Nhận lời mời của Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Nikkei Tsuyoshi Hasebe, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái sẽ tham dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 29 và thăm làm việc tại Nhật Bản từ ngày 22-25/5/2024.
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao, Hội nghị Tương lai châu Á là diễn đàn trao đổi chính sách uy tín, nơi lãnh đạo cấp cao các nước tham dự thảo luận thẳng thắn và cởi mở về các vấn đề nổi lên ở khu vực châu Á; các cơ hội, thách thức cho phát triển, an ninh, hòa bình và ổn định, từ đó định hình chính sách, đề xuất các ý tưởng hợp tác, các giải pháp tăng cường sự hiểu biết, thúc đẩy gắn kết nhằm nâng cao vị thế của châu Á trên thế giới, vì mục tiêu phát triển và thịnh vượng.
Với chủ đề "Lãnh đạo châu Á trong một thế giới bất định", Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 29 sẽ có sự tham gia của các diễn giả nổi tiếng như Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore Gan Kim Yong và Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái sẽ tham dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 29 và thăm làm việc tại Nhật Bản từ ngày 22-25/5/2024. Ảnh: VGP |
Theo lịch trình dự kiến, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tham dự và có bài phát biểu, trao đổi tại Hội nghị Tương lai châu Á; sẽ tiếp tục truyền tải thông điệp mạnh mẽ về hình ảnh Việt Nam là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của ASEAN, của khu vực và của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển; đồng thời tái khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam về bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, tiếp tục là điểm đến an toàn cho các tập đoàn trong bối cảnh thế giới bất định như chủ đề của hội nghị năm nay.
Đánh giá về sự đóng góp tích cực của Việt Nam tại Hội nghị Tương lai châu Á, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu cho biết, Việt Nam bắt đầu tham dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 15 từ năm 2009 và liên tục cử đoàn cấp cao tham dự sự kiện từ đó đến nay. Sự tham gia tích cực và đóng góp liên tục của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam cho thành công của Hội nghị trong 15 năm qua được Ban tổ chức, các đại biểu và phía Nhật Bản đánh giá cao.
“Việc tham gia một diễn đàn quan trọng như Hội nghị Tương lai châu Á không chỉ giúp Việt Nam nắm bắt kịp thời các xu thế, chuyển biến và định hướng phát triển mới mà còn là cơ hội để chia sẻ rộng rãi về tư duy phát triển, quản trị và đóng góp của Việt Nam trong giải quyết các vấn đề chung của khu vực và thế giới” - Đại sứ Phạm Quang Hiệu đánh giá và khẳng định, Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của châu Á và thế giới, luôn mong muốn chung tay cùng các nước trong nỗ lực duy trì và thúc đẩy hoà bình, ổn định và phát triển, cùng xây dựng một châu Á ngày càng tốt đẹp hơn.
Chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam tới Nhật Bản sau khi hai nước thiết lập khuôn khổ quan hệ mới. Ảnh minh họa |
Trong quan hệ hai nước Việt Nam - Nhật Bản, từ ngày 21/9/1973 hai bên đã thiết lập quan hệ ngoại giao. Đặc biệt, từ năm 1992 sau khi Nhật Bản chính thức quyết định mở lại các hoạt động viện trợ cho Việt Nam, quan hệ giữa hai nước không ngừng được mở rộng, sự hiểu biết, chân thành và tin cậy từng bước tăng lên.
Đáng chú ý, 2023 là một năm đầy cảm xúc của hai nước Việt Nam - Nhật Bản. Đây vừa là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao cũng là năm bản lề, mở ra chương mới trong quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam - Nhật Bản với việc lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”.
Có thể nói, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản là cặp quan hệ điển hình cho thành công trong hợp tác song phương của Việt Nam với các đối tác. Nhật Bản duy trì vị trí là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam khi là đối tác viện trợ ODA lớn nhất, đối tác lớn thứ hai về hợp tác lao động, thứ ba về đầu tư và du lịch, thứ tư về thương mại.
Thông tin từ Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cũng cho thấy, Nhật Bản hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ và Hàn Quốc). Trong đó, Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc) đồng thời cũng là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 (chỉ sau Trung Quốc và Hàn Quốc) của Việt Nam.
Thống kê cho thấy kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước tăng đều qua các năm. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2020 đạt 40 tỷ USD; năm 2021 đạt 42,7 tỷ USD, năm 2022 đạt 47,6 tỷ USD, năm 2023 đạt 44,95 tỷ USD. Trong 3 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại hai nước đạt 11,2 tỷ USD, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản đạt 5,7 tỷ USD, tăng 6,3%, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Nhật Bản đạt 5,5 tỷ USD, tăng 4,2%.
Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của hai nước mang tính bổ sung rõ nét, không có sự cạnh tranh trực tiếp. Việt Nam chủ yếu sản xuất và xuất khẩu sang Nhật Bản các loại thủy sản, dầu thô, dệt may, dây điện và dây cáp điện, gỗ và sản phẩm gỗ, máy vi tính và linh kiện, than đá, giày dép các loại...
Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản các mặt hàng phục vụ sản xuất công nghiệp gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép các loại, vải các loại, linh kiện ô tô, chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày, kim loại... Có thể nhận thấy, nhiều mặt hàng mà Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu chính là những mặt hàng Việt Nam thế mạnh và tiềm năng để trở thành nguồn cung ứng chính cho Nhật Bản.
Đặc biệt, theo Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Nhật Bản hiện đang là đối tác ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương nhất với Việt Nam. Cụ thể: Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Những FTA này đã và đang tạo ra khuôn khổ hợp tác vô cùng quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư, kinh doanh giữa hai nước theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi.
Với những lợi thế nêu trên, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu tin rằng, chuyến công tác tham dự Hội nghị Tương lai châu Á và thăm, làm việc tại Nhật Bản của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái sẽ thúc đẩy thiết lập các cơ chế hợp tác mới giữa hai nước, nhất là trong các lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng, thế mạnh. Chuyến công tác sẽ tiếp tục khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam với các sáng kiến của Nhật Bản, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam tới Nhật Bản sau khi hai nước thiết lập khuôn khổ quan hệ mới.