Nguy cơ tái nghèo, phát sinh nghèo còn cao
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, chiều 30/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh - đoàn Lai Châu |
Đại biểu Quốc hội Hoàng Quốc Khánh - đoàn Lai Châu bày tỏ đồng tình với nội dung báo cáo cũng như dự thảo Nghị quyết. Giám sát đã chỉ ra công tác giảm nghèo chưa thật sự đạt mục tiêu đa chiều, bền vững, nguy cơ tái nghèo, phát sinh nghèo còn cao, một số địa phương khó khăn đã được công nhận nông thôn mới vẫn còn tình trạng nợ tiêu chí, hụt tiêu chí, trong đó có nhiều tiêu chí quan trọng.
Bên cạnh đó, báo cáo giám sát chưa đánh giá đầy đủ số liệu đến thời điểm hiện nay có bao nhiêu tỉnh, huyện, xã đạt nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2020 nợ tiêu chí, hụt tiêu chí.
Mục đích giám sát là để đánh giá thực chất kết quả xây dựng nông thôn mới, tránh tình trạng chạy theo số lượng, vì khi đã đạt chuẩn nông thôn mới, những chính sách xã hội về giáo dục, y tế, an sinh xã hội bị cắt giảm do không còn là đối tượng được hưởng chính sách, trong khi đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, tái nghèo còn cao, nhiều địa phương vẫn phải bố trí ngân sách để hỗ trợ.
Đại biểu đề nghị Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể hơn trong thu hồi quyết định công nhận nông thôn mới với các địa phương được công nhận từ giai đoạn trước nhưng hụt tiêu chí, nợ tiêu chí, không đạt tiêu chuẩn theo quy định hiện nay.
Về dự thảo Nghị quyết, đại biểu cho rằng, hiện nay tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu dẫn đến mưa lũ, sạt lở đất nghiêm trọng tại miền núi nên Chính phủ cần tập trung giải quyết dứt điểm những khó khăn, bức xúc nhất về đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt, quy hoạch sắp xếp ổn định dân cư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hoàn thành trong năm 2023.
Cần tách bạch mục tiêu trong từng chính sách
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung - đoàn Hải Dương cho rằng, về mục tiêu chính sách của Chương trình giảm nghèo bền vững, mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025 là đồng thời thực hiện mục tiêu của chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, vừa thực hiện mục tiêu của chính sách an sinh xã hội.
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung - đoàn Hải Dương |
Trong khi đó, có nhiều loại hộ nghèo khác nhau với các nguyên nhân nghèo khác nhau: Nghèo do không có vốn, không có đất canh tác, do già, ốm đau, tai nạn không có sức lao động, do thiếu kiến thức, kỹ năng, không chăm chỉ...
Để chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất phát huy hiệu quả, đại biểu cho rằng cần tách bạch mục tiêu trong từng chính sách, không nên lồng ghép mục tiêu an sinh xã hội trong chính sách hỗ trợ phát triển. Chính sách hỗ trợ cần được xây dựng dựa trên quan hệ và các quy luật của thị trường, phù hợp với điều kiện thực tế.
Theo đại biểu đoàn Hải Dương, chính sách hỗ trợ phát triển về nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế nên hướng tới các doanh nghiệp, hộ gia đình có năng lực sản xuất, còn chính sách an sinh xã hội, trợ giúp hộ đói, hộ nghèo nên hướng tới các đối tượng là người già, người yếu thế không có khả năng lao động, người dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vì các đối tượng này nằm trong các hộ không có khả năng mở rộng sản xuất.
"Việc tách bạch mục tiêu này sẽ giúp phát huy toàn diện mọi mặt của từng chính sách, đáp ứng mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế được tái nghèo, phát sinh nghèo" - đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang - đoàn Vĩnh Long ghi nhận thời gian qua, việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đã kế thừa hiệu quả các kết quả của các giai đoạn trước. Đồng thời, đã có những đóng góp quan trọng, làm thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi.
Đời sống nhân dân vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số từng bước được cải thiện, an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn, miền núi tăng khá, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm đáng kể.
Tuy nhiên, qua thực tế giám sát, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong phối hợp xây dựng cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện, trong việc ban hành văn bản hướng dẫn, phân bổ vốn…
Theo đó, đại biểu đề nghị, Chính phủ tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phân công, phân cấp toàn diện hơn, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; thực hiện đồng bộ các biện pháp kiểm tra, giám sát, thanh tra để kịp thời phát hiện những bất cập nảy sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.
Chính phủ cần tiếp tục có cơ chế phù hợp đối với các địa phương không thể cân đối đủ nguồn lực đối ứng thực hiện các chương trình, nhất là các tỉnh miền núi, khu vực khó khăn để các địa phương này có thêm nguồn lực thực hiện các mục tiêu, chương trình và không bị bỏ lại phía sau trong xu thế phát triển chung của cả nước.
Quỳnh Nga
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|