Phiên giao dịch ngày 1/11/2021: Những cổ phiếu cần lưu ý

(Banker.vn) Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu tâm điểm cho phiên giao dịch 1/11/2021, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam xin trích dẫn để bạn đọc tham khảo.

Công ty chứng khoán VNDirect – VND

Khuyến nghị Khả quan cho cổ phiếu KDC với giá mục tiêu 69.800 đồng/cp

Doanh thu (DT) Q3/21 của CTCP Tập đoàn KIDO (HOSE - Mã: KDC) tăng 10,4% svck lên 2.556 tỷ đồng nhờ tăng trưởng DT từ mảng dầu ăn, +9,0% svck và mảng thực phẩm +14,8% svck trong khi biên lợi nhuận gộp (LNG) giảm 3,5 điểm % svck xuống 19,2% do giá nguyên liệu đầu vào tăng. Trong Q3/21, tỷ lệ thuế suất hiệu dụng của KDC giảm xuống 12,7% từ 21,6% trong Q3/20. Trong khi đó, tỷ lệ lợi ích cổ đông thiểu số / lợi nhuận sau thuế (MI/LNST) giảm 5 điểm % svck xuống 8,6% nhờ việc hợp nhất với KDF vào cuối năm 2020. Như vậy, lợi nhuận ròng Q3/21 vẫn tăng 9,8% svck lên 114 tỷ đồng. Trong 9T21, doanh thu và lợi nhuận ròng của KDC tăng 24,4% svck / 197% svck, đạt 7.444 tỷ đồng và 458 tỷ đồng, hoàn thành 100% dự báo của chúng tôi trong năm 2021.

Ngày 19/10, KDC chính thức ra mắt thương hiệu “KIDO’s Bakery” chuyên cung cấp các sản phẩm bánh tới mạng lưới 450.000 điểm bán của mình. Ngoài ra, KDC thành lập chuỗi cửa hàng cà phê và trà sữa Chuk Chuk với mục tiêu mở 200/1000 cửa hàng đến năm 2023/2025. Trong năm 2022/23, chúng tôi kỳ vọng KIDO’s Bakery sẽ đóng góp 2,3% / 2,6% vào DT của KDC và 4,0%/4,4% vào lợi nhuận gộp của KDC.

VND nâng dự phóng DT của KDC trong năm 2022/23 lên 11%/13,4% so với báo cáo trước chủ yếu nhờ vào kết quả hoạt động tốt hơn mong đợi của mảng dầu ăn sau khi tái cơ cấu. VND giảm biên LNG năm 2022/23 xuống 2,0 điểm %/1,3 điểm % phản ánh áp lực tăng giá nguyên vật liệu. VND tăng chi phí BH&QLDN lên 8,5%/7,9% và giảm tỷ lệ MI/LNST 6 điểm%/6 điểm% để phản ánh chiến lược và sự thành công trong việc tái cơ cấu tập đoàn KDC. Kết quả là, lợi nhuận ròng của KDC trong năm 2022/23 tăng 1,3%/ 9,2%.

VND nâng giá mục tiêu 7,4% lên 69.800 đồng sau khi điều chỉnh tăng 7,5% theo định giá P/E và 7,2% theo định giá chiết khấu dòng tiền. Động lực tăng giá gồm 1) quy trình M&A nhanh hơn dự kiến, 2) liên doanh với Vinamilk, KDC’ Bakery và chuỗi cửa hàng Chuk Chuk thành công. Rủi ro gồm 1) quá trình M&A chậm hơn dự kiến, 2) tăng trưởng các mảng kinh doanh thấp hơn dự kiến và 3) giá vốn hàng bán và chi phí bán hàng & quản lý cao hơn dự kiến.

Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam - FSC

Dư địa tăng giá của cổ phiếu HDC không còn nhiều

Mức Stock Rating của HDC (CTCP Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu – sàn HOSE) ở mức 97 điểm cho nên FSC đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.

Đồ thị giá của HDC xuất hiện khoảng trống tăng giá. Tuy nhiên, KLGD giảm mạnh 39% so với phiên giao dịch trước đó. Ngoài ra, mức Sức mạnh giá đạt gần mức 98 điểm cho thấy dư địa tăng giá không còn nhiều cho nên các NĐT trung hạn nên hạn chế gia tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu.

FSC đã khuyến nghị mua cổ phiếu HDC vào ngày 19/07/2021 với tỷ suất sinh lời tạm tính 97,17% cho nên các NĐT có thể tiếp tục NẮM GIỮ và có thể xem xét chốt lời một phần tỷ trọng đang nắm giữ nếu Sức mạnh giá đạt trên 98 điểm.

Xu hướng trung hạn của cổ phiếu SSI vẫn duy trì ở mức tăng

Mức Stock Rating của SSI (CTCP Chứng khoán SSI – sàn HOSE) ở mức 91 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này.

Đồ thị giá của SSI vượt lên trên đường trung bình 20 ngày với KLGD cải thiện dần và trên mức KLGD trung bình 20 phiên. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn giảm dần và Sức mạnh giá trên 80 điểm cho thấy đồ thị giá bước vào chu kỳ tăng trưởng mạnh. Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn của SSI cũng được nâng lên mức TĂNG.

Xu hướng trung hạn của SSI vẫn duy trì ở mức TĂNG và đồ thị tuần vẫn đang trong giai đoạn tích lũy cho nên đồ thị giá có thể sẽ còn biến động hẹp trong tuần giao dịch tới. FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại.

xem xét mua cổ phiếu TPB ở mức giá hiện tại với tỷ trọng dưới mức 5%

Mức Stock Rating của TPB (Ngân hàng TMCP Tiên Phong – sàn HOSE) ở mức 82 điểm cho nên FSC duy trì đánh giá TÍCH CỰC mức xếp hạng tăng trưởng của cổ phiếu này. Tuy nhiên, mức Sức mạnh giá vẫn dưới mức 80 điểm cho nên các nhà đầu tư chỉ nên nắm giữ với tỷ trọng thấp dưới 5%.

Đồ thị giá của TPB đạt mức cao nhất 52 tuần. Đồng thời, đồ thị giá có dấu hiệu bước vào giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho thấy đồ thị giá có thể sớm vượt mức kháng cự 44.50 và sẽ tiếp tục xác lập các mức đỉnh cao mới trong ngắn hạn. Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn của TPB được nâng lên mức TĂNG.

FSC khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể xem xét MUA ở mức giá hiện tại với tỷ trọng cổ phiếu dưới mức 5% và tăng dần tỷ trọng lên mức 6,25% nếu Sức mạnh giá trên mức 80 điểm.

Kế hoạch hoàn thành mục tiêu cả năm của KBC có vẻ xa vời

KQKD Q3/2021 của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (HOSE - Mã: KBC) không mấy khả quan, do đại dịch COVID tác động đến tiến độ của công ty. Doanh thu Q3/2021 đạt 326 tỷ đồng (-57% QoQ / +61% YoY từ mức nền thấp của Q3/2020), trong đó doanh thu từ bàn giao bất động sản dân dụng đóng góp 52,7%, các dịch vụ khu công nghiệp (KCN) đóng góp 26,3%, cho thuê nhà xưởng đóng góp 11,2%, và phần còn lại đến từ cho thuê KCN. Biên lợi nhuận gộp Q3/2021 của công ty tăng lên 51,1%, so với Q2/2021 là 40,1%.

KBC lỗ ròng 59,3 tỷ đồng trong Q3/2021, kết quả này gây thất vọng khi KBC đã ghi nhận lãi ròng 78 tỷ đồng hồi Q2/2021 và thậm chí kết quả này còn tệ hơn mức lỗ 8,7 tỷ đồng được ghi nhận vào Q3/2020. Chi phí tài chính tăng gấp 2,4x YoY, cao hơn lợi nhuận gộp của công ty, do tổng nợ của công ty tăng lên 2,6x YoY.

Tiến độ bàn giao bị trì trệ do tác động của đại dịch COVID. KBC đã có kế hoạch bàn giao 22ha Giai đoạn 2 của dự án khu đô thị (KĐT) Phúc Ninh, nhưng đại dịch làm kế hoạch này phải trì hoãn. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự như với bất động sản KCN.

Kế hoạch hoàn thành mục tiêu cả năm có vẻ xa vời. Doanh thu 9T2021 đạt 3.077 tỷ đồng (+231% YoY) và LNST đạt 733 tỷ đồng (+660,1% YoY). Số liệu về tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước có vẻ ấn tượng, nhưng doanh thu tính từ đầu năm đến nay chỉ mới hoàn thành 46,6% kế hoạch cả năm của công ty và LNST trong 9T2021 cũng chỉ mới hoàn thành 36,7% kế hoạch.

Ban lãnh đạo cho rằng KBC có thể hoàn thành được kế hoạch năm 2021. KBC kỳ vọng giai đoạn 2 của dự án KĐT Phúc Ninh sẽ đem về 1,4 nghìn tỷ đồng doanh thu, trong đó KBC chỉ mới thu về 30% giá trị hợp đồng. Nếu thực vậy, lượng tiền mặt của KBC có thể sẽ cải thiện. Ban lãnh đạo cũng kỳ vọng hoạt động sản xuất của nhiều khách thuê nước ngoài sẽ khởi động trở lại bắt đầu từ Q4/2021 do các hạn chế đi lại được nới lỏng. Do đó, KBC kỳ vọng sẽ bàn giao khoảng 100ha tại KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh dựa vào hợp đồng MOU đã được ký kết với các bên thuê.

Cập nhật các dự án đang trong quá trình thi công, đại dịch đã khiến quá trình xử lý các thủ lục pháp lý và đền bù đất kéo dài lâu hơn dự kiến, nhưng KBC cho biết rằng chính quyền Hải Phòng đang có những dấu hiệu hỗ trợ tích cực cho kế hoạch phát triển Giai đoạn 3 của dự án KCN Tràng Duệ của công ty. Các nhà sản xuất đang tìm kiếm cơ hội mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam là những khách hàng có cả năng cao sẽ thuê Giai đoạn 3. Ngoài ra, ngày ra mắt dự án KĐT Tràng cát đã bị dời đến năm 2022F. Vì vậy, chính sách “sống chung với đại dịch” có thể là một nhân tố tác động đến lợi nhuận của KBC.

Mặc dù phân khúc KCN rõ ràng đã phải đối mặt với nhiều khó khăn trong Q3/2021, JLL công bố rằng giá đất bình quân (ALP) tại khu vực miền Bắc đã đạt đến 108 USD/m2/chu kỳ thuê (+6,1% YoY). Và cho thuê nhà xưởng xây sẵn (RBF) vẫn duy trì ổn định với giá thuê bình quân (ARP) là 4,6 USD/m2/tháng (+4,7% YoY). Tại khu vực miền Nam, ALP đã tăng lên đến mức cao kỷ lục mới với 114USD/m2/chu kỳ thuê, nhưng đà tăng đã bị chững lại so với quý trước (+0,75% / +7,3% YoY). Ngoài ra, cho thuê RBF tại khu vực miền Nam vẫn ổn định với mức giá 4,5 USD/m2/tháng (+1,4%), điều này có vẻ không có gì đáng ngạc nhiên do chính sách giãn cách xã hội áp dụng trên nhiều tỉnh/thành tại miền Nam đã làm cản trở hoạt động kinh doanh của các nhà sản xuất trong suốt Q3/2021.

Công ty chứng khoán BIDV – BSC

Cắt lỗ nếu cổ phiếu CSV mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 48.000 đồng/cp

Cổ phiếu CSV (CTCP Hóa chất Cơ bản Miền Nam – sàn HOSE) đang hình thành xu hướng hồi phục khá mạnh từ ngưỡng 44.0. Thanh khoản cổ phiếu đã vượt lên ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.

Chỉ báo RSI và chỉ báo MACD đều ủng hộ xu hướng tăng giá. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên đường MA20 và MA50 trong phiên hôm nay, ủng hộ xu hướng tăng giá tích cực.

Nhà đầu tư có thể mở vị thế tại ngưỡng 51.1, chốt lãi tại ngưỡng 63.0 và cắt lỗ nếu cổ phiếu mất ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn 48.0.

Những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo, các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.

Tân An

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán