục địa phương bị ảnh hưởng nhiều nhất khi thực hiện sáp nhập tỉnh. Ảnh minh hoạ

Không chỉ môn Giáo dục địa phương chịu tác động, theo ông Hoà, ngay cả trong các môn học như: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, những chi tiết liên quan đến địa danh, sự kiện, nhân vật cụ thể cũng cần được rà soát và cập nhật. “Các bài học giới thiệu về một tác giả quê ở tỉnh A, hay kể về một chiến công gắn với địa danh B, nếu không được hiệu chỉnh kịp thời, sẽ khiến học sinh bối rối khi đối chiếu với thực tế mới”, ông nêu ví dụ.

Cô Kiều Thị Hiền, giáo viên Địa tại Vĩnh Phúc chia sẻ, không dừng lại ở cái tên, sáp nhập tỉnh còn kéo theo việc tổ chức lại vùng kinh tế, điều chỉnh các số liệu thống kê, xác lập lại các trung tâm văn hóa, xã hội, kinh tế trọng điểm. Điều đó đồng nghĩa với việc nhiều nội dung trong sách giáo khoa Địa lý cũng cần được cập nhật tương ứng để không lạc nhịp với bước chuyển động của đất nước.

Tương tự, cô Nguyễn Thị Loan, giáo viên dạy Sử chia sẻ, Lịch sử địa phương gắn bó mật thiết với tên gọi hành chính. Nếu không cập nhật, học sinh sẽ khó hình dung đúng bối cảnh lịch sử, dẫn đến hiểu sai các sự kiện.

Linh hoạt thích nghi với những thay đổi

Với những thay đổi địa giới hành chính, việc điều chỉnh sách giáo khoa là tất yếu. Tuy nhiên, theo Nhà giáo Nguyễn Ngọc Hoà, một chu kỳ sử dụng sách giáo khoa thường kéo dài hàng chục năm, ảnh hưởng đến nhiều thế hệ học sinh. Nếu chỉ vì những thay đổi địa giới hành chính mà phải thay toàn bộ sách giáo khoa ngay lập tức, chi phí xã hội sẽ rất lớn. Vì vậy, giải pháp khả thi và hợp lý nhất là rà soát, bổ sung, hiệu chỉnh linh hoạt những phần nội dung chịu tác động trực tiếp, thay vì biên soạn mới toàn bộ chương trình.

Sáp nhập tỉnh, sách giáo khoa cần điều chỉnh linh hoạt
Giáo viên cần nhanh nhạy cập nhật thông tin, chủ động điều chỉnh cách tiếp cận bài học cho học sinh. Ảnh: Quỳnh Anh

Ông cho rằng, trong thực tiễn giáo dục, giáo viên chính là lực lượng đầu tiên cảm nhận rõ sự bất cập khi giảng dạy nội dung không còn phù hợp với thực tế. Họ cũng là những người sáng tạo và linh hoạt nhất trong việc điều chỉnh, bổ sung để bảo đảm bài học luôn gần gũi, cập nhật. Tuy nhiên, việc “mỗi nơi mỗi cách” là điều cần tránh, bởi giáo dục đòi hỏi tính thống nhất cao.

“Để xử lý vấn đề này một cách căn cơ, vai trò của các Sở Giáo dục và Đào tạo, cùng các đơn vị biên soạn sách giáo khoa là hết sức quan trọng. Một quy trình rà soát nội dung cần được triển khai ngay từ bây giờ, trên tinh thần chủ động đi trước một bước. Những tài liệu thống nhất, có tính chuẩn mực, cập nhật đầy đủ thông tin về địa giới, lịch sử, địa lý địa phương mới cần được xây dựng, ban hành đồng bộ tới từng nhà trường, từng giáo viên”, ông Hoà nhấn mạnh.

Ở cấp độ vĩ mô, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ban hành hướng dẫn chi tiết về việc điều chỉnh nội dung giáo dục địa phương và các môn học liên quan sau sáp nhập tỉnh. Đồng thời, các nhà xuất bản sách giáo khoa cần chủ động phối hợp với địa phương để cập nhật các thay đổi, in ấn tài liệu bổ sung hoặc phát hành các phụ lục kèm theo sách hiện hành.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn quá độ, sự linh hoạt và chủ động từ phía giáo viên đóng vai trò then chốt. “Không thể đợi sách mới mới dạy đúng, mỗi giáo viên cần nhanh nhạy cập nhật thông tin, chủ động điều chỉnh cách tiếp cận bài học. Thậm chí, trong những trường hợp cần thiết, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh phân biệt giữa “tên cũ” và “tên mới”, giúp các em hiểu được quá trình chuyển biến của quê hương mình theo dòng chảy phát triển đất nước”, Nhà giáo Nguyễn Ngọc Hoà khuyến nghị.

Cô Nguyễn Thị Loan đề xuất: “Giáo viên cần được tập huấn cụ thể về cải cách hành chính, địa lý hành chính mới. Có như vậy, việc truyền đạt cho học sinh mới chính xác, nhất quán và không gây hoang mang”.

Theo các chuyên gia giáo dục, việc điều chỉnh sách giáo khoa không chỉ là một động tác kỹ thuật. Ở tầm sâu hơn, đó là cách giáo dục truyền tải một thông điệp mạnh mẽ về sự vận động không ngừng của đất nước, về tinh thần cải cách hành chính, về khát vọng vươn lên của các địa phương trong tiến trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa.

Nhìn rộng hơn, đây cũng là dịp để mỗi địa phương tái định vị bản sắc văn hóa, lịch sử của mình trong một bối cảnh mới rộng lớn hơn. Từ những đơn vị hành chính mới, những dòng chảy văn hóa, kinh tế, xã hội sẽ giao thoa, kết tinh, tạo ra những giá trị mới, những động lực mới cho phát triển. Và giáo dục, với vai trò dẫn dắt thế hệ tương lai, phải là người bạn đồng hành nhạy bén và sáng tạo trong hành trình này.

Nhà giáo Nguyễn Ngọc Hoà: Chỉnh sửa sách giáo khoa sau sáp nhập tỉnh, không chỉ là trách nhiệm, mà còn là cơ hội để hệ thống giáo dục Việt Nam thể hiện năng lực thích ứng nhanh nhạy, khẳng định tinh thần cải cách, và quan trọng hơn cả, giữ cho những bài học trên lớp luôn thấm đẫm hơi thở cuộc sống, luôn là cánh cửa mở ra chân trời mới cho học sinh.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục