Phối hợp đồng bộ các giải pháp trong đẩy lùi “tín dụng đen”

(Banker.vn) Thời gian qua, NHNN đã hoàn thiện khung khổ pháp lí về hoạt động cho vay, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ trực tuyến, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều quy định để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức, hỗ trợ hoạt động vay vốn của người dân, doanh nghiệp. NHNN cũng thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tài chính, tín dụng mở rộng, đa dạng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa kí ban hành Công điện số 766/CĐ-TTg ngày 24/8/2023 về việc tăng cường các giải pháp phòng, ngừa, ngăn chặn, xử lí hoạt động “tín dụng đen”. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an ứng dụng dữ liệu dân cư đẩy mạnh công tác rà soát, xác thực các tài khoản ngân hàng, xử lí triệt để tình trạng sử dụng tài khoản "ảo" để hoạt động "tín dụng đen".

Thời gian gần đây, “tín dụng đen” diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, biến tướng, lợi dụng công nghệ cao, núp bóng doanh nghiệp thực hiện các hành vi cho vay, đòi nợ trái pháp luật gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự. Nguyên nhân chủ yếu do một bộ phận người dân vì nhiều lí do khác nhau có nhu cầu vay vốn không cần thế chấp tài sản; công tác tuyên truyền, phổ biến về phương thức, thủ đoạn, hậu quả của "tín dụng đen" còn hạn chế, hiệu quả chưa cao; công tác quản lí nhà nước một số lĩnh vực còn có sơ hở, thiếu sót để các đối tượng xấu lợi dụng hoạt động...
 

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân qua các kênh chính thức

Thời gian qua, NHNN đã hoàn thiện khung khổ pháp lí về hoạt động cho vay, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ trực tuyến, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều quy định để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức, hỗ trợ hoạt động vay vốn của người dân, doanh nghiệp. NHNN cũng thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tài chính, tín dụng mở rộng, đa dạng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

NHNN và Bộ Công an đã phối hợp tích cực, chặt chẽ, triển khai nhiều giải pháp trong công tác đấu tranh, phòng ngừa tội phạm trong hoạt động ngân hàng cũng như hoạt động liên quan đến “tín dụng đen” và triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030 (Đề án số 06). Theo đó, NHNN và Bộ Công an đã kí kết Kế hoạch triển khai các nhiệm vụ tại Đề án (Kế hoạch 01) ngày 24/4/2023 với 11 nhiệm vụ lớn được chi tiết hóa từng nội dung công việc gồm: Làm sạch dữ liệu khách hàng, xác minh khách hàng, giải pháp chấm điểm tín dụng... Chính vì vậy, việc triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Kế hoạch 01 có ý nghĩa quan trọng, góp phần thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 766/CĐ-TTg. Với mục đích đề ra giải pháp để công dân yếu thế được tiếp cận nhanh nguồn vốn chính thống, lãi suất phù hợp, giảm thiểu tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”, Bộ Công an đã giao Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (CCCD) thuộc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư xây dựng giải pháp đánh giá khả tín khách hàng vay.

Theo Vụ Thanh toán - NHNN, đối với nhiệm vụ làm sạch dữ liệu khách hàng của các tổ chức tín dụng (TCTD), đã có 24 TCTD liên hệ, phối hợp với Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) - Bộ Công an; 42 TCTD đã và đang triển khai ứng dụng thẻ CCCD gắn chíp, trong đó có 04 TCTD có báo cáo về việc hoàn thành kết nối kĩ thuật, tiến hành đàm phán, kí kết hợp đồng. Một số TCTD đã và đang liên hệ triển khai ứng dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử (VNeID); 03 TCTD đang phối hợp với C06 - Bộ Công an thí điểm dịch vụ chấm điểm tín dụng. Bên cạnh đó, các TCTD cũng đang tích cực triển khai các nhiệm vụ khác được giao tại Kế hoạch 01 như: Chi trả an sinh xã hội; đào tạo, phổ biến kiến thức nhận biết thẻ CCCD thật/giả, thiết bị chuyên dụng... Được sự hỗ trợ của Bộ Công an, NHNN đã làm sạch toàn bộ trên 42 triệu dữ liệu khách hàng đủ điều kiện xác thực trong cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGvDC). Đây là bước khởi đầu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để ngành Ngân hàng tiếp tục phối hợp, khai thác ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng.

Nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vốn ngân hàng cho người dân, doanh nghiệp, ngày 28/6/2023, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (Thông tư số 06). Thông tư số 06 đã bổ sung thêm 01 mục riêng quy định cụ thể về hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử của TCTD đối với khách hàng và sửa đổi, bổ sung một số điều khoản khác để phù hợp hình thức cho vay này nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho TCTD trong việc triển khai hoạt động cho vay bằng phương tiện điện tử đảm bảo an toàn, hiệu quả. Điều này cũng phù hợp với quy định tại Luật Các TCTD năm 2010 (đã được sửa đổi, bổ sung) và định hướng, chủ trương chuyển đổi số của ngành Ngân hàng tại Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của Thống đốc NHNN phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Thông tư số 06 sẽ thúc đẩy các TCTD ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số hơn nữa vào hoạt động cho vay, từ đó rút ngắn quy trình, thủ tục, khách hàng vay không phải đến ngân hàng, rất dễ dàng và thuận lợi để tiếp cận các khoản vốn vay với thời gian nhanh hơn, thuận tiện hơn. Đây là những quy định sẽ tạo ra những tín hiệu tích cực cho việc phát triển hoạt động cho vay tiêu dùng và hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Để kiểm soát nguồn dữ liệu định danh trong hoạt động định danh khách hàng điện tử (eKYC) phục vụ việc cho vay bằng phương tiện điện tử, NHNN quy định cho phép TCTD triển khai eKYC khách hàng vay vốn dựa trên việc khai thác dữ liệu định danh cá nhân được xác thực bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc với CSDLQGvDC, Cơ sở dữ liệu quốc gia về căn cước công dân (CSDLQGvCCCD) hoặc bởi tổ chức cung cấp dịch vụ xác thực điện tử theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.

Việc cho phép tiếp cận, khai thác thông tin khách hàng từ CSDLQGvDC và CSDLQGvCCCD gia tăng nguồn thông tin chính thống rất có giá trị cho TCTD, đảm bảo hoạt động eKYC lành mạnh, minh bạch, an toàn, phòng ngừa kịp thời rủi ro gian lận, rửa tiền, tội phạm, tiết kiệm chi phí và nguồn lực xã hội; đồng thời, cũng phù hợp mục tiêu nghiên cứu, triển khai rộng rãi việc ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử rộng rãi vào các lĩnh vực tài chính, hoạt động ngân hàng (trong đó có hoạt động cho vay) đã được đặt ra tại Đề án số 06, cũng như phương án, lộ trình NHNN, các TCTD đang tích cực phối hợp Bộ Công an (cơ quan chủ quản) để kết nối khai thác CSDLQGvDC, CSDLQGvCCCD, VNeID, thử nghiệm giải pháp triển khai xác minh khách hàng, làm sạch dữ liệu và hỗ trợ đánh giá khách hàng trong dịch vụ ngân hàng. Ngoài ra, Thông tư số 06 cũng quy định cơ chế cho phép triển khai việc eKYC dựa trên việc khai thác thông tin đã được eKYC bởi TCTD khác (tương tự eKYC mở tài khoản thanh toán). Như vậy, các nguồn dữ liệu để đối chiếu được quy định tại Thông tư số 06 rất đa dạng, mang tính chính thống và đáng tin cậy, là nền tảng quan trọng đảm bảo hoạt động eKYC an toàn, lành mạnh, kịp thời phòng ngừa rủi ro gian lận.

Bên cạnh đó, Thông tư số 06 bổ sung quy định TCTD được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại TCTD khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống. Trước đó, tại Thông số 39/2016/TT-NHNN, khách hàng chỉ được vay để trả nợ khoản vay tại TCTD khác đối với khoản vay phục vụ sản xuất, kinh doanh, không áp dụng đối với khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống. Việc mở rộng quy định cho khách hàng trả nợ tại TCTD khác áp dụng đối với cả khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh và nhu cầu đời sống sẽ tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận thêm các vốn tín dụng ngân hàng, có thêm cơ hội lựa chọn dịch vụ và tiện ích tốt hơn tại các TCTD khác (nếu có).

Đơn cử như trường hợp một khách hàng cá nhân đang có dư nợ của khoản vay mua nhà tại một ngân hàng A. Tuy nhiên, khách hàng nhận thấy tại ngân hàng B, cùng khoản vay mua nhà như vậy lãi suất cho vay thấp hơn so với ngân hàng A; đồng thời nếu khách hàng vay vốn sẽ được hưởng thêm ưu đãi đối với một số các dịch vụ khách tại ngân hàng B. Theo đó, với quy định này, khách hàng hoàn toàn có thể đến ngân hàng B đề xuất nhu cầu vay vốn để trả nợ trước hạn cho khoản vay mua nhà mà khách hàng đang vay tại ngân hàng A. Như vậy, khách hàng dễ dàng tiếp cận khoản vay mới với mức chi phí thấp hơn, được tiếp cận và sử dụng thêm các dịch vụ mới.

Về phía các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính vi mô (TCVM), quỹ tín dụng nhân dân, Ngân hàng Chính sách xã hội, các công ty tài chính tiêu dùng đã mở rộng mạng lưới, đa dạng sản phẩm, dịch vụ, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tục cho vay đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp và mọi tầng lớp dân cư. Điều này góp phần tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người lao động ở các khu công nghiệp, những người có thu nhập thấp.

Chẳng hạn, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đã triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng 5 nghìn tỉ đồng, khách hàng có nhu cầu vay vốn chính đáng được giải ngân ngay trong ngày với số tiền cho vay tối đa 30 triệu đồng, không cần tài sản thế chấp…

Thực hiện chính sách an sinh xã hội, ngày 04/10/2002 Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tiếp đó, ngày 11/3/2003, Ngân hàng Chính sách xã hội chính thức hoạt động để cấp vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Với việc triển khai đến 100% thôn, xóm, bản, làng, tổ dân phố trên toàn quốc, nguồn vốn vay tín dụng chính sách đã mang lại sinh kế, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy bình đẳng giới, đồng thời góp phần ngăn chặn các tệ nạn cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, giúp đảm bảo an sinh, trật tự và an toàn xã hội tại các địa phương, nhất là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Phối hợp đồng bộ các giải pháp trong đẩy lùi “tín dụng đen”

Thời gian tới, NHNN cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng; chỉ đạo các TCTD đa dạng các loại hình cho vay, phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, quản lí hoạt động của các TCTD, trung gian thanh toán, các ví điện tử không để các đối tượng móc nối hoạt động "tín dụng đen", kịp thời xử lí các vi phạm theo quy định. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong triển khai Đề án số 06, hướng dẫn các TCTD trong việc khai thác CSDLQGvDC, CSDLQGvCCCD trong công tác rà soát, xác thực các tài khoản ngân hàng, phối hợp xử lí tình trạng sử dụng tài khoản "ảo" để hoạt động "tín dụng đen".

Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành liên quan đẩy mạnh các giải pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân; khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, xử lí nghiêm hoạt động "tín dụng đen"…

Phía ngành Ngân hàng, cần đẩy mạnh truyền thông, phổ biến danh sách các TCTD, TCVM được NHNN cấp phép hoạt động và quản lí, để khách hàng hiểu được và không “đánh đồng” công ty tài chính với các công ty cho vay qua các ứng dụng, môi trường mạng và “tín dụng đen”; truyền thông rộng rãi, chính thống tới người dân về nghĩa vụ trả nợ, những rủi ro khi vay không trả đúng hạn; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách, sản phẩm tín dụng để người dân yên tâm, tiếp cận tài chính tiêu dùng từ các TCTD và TCVM được NHNN cấp phép, qua đó tránh được nạn “tín dụng đen”.

Ở tầm vĩ mô, Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lí đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của cả bên cho vay và đi vay, cần có hành lang pháp lí phù hợp hơn đối với các tổ chức cho vay phi ngân hàng, đồng thời có chế tài mạnh hơn với khách hàng vay cố tình chây ỳ trả nợ. Bộ Luật Dân sự cần được sửa đổi để có sự đồng bộ với quy định của Luật Các TCTD. Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng. Từ đó có thêm cơ sở pháp lí quản lí các công ty công nghệ tài chính (Fintech) cung cấp dịch vụ cho vay.

Ngoài ra, để ngăn ngừa “tín dụng đen”, cần tăng cường vai trò của TCVM - đây chính là những “con lạch nhỏ” có thể đi sâu vào những ngóc ngách mà nhiều khi các ngân hàng thương mại khó chạm tới được trong cung cấp sản phẩm, dịch vụ tài chính cho người dân vùng sâu, vùng xa, với những đối tượng yếu thế trong xã hội.

Về phía cơ quan quản lí nhà nước và chính quyền địa phương: Cần tiếp tục xây dựng, ban hành các quy định để tạo điều kiện liên kết hoạt động của các loại hình TCTD với hoạt động của các tổ chức TCVM; đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận đăng kí các chương trình, dự án TCVM đang hoạt động; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục triển khai hoạt động TCVM và tập trung nguồn vốn dành cho TCVM; hỗ trợ các chương trình, dự án TCVM, tổ chức TCVM được cấp phép tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi khác, được hưởng nguồn vốn dành cho xóa đói, giảm nghèo từ các tổ chức, cá nhân; xây dựng chính sách khuyến khích phát triển TCVM trong kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế của đất nước.

Để phát triển tín dụng vi mô, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu phát triển sâu rộng tín dụng vi mô trên cơ sở tổ chức lại hoạt động họ/hụi/phường tại các địa phương. Cơ sở pháp lí cho đề xuất này là do pháp luật đã công nhận sự tồn tại hợp pháp của họ/hụi/phường trong Bộ luật Dân sự và Nghị định số 144/2006/NĐ-CP ngày 27/11/2006 của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường. Tuy nhiên, để áp dụng trong thực tiễn, cần cụ thể hóa các điều luật này bằng các văn bản dưới luật thông qua việc chính thức cho phép họ/hụi/phường đăng kí hoạt động tại địa bàn cụ thể theo các quy định của pháp luật.

Đồng thời, để dễ dàng kiểm soát, cần hình thành, tổ chức các vệ tinh/đại lí của tổ chức TCVM địa phương. Làm như vậy một mặt tạo điều kiện cho các tổ chức TCVM tận dụng mạng lưới khách hàng sẵn có, giải quyết bài toán hạn hẹp về nguồn quỹ hoạt động, mặt khác đưa các hoạt động họ/hụi/phường đang tồn tại ở địa phương vào khuôn khổ, tránh các biến tướng xấu như trong thời gian qua.

Ngoài ra, cần vận động các chủ hụi tự nguyện tham gia với vai trò thành viên hoặc cộng tác viên cho tổ chức TCVM địa phương. Tổ chức TCVM địa phương cần nghiên cứu kĩ các hình thức tổ chức họ/hụi/phường được quy định trong Nghị định số 144/2006/NĐ-CP, kết hợp với tìm hiểu cách thức tổ chức các loại họ/hụi/phường trong thực tế địa phương để vận dụng cho thích hợp. Trong đó, cần quan tâm đến mức lãi suất vì đây là yếu tố chính thu hút người dân tham gia.
 
Tài liệu tham khảo

1. Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2030.
2. Thông tư số 06/2023/TT-NHNN ngày 28/6/2023 của Thống đốc NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
3. Công điện số 766/CĐ-TTg ngày 24/8/2023 về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lí hoạt động “tín dụng đen”.
4. https://bocongan.gov.vn
 
 
Thanh Thúy
Hà Nội
Theo: Tạp chí Ngân hàng