Qua nửa năm mới hoàn thành 28% kế hoạch lợi nhuận, FCM quyết định hạ chỉ tiêu năm 2023

(Banker.vn) Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty CP Khoáng sản Fecon (HOSE: FCM) vừa thông qua quyết nghị về việc hạ chỉ tiêu kinh doanh năm 2023.
Qua nửa năm mới hoàn thành 28% kế hoạch lợi nhuận, FCM quyết định hạ chỉ tiêu năm 2023
Cổ đông FCM đã tăng khoảng 48% giá trị vốn đầu tư trong vòng 7 tháng đầu năm 2023. Trong khi đó, chỉ số VN-Index xét cùng giai đoạn chỉ tăng khoảng 17,3% lên 1.224 điểm.

Theo đó, FCM quyết định giảm kế hoạch doanh thu hợp nhất từ 600 tỷ đồng xuống 557 tỷ đồng (thấp hơn 7,16%) và giảm kế hoạch lợi nhuận sau thuế hợp nhất từ 22,5 tỷ đồng xuống 18 tỷ đồng (thấp hơn 20%). Như vậy, sau 3 tháng ĐHĐCĐ thông qua kế hoạch kinh doanh 2023, doanh nghiệp đã có sự điều chinh giảm khá mạnh.

Động thái nới chỉ tiêu của FCM diễn ra trong bối cảnh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không mấy tích cực. Cụ thể, đi qua 6 tháng đầu năm 2023, FCM ghi nhận doanh thu đạt 193 tỷ đồng, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhờ tiết giảm giá vốn, lợi nhuận sau thuế của FCM đạt 6,4 tỷ đồng, tăng 3 lần so với cùng kỳ. Tuy nhiên, với kết quả này, doanh nghiệp chỉ mới hoàn thành 28% chỉ tiêu lợi nhuận được ĐHĐCĐ giao phó.

Lưu ý rằng, các năm trở lại đây, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng này có xu hướng ghi nhận doanh thu, lợi nhuận lớn trong nửa cuối năm. Vì vậy, có thể thấy quan điểm khá thiếu tích cực của HĐQT FCM đối với thị trường vật liệu xây dựng nói riêng và thị trường bất động sản nói chung ở những tháng tới.

Trên thực tế, những biến động thời gian qua như khủng hoảng tiền tệ, cuộc xung đột Nga - Ukraine… đã gây thiệt hại lên nền kinh tế thế giới và trong nước, khiến nhiều ngành nghề bị tác động, trong đó nặng nề nhất là ngành bất động sản và vật liệu xây dựng.

Đối với ngành vật liệu xây dựng, theo một khảo sát của Vietnam Report, nhóm doanh nghiệp này hiện phải đương đầu với trở ngại kép đến từ “biến động giá nguyên vật liệu” và “tác động của suy thoái kinh tế”.

Vietnam Report cho rằng, mức độ ảnh hưởng của tác động suy thoái kinh tế dự báo lan rộng trong khoảng 1 đến 1,5 năm tới. Chính triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu không tích cực đã kéo theo sức cầu vật liệu xây dựng yếu.

Trong khi đó, tình hình trong nước với lĩnh vực bất động sản chưa có dấu hiệu hồi phục rõ ràng, tất yếu lại kéo theo sự hồi phục chậm chạp của doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng.

Dù vậy, doanh nghiệp cũng chưa thể gạt bỏ hoàn toàn gánh nặng biến động giá nguyên liệu đầu vào. Qua số liệu Bộ Xây dựng thống kê, giá vật liệu xây dựng năm 2023 có thể tiếp tục tăng 3,2%, do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng.

Mặt khác, sự bất cân xứng cung - cầu do tình trạng dư thừa nguồn cung cũng gây nên sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp. Đứng trước bối cảnh khó khăn, một số doanh nghiệp vật liệu xây dựng vẫn giữ thái độ thận trọng khi đánh giá triển vọng kinh doanh của ngành năm 2023.

Trên thang điểm 5, họ “chấm” lĩnh vực xi măng 2,8 điểm; gạch, đá ốp lát, sứ vệ sinh 2,9 điểm; lĩnh vực sắt, thép, tôn 3 điểm...

Trở lại với FCM, trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của doanh nghiệp vẫn thu hút sự quan tâm của giới đầu tư trong 6 tháng đầu năm 2023. Theo đó, cổ phiếu FCM tăng khá ổn định, chậm rãi từ mức 3.600 đồng/cp (kết phiên 30/12/2022) lên 5.300 đồng/cp (giá đóng cửa ngày 31/7).

Như vậy, cổ đông FCM đã tăng khoảng 48% giá trị vốn đầu tư trong vòng 7 tháng trở lại đây. Trong khi đó, chỉ số VN-Index xét cùng giai đoạn chỉ tăng khoảng 17,3% lên 1.224 điểm.

Năm 2023, FCM đưa ra chiến lược tập trung khai thác thị trường phía Bắc và Bắc Trung Bộ để tìm kiếm dự án mới. Bên cạnh đó, cải tiến tổ chức sản xuất và tìm kiếm cấp phối mới để giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh, ổn định chất lượng sản phẩm, đáp ứng đòi hỏi khắc khe của khách hàng.

Về kế hoạch đầu tư mở rộng, FCM sẽ tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng nhà máy bê tông Thái Hà và cảng Thái Hà và đề xuất đầu tư thêm 15 tỷ đồng thiết bị phục vụ sản xuất.

Cập nhật về tiến độ nhà máy bê tông Thái Hà, được biết đến cuối năm 2022, công tác giải phóng mặt bằng dự án đạt 78% kế hoạch, và việc thỏa thuận với người dân đã gặp không ít khó khăn.

Đặc điểm của dự án đền bù này là doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân, không phải Nhà nước thu hồi đất giao cho doanh nghiệp. Hơn nữa, chính quyền địa phương đang tập trung đền bù 200 ha của khu công nghiệp Thái Hà bên cạnh.

Thanh Phong

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán