Quản lý thị trường Hà Nam: Nỗ lực làm tốt vai trò “gác cổng” thị trường

(Banker.vn) Năm 2023, Quản lý thị trường tỉnh Hà Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của những người “gác cổng” về thương mại, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh.
Bổ nhiệm ông Nguyễn Anh Tuấn giữ chức vụ Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nam Hà Nam: Phát hiện kho chứa hơn 6 tấn nội tạng, mỡ động vật bẩn Ngăn chặn thực phẩm bẩn dịp Tết - câu chuyện không hề cũ

Tập trung kiểm tra mặt hàng trọng điểm

Dù là địa phương nhỏ nhưng tỉnh Hà Nam lại là địa bàn trung chuyển hàng hóa của các tỉnh, thành phố lân cận, do vậy, trong năm 2023, hoạt động buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng cấm, vi phạm về an toàn thực phẩm... vẫn diễn ra ở cả thành thị và nông thôn.

Nhận diện được những thách thức này, ngay từ những ngày đầu năm 2022, Cục Quản lý thị trường Hà Nam đã triển khai kế hoạch thực hiện nhiệm vụ công tác quản lý thị trường, tập trung vào công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm nhằm ổn định thị trường. Đặc biệt chú trọng tăng cường công tác quản lý địa bàn, nắm tình hình cũng như có sự phân công quản lý để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.

Chính vì vậy, trong năm 2023, Quản lý thị trường Hà Nam đã kiểm tra 1.019 vụ, xử lý 741 vụ vi phạm, số tiền thu nộp ngân sách trên 2,6 tỷ đồng. Đáng chú ý, Cục đã chuyển cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khởi tố vụ án hình sự là 6 vụ.

Quản lý thị trường Hà Nam: Nỗ lực làm tốt vai trò “gác cổng” thị trường
Quản lý thị trường Hà Nam phối hợp kiểm tra phát hiện Công ty TNHH khoa học kỹ thuật Vĩnh Phát đang thực hiện hoạt động đóng gói và các hoạt động khác làm ra thuốc lá điện tử

Để có được kết quả này, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nam cho biết, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh đã phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các lực lượng chức năng địa phương như Công an, Hải quan... tăng cường các hoạt động kiểm tra, nắm bắt địa bàn; từ đó chủ động cac giải pháp đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, đã có rất nhiều vụ việc lớn được phát hiện và thu giữ số lượng hàng hóa tang vật.

Điển hình, đầu tháng 10/2023, Quản lý thị trường Hà Nam đã phối hợp kiểm tra đột xuất Công ty TNHH khoa học kỹ thuật Vĩnh Phát (Khu công nghiệp Châu Sơn, phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý) và phát hiện công ty này đang thực hiện hoạt động đóng gói và các hoạt động khác làm ra thuốc lá điện tử. Kiểm đếm thực tế, lực lượng chức năng phát hiện 108.782 sản phẩm thuốc lá điện tử (POD) các loại, gần 1,2 tấn vỏ hộp, 16kg dung môi tẩy rửa, 02 máy hàn nhiệt, 01 máy đóng màng túi nilon, 10kg giấy nhám và100kg túi nilon,... Xét thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm, lực lượng Quản lý thị trường đã chuyển toàn bộ hồ sơ và tang vật vụ việc đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Nam để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Quản lý thị trường Hà Nam: Nỗ lực làm tốt vai trò “gác cổng” thị trường
Lực lượng chức năng kiểm tra, thu giữ số thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại hộ kinh doanh do Hoàng Thị Tính, Hà Nam. Ảnh Lê Phượng

Hay mới đây, ngày 22/12/2023 liên quan đến an toàn thực phẩm, Quản lý thị trường tỉnh đã phối hợp kiểm tra hộ kinh doanh do bà Hoàng Thị Tính (SN 1972) làm chủ có địa chỉ tại xóm 3, xã Nhật Tựu, huyện Kim Bảng. Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện và lập biên bản tạm giữ gần 2,5 tấn nông sản là măng củ, măng lá... được chủ cơ sở này đựng trong các thùng phi, chất đống trong kho và trên sân, không có biện pháp bảo quản, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; trong đó nhiều thùng phi chứa măng đã bốc mùi, hôi chua nồng nặc.

Không chỉ tập trung “tấn công”, kiểm tra, rà soát những mặt hàng trọng điểm, nổi cộm mà Quản lý thị trường tỉnh còn tập trung kiểm tra các nhóm hàng hóa như: Xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng LPG... đặc biệt, các mặt hàng trên thương mại điện tử cũng được lực lượng tăng cường giám sát, kiểm tra.

Chính việc kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm của lực lượng Quản lý thị trường Hà Nam đã góp phần xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính, bảo vệ nhãn hiệu hàng hoá được Nhà nước bảo hộ, tiếp tục xứng đáng là những người “gác cửa” thương mại của thị trường tỉnh.

Tiếp tục bám sát địa bàn, “đánh” trúng mục tiêu

Năm 2024 dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tiếp tục diễn biến phức tạp, để chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh tiếp tục tăng cường xác định đối tượng, tuyến đường, địa bàn, hàng hóa trọng điểm; tăng cường kiểm soát tại các khu vực ga đường sắt, các khu vực tập kết hàng hóa, các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại, đại lý, cửa hàng tạp hóa...

Đặc biệt, phân công rõ trách nhiệm quản lý, kiểm soát địa bàn cho từng kiểm soát viên quản lý địa bàn, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả công tác chuyên môn nhằm xây dựng nội bộ trong sạch, nâng cao năng lực công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức làm công tác đấu tranh chống buôn lậu.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, năm 2024, dự báo thị trường thương mại điện tử còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa, do vậy, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm trên môi trường thương mại điện tử sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Quản lý thị trường Hà Nam.

Bên cạnh hoạt động phối hợp với các cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử, Quản lý thị trường tỉnh cũng chủ động tìm kiếm, ứng dụng các giải pháp công nghệ để kiểm soát, ngăn chặn hành vi lợi dụng sàn thương mại điện tử, mạng xã hội để kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ” - ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.

Trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng, điều này càng đòi hỏi công tác Quản lý thị trường phải phát huy hơn nữa hiệu quả tích cực. Lại một mùa xuân mới đang đến, những người lính Quản lý thị trường, những “gác cổng” thương mại trên địa bàn tỉnh Hà Nam đang từng ngày phấn đấu, cống hiến, tiếp tục nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng, kiến tạo môi trường kinh doanh lành mạnh và lan tỏa hình ảnh tốt đẹp của người Quản lý thị trường trên mặt trận đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Hoàng Hòa

Theo: Báo Công Thương