Quý IV 'đổ nát' của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình: Thượng tầng lục đục, lỗ kỷ lục nghìn tỷ đồng

(Banker.vn) Quý IV/2022 vừa qua, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình bất ngờ báo lỗ sau thuế hơn 1.200 tỷ đồng, trái ngược khoản lợi nhuận 18 tỷ đồng cùng kỳ, và là khoản thua lỗ nặng nhất trong lịch sử hoạt động.
Quý IV 'đổ nát' của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình: Thượng tầng lục đục, lỗ kỷ lục nghìn tỷ đồng
Lũy kế cả năm, mặc dù doanh thu của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vẫn tăng trưởng 20%, đạt hơn 14.000 tỷ đồng. Thế nhưng, loạt chi phí đổ ập khiến doanh nghiệp lỗ sau thuế 1.140 tỷ đồng.

Sau nhiều tuần chậm nộp và bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) liên tục nhắc nhở, mới đây, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2022, với kết quả kinh doanh "bi đát".

Ba tháng cuối năm, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu hơn 3.200 tỷ đồng, giảm 16% cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do kinh doanh dưới giá vốn, doanh nghiệp lỗ gộp hơn 400 tỷ đồng, trong khi quý IV/2021 lãi gộp 265 tỷ đồng.

Quý này, hoạt động tài chính của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng rất sa sút, doanh thu tài chính âm hơn 100 tỷ đồng do doanh nghiệp bán lỗ khoản đầu tư; còn chi phí lãi vay tăng gấp đôi lên mức 163 tỷ đồng.

Thêm vào đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh gấp 3,5 lần, lên 500 tỷ đồng, do trích lập dự phòng phải thu khó đòi tiếp tục là gánh nặng đè lên vai Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.

Kết quả, nhà thầu xây dựng top đầu Việt Nam báo lỗ sau thuế hơn 1.200 tỷ đồng, trái ngược khoản lợi nhuận 18 tỷ đồng cùng kỳ, và là khoản thua lỗ nặng nhất trong lịch sử hoạt động.

Lũy kế cả năm, mặc dù doanh thu của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vẫn tăng trưởng 20%, đạt hơn 14.000 tỷ đồng. Thế nhưng, loạt chi phí đổ ập khiến doanh nghiệp lỗ sau thuế 1.140 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên doanh nghiệp chịu lỗ kể từ khi lên sàn vào năm 2006.

Tổng tài sản của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đạt gần 17.000 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2022, tăng nhẹ so với đầu năm. Tiền mặt và các khoản tiền gửi giảm từ gần 800 tỷ đồng xuống còn hơn 500 tỷ đồng.

Các khoản phải thu ngắn hạn tăng từ 11.500 tỷ đồng lên 12.100 tỷ đồng. Công ty phải dự phòng khoản phải thu ngắn khó đòi 774 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Các khoản phải thu dài hạn cũng tăng từ 83 tỷ đồng lên 102 tỷ đồng.

Công ty có 2.365 tỷ đồng hàng tồn kho, không có nhiều thay đổi so với đầu năm 2022 và đang phải dự phòng hơn 30 tỷ đồng cho khoản này. Trong đó chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang cuối kỳ (1.562 tỷ đồng), nguyên vật liệu xây dựng (551 tỷ đồng).

Về nguồn vốn, nợ phải trả chiếm 14.282 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với đầu năm. Khoản tăng chủ yếu là phải trả người bán ngắn hạn (từ 3.649 tỷ đồng lên 4.738 tỷ đồng), vay nợ ngắn hạn (từ 4.699 tỷ đồng lên 5.100 tỷ đồng), vay nợ dài hạn (từ 398 tỷ đồng lên 1.030 tỷ đồng).

Như vậy, tổng cộng Hoà Bình đang vay nợ hơn 6.100 tỷ đồng. Các khoản vay chủ yếu là từ các ngân hàng, còn có hơn 960 tỷ đồng trái phiếu có thời gian đáo hạn vào 2025, 2026.

Những ngày cuối năm 2022, đầu năm 2023 Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình trở thành tâm điểm của dư luận và giới đầu tư chứng khoán, với nhiều diễn biến xoay quanh cuộc "nội chiến" tranh chấp quyền lực đầy bất ngờ tại nhà thầu xây dựng hàng đầu Việt Nam này.

Nguồn cơn từ việc ông Lê Viết Hải nộp đơn từ nhiệm Chủ tịch HĐQT, sau đó thay đổi ý định vào phút cuối dẫn đến bất đồng nội bộ kéo dài hơn 1 tháng với hàng loạt tình tiết bất ngờ diễn ra.

Cuối tháng 1, Cục Thi hành án dân sự TP. HCM đã buộc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình tạm dừng thi hành Nghị quyết số 50 và 51, hai nghị quyết dẫn tới sự xung đột liên quan tới vị trí đứng đầu công ty. Ông Lê Viết Hải tiếp tục giữ chức danh Chủ tịch HĐQT và người đại diện theo pháp luật của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.

Thanh Phong

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán