Phát triển ngành công nghiệp mỹ phẩm: Đâu là lời giải để "cất cánh"?

(Banker.vn) Cục Quản lý Dược đang phối hợp các vụ, cục liên quan thuộc Bộ Y tế xây dựng Nghị định quản lý mỹ phẩm, dự kiến xin ý kiến và ban hành trong năm 2025.
Tái định vị thương hiệu giúp ngành mỹ phẩm Việt vươn xa Doanh nghiệp ngành mỹ phẩm trong cuộc đua định vị thương hiệu Việt Nam là thị trường tiềm năng với các nhà sản xuất, phân phối mỹ phẩm

Ngành công nghiệp mỹ phẩm tại Việt Nam đang trải qua một giai đoạn phát triển đầy sôi động và tích cực, là động lực quan trọng đóng góp vào bức tranh kinh tế của đất nước. Với sự chú trọng ngày càng cao của người tiêu dùng đến việc chăm sóc bản thân và làm đẹp, thị trường mỹ phẩm đang ngày càng lớn mạnh và đầy tiềm năng kinh doanh.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hội khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam cho biết, theo thống kê, năm 2023 riêng thị trường mỹ phẩm toàn cầu đạt trên 400 tỷ đô la, riêng tại Việt Nam con số khoảng 1,1 tỷ đô la.

Phát triển ngành công nghiệp mỹ phẩm: Đâu là lời giải để
Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hội khoa học các sản phẩm thiên nhiên Việt Nam

Tuy nhiên, theo ông Hoàng, dù có sự tăng trưởng nhưng ngành mỹ phẩm Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế như quy mô sản xuất nhỏ; công nghệ dây chuyền sản xuất chưa hiện đại. Các nhà đầu tư ngoại đang hướng về Việt Nam với nhiều dự án sản xuất và mở rộng hệ thống phân phối mỹ phẩm. Các thương hiệu mỹ phẩm Việt do đó đang rơi vào tình trạng bị thu hẹp đáng kể thị phần tiêu thụ.

Mặt khác, việc kiểm tra xuất xứ, nguồn gốc nguyên liệu mỹ phẩm tại Việt Nam còn nhiều bất cập nên tình trạng mỹ phẩm giả, kém chất lượng và hoá chất cấm bày bán tràn lan ra thị trường. Nhiều doanh nghiệp không có giấy phép cũng sản xuất mỹ phẩm, gây ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin tiêu dùng của người Việt.

"Thực tế này kéo theo hệ quả dòng sản phẩm mỹ phẩm nội có uy tín và thương hiệu, thân thiện với sức khỏe người tiêu dùng tại Việt Nam đã khiêm tốn lại ngày càng "teo tóp" hơn", ông Hoàng nhấn mạnh.

Phát triển ngành công nghiệp mỹ phẩm: Đâu là lời giải để
TS. Chu Quốc Thịnh, Trưởng Phòng Quản lý Mỹ phẩm, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế)

Đề cập đến thực trạng ngành công nghiệp mỹ phẩm ở Việt Nam, TS. Chu Quốc Thịnh, Trưởng Phòng Quản lý Mỹ phẩm, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, đây vẫn là ngành công nghiệp non trẻ; hiện cả nước có 35/965 cơ sở sản xuất trong nước đạt nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm của ASEAN.

Bên cạnh đó, sự bùng nổ của lĩnh vực bán lẻ mỹ phẩm cũng đang khiến cho công tác quản lý và kiểm soát trở nên khó khăn hơn. Thống kê từ năm 2012 - 2022, Cục Quản lý Dược đã kiểm tra hậu mại 309 công ty sản xuất mỹ phẩm trong nước và nhập khẩu mỹ phẩm, thu hồi 3.313 sản phẩm mỹ phẩm, đình chỉ lưu hành, thu hồi 519 sản phẩm mỹ phẩm vi phạm chất lượng.

Để tăng cường quản lý thị trường quản lý mỹ phẩm, ông Chu Quốc Thịnh cho biết, Cục Quản lý Dược đang làm đầu mối phối hợp các vụ, cục liên quan thuộc Bộ Y tế xây dựng Nghị định quản lý mỹ phẩm, dự kiến xin ý kiến và ban hành trong năm 2025.

Theo đại diện Cục Quản lý Dược, việc xây dựng, ban hành Nghị định này nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về chính sách, pháp lý cũng như để giải quyết những vấn đề phát sinh khi thị trường mỹ phẩm Việt Nam ngày một gia tăng về quy mô, chủng loại mặt hàng và hình thức kinh doanh mới phát sinh (thương mại điện tử).

Cùng với đó, nâng cao chất lượng mỹ phẩm sản xuất trong nước nhằm tăng tính cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập đồng thời tăng tính an toàn của sản phẩm mỹ phẩm lưu thông trên thị trường Việt Nam, tăng khả năng tiếp cận các sản phẩm mỹ phẩm an toàn chất lượng của người dân.

Phát triển ngành công nghiệp mỹ phẩm: Đâu là lời giải để
Khách hàng ngày càng khó khăn hơn trong việc lựa chọn sản phẩm mỹ phẩm an toàn và chất lượng

TS. Chu Quốc Thịnh thông tin, có 3 nội dung chính sách dự kiến tại Nghị định này, cụ thể:

Thứ nhất, tăng cường quy định về công bố sản phẩm mỹ phẩm để bảo đảm thống nhất trong việc xem xét công bố tính năng, công dụng sản phẩm mỹ phẩm phù hợp với thông lệ quốc tế và Hiệp định hòa hợp mỹ phẩm ASEAN.

Chính sách này nhằm quy định chặt chẽ khâu tiền kiểm bằng việc quy định chặt chẽ hồ sơ công bố mỹ phẩm về tính năng, công dụng và quản lý cơ sở sản xuất tại nước ngoài.

Thứ hai, tăng cường công tác hậu kiểm về quản lý mỹ phẩm phù hợp xu thế cách mạng 4.0 và đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về mỹ phẩm; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đồng thời bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng

Chính sách nhằm tăng cường công tác hậu kiểm bằng việc xây dựng dữ liệu quốc gia về quản lý mỹ phẩm, giải quyết các thủ tục hành chính mỹ phẩm từ trung ương đến địa phương trên hệ thống dịch vụ công và nâng cao vị thế cơ quan thực thi pháp luật mỹ phẩm;

Tăng cường quản lý chất lượng mỹ phẩm, xác định nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm thông qua điều chỉnh hoạt động kinh doanh và thu hồi thuốc trực tuyến và xây dựng mã định danh mỹ phẩm;

Cắt giảm đơn giản hóa thủ tục hành chính về hoạt động quảng cáo mỹ phẩm và bổ sung hình thức gia hạn phiếu công bố mỹ phẩm, đơn giản hóa thủ tục này so với công bố mới do hết hạn hiệu lực số phiếu công bố.

Thứ ba, nâng cao chất lượng mỹ phẩm sản xuất trong nước thông qua việc áp dụng CGMP-ASEAN và lộ trình triển khai.

"Theo dự báo, năm 2024 và những năm tiếp theo thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển và tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, để phát triển, doanh nghiệp cần chú trọng đến chất lượng sản phẩm, tính bền vững, đổi mới công nghệ và tiếp cận khách hàng thông qua các kênh trực tuyến. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh và duy trì sự linh hoạt, thay đổi phù hợp để đáp ứng nhu cầu khách hàng", TS. Thịnh nhấn mạnh.

Chí Tâm

Theo: Báo Công Thương