Phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét 5 nhóm vấn đề quan trọng

(Banker.vn) Sáng 13/12, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 28.

Phát biểu khai mạc phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết phiên họp dự kiến diễn ra trong 3 ngày và được chia thành 2 đợt để phù hợp với những nội dung công tác khác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét 5 nhóm vấn đề quan trọng
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phiên họp sẽ xem xét 19 nội dung quan trọng, tập trung vào 5 nhóm vấn đề.

Thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm Kỳ họp thứ 6 và cho ý kiến về công tác chuẩn bị cho kỳ họp sắp tới của Quốc hội.

Thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua các chương trình công tác trong năm 2024 gồm: Chương trình công tác năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chương trình hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế năm 2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đồng thời, cho ý kiến về chương trình đối ngoại, hợp tác quốc tế của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các nhóm nghị sĩ hữu nghị, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.

Thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng; xem xét đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn tổ chức hoạt động giải trình tại phiên họp Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.

Đối với dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ đây là dự án Pháp lệnh thứ 5 Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét từ đầu nhiệm kỳ tới nay và nằm trong chương trình lập pháp của cả nhiệm kỳ. Do tính chất quan trọng, dự kiến sẽ được xem xét và thông qua theo quy trình hai kỳ họp Quốc hội.

Một số dự án luật được đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 gồm: Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Nhà giáo; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi)... Nhấn mạnh đây là nội dung lập pháp rất quan trọng cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm cho ý kiến về vấn đề này.

Thứ tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với 11 nội dung quan trọng về tài chính - ngân sách, địa giới hành chính, nhân sự.

Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm và miễn nhiệm Đại sứ của Việt Nam.

Thứ năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 10 và tháng 11/2023; cho ý kiến, quyết định bằng văn bản theo thẩm quyền đối với dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân bổ kinh phí hoạt động của các đoàn đại biểu Quốc hội năm 2024.

Kho bạc Nhà nước: Bảo đảm giải ngân vốn ngân sách kịp thời, chặt chẽ

Ngày 11/12, Kho bạc Nhà nước (KBNN) tổ chức Hội nghị tổng kết hệ thống KBNN năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.

Chưa đủ điều kiện nhận lương hưu, người lao động có được nhận trợ cấp hàng tháng?

Điều 23 dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định người lao động đủ tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu ...

Quốc hội xem xét bổ sung dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật năm 2024

Dự kiến, chương trình Phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ diễn ra trong 3 ngày (13 - 14 ...

PV

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán