PMI Trung Quốc bất ngờ giảm trong tháng 10

(Banker.vn) Một cuộc khảo sát chính thức của các nhà máy cho thấy hoạt động sản xuất của Trung Quốc bất ngờ giảm trong tháng 10, nhấn mạnh thách thức mà các nhà hoạch định chính sách đang phải đối mặt khi cố gắng tạo ra sự phục hồi kinh tế bền vững.

Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia cho thấy, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) Trung Quốc trong tháng 10 ghi nhận 49,5 điểm, giảm từ mức 50,2 điểm trong tháng 9, thấp hơn mức dự báo. Trong đó, chỉ số PMI phi sản xuất cũng giảm xuống 50,6 điểm từ mức 51,7 trong tháng 9, cho thấy hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ và xây dựng đang chậm lại.

Xu Tianchen, nhà kinh tế cấp cao của Economist Intelligence Unit, cho biết: “Dữ liệu PMI yếu có thể phản ánh một số điểm yếu về nhu cầu liên quan đến sự sụt giảm nhà ở và chi tiêu cơ sở hạ tầng chậm lại”. Ông nói thêm: “Mặc dù có những dấu hiệu xuất khẩu chạm đáy, nhưng sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu bên ngoài có lẽ khó có thể đạt được”.

Cả đơn đặt hàng xuất khẩu và nhập khẩu mới đều giảm trong 8 tháng liên tiếp, cho thấy các nhà sản xuất đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm người mua ở nước ngoài và ít linh kiện được đặt hàng dùng trong thành phẩm để tái xuất khẩu.

PMI Trung Quốc bất ngờ giảm trong tháng 10

Các chỉ số gần đây cho thấy những dấu hiệu ổn định đáng khích lệ ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, được hỗ trợ bởi một loạt các biện pháp chính sách, mặc dù cuộc khủng hoảng tài sản kéo dài và nhu cầu toàn cầu yếu vẫn là những trở ngại lớn.

Dan Wang, nhà kinh tế trưởng tại Hang Seng Bank China, cho biết: “Do PMI là một chỉ số theo tháng, con số giảm trong tháng 10 không phản ánh nhiều sự thay đổi về cầu mà là sự điều chỉnh về nguồn cung”.

“Sản xuất trong tháng 9 rõ ràng tốt hơn so với các tháng trước do nhu cầu trong nước được cải thiện, khiến giá công nghiệp giảm. Vào tháng 10, chúng tôi đã chứng kiến những ​​nỗ lực trong lĩnh vực công nghiệp buộc phải cắt giảm nguồn cung để đối phó với tình trạng lợi nhuận bị thu hẹp”.

Kể từ tháng 6, các nhà hoạch định chính sách đã công bố một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng, bao gồm cắt giảm lãi suất ở mức khiêm tốn, tăng cường bơm tiền mặt và kích thích tài khóa tích cực hơn.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng có thể cần thêm hỗ trợ chính sách để đảm bảo nền kinh tế đạt được mục tiêu tăng trưởng hàng năm khoảng 5% mà Bắc Kinh đặt ra.

Nomura, JPMorgan và Moody's Analytics đều nâng triển vọng tăng trưởng năm 2023 sau dữ liệu quý III khả quan hơn dự kiến.

Cơ quan quốc hội hàng đầu của Trung Quốc tuần trước đã phê duyệt đợt phát hành trái phiếu chính phủ trị giá 1.000 tỷ nhân dân tệ (137 tỷ USD) trong quý IV và thông qua dự luật cho phép chính quyền địa phương ứng trước một phần hạn ngạch trái phiếu năm 2024 của họ để hỗ trợ đầu tư và tăng trưởng kinh tế.

Và đầu tháng này, ngân hàng trung ương đã bơm khoản hỗ trợ tiền mặt lớn nhất kể từ cuối năm 2020 thông qua các khoản vay chính sách ngắn hạn để cho phép các ngân hàng gia hạn tín dụng cũng như giữ lãi suất ở mức thấp.

137 tỷ USD trái phiếu mới của Trung Quốc sẽ giúp phục hồi kinh tế?

Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Zhu Zhongming cho biết hôm 25/10, rằng lượng trái phiếu chính phủ mới của Trung Quốc sẽ giúp thúc ...

Trung Quốc: Lợi nhuận ngành công nghiệp tháng 9 tiếp tục tăng trưởng 2 con số

Lợi nhuận tại các công ty công nghiệp Trung Quốc đã kéo dài mức tăng tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 9, bổ sung ...

Reuters: Khủng hoảng bất động sản ở Việt Nam sẽ không trầm trọng như Trung Quốc

Theo Reuters, mặc dù nguy cơ khủng hoảng tín dụng lan rộng đã được ngăn chặn nhưng 2023 vẫn tiếp tục là một năm khó ...

Mộc Trà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán