PG Bank đại hội bất thường bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị mới

(Banker.vn) Ngày 23/10, ông Phạm Mạnh Thắng được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank).
PG Bank và HDBank thông qua ý kiến cổ đông về việc sáp nhập Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam thoái vốn khỏi PG Bank Vừa có Chủ tịch mới, gần 52% cổ phần PG Bank được “sang tay”

Ngày 23/10, tại tỉnh Ninh Bình, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank, mã PGB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023.

Tại đại hội, Ngân hàng trình cổ đông thông qua 4 nội dung chính, trong đó nội dung thông qua phương án cơ cấu và nhân sự cho Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Theo đó, PGBank miễn nhiệm tư cách thành viên Hội đồng quản trị đối với Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Phi Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Tiến Dũng và các thành viên Hội đồng quản trị gồm: ông Nguyễn Mạnh Hải, Oliver Schwarzhaupt và Nilesh Banglorewala.

Ở chiều ngược lại, PG Bank bầu bổ sung 5 thành viên Hội đồng quản trị bao gồm ông Đào Phong Trúc Đại, ông Phạm Mạnh Thắng, bà Đinh Thị Huyền Thanh, ông Vương Phúc Chính và ông Nguyễn Thành Lâm.

PG Bank cũng miễn nhiệm tư cách Trưởng Ban kiểm soát và thành viên Ban kiểm soát đối với bà Dương Ánh Tuyết và ông Nguyễn Tuấn Vinh; bầu bổ sung 2 thành viên Ban kiểm soát chuyên trách, bao gồm ông Trần Ngọc Dũng và ông Trịnh Mạnh Hoán.

Được biết, các ứng viên dự kiến đều đã được thẩm định, phê chuẩn từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và được các cổ đông bỏ phiếu với tỷ lệ nhất trí cao.

PG Bank đại hội bất thường bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị mới
Ông Phạm Mạnh Thắng (thứ 3 từ phải sang) và các thành viên Hội đồng quản trị mới của PG Bank nhiệm kỳ 2020 - 2025

Theo kết quả phiếu bầu tại Đại hội, Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới sẽ gồm 6 thành viên: Ông Phạm Mạnh Thắng, ông Đào Phong Trúc Đại, bà Đinh Thị Huyền Thanh, ông Đinh Thành Nghiệp, ông Vương Phúc Chính, ông Nguyễn Thành Lâm (thành viên Hội đồng quản trị độc lập).

Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm 3 thành viên: ông Trần Ngọc Dũng, ông Trịnh Mạnh Hoán, bà Hạ Hồng Mai.

Cùng ngày, Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát PG Bank đã tiến hành họp phiên thứ nhất bầu ra Chủ tịch Hội đồng quản trị và Trưởng Ban kiểm soát. Với sự đồng thuận cao, ông Phạm Mạnh Thắng đã được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Đào Phong Trúc Đại làm Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Trần Ngọc Dũng được bầu làm Trưởng ban Kiểm soát của PG Bank.

Bên cạnh nội dung cơ cấu nhân sự của Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, Đại hội cũng thông qua các nội dung khác về phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 và thông qua thay đổi tên thương mại, chuyển địa điểm đặt trụ sở chính của PG Bank về địa chỉ: Tòa nhà HEAC số 14-16 Hàm Long, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Đại hội cũng thông qua phương án tăng vốn điều lệ sớm hơn 2 năm so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Kế hoạch này nhằm bổ sung nguồn vốn kinh doanh, hiện đại hóa công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của PG Bank trong giai đoạn mới.

Tân chủ tịch PG Bank Phạm Mạnh Thắng sinh năm 1962, là Tiến sĩ kinh tế và có 39 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Trước đây, ông Thắng là Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Ông Trần Ngọc Dũng, Trưởng Ban Kiểm soát của PG Bank sinh năm 1966, là cử nhân tài chính tín dụng, cử nhân quản trị kinh doanh, cử nhân Luật học. Ông Dũng có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và hiện tại giữ chức vụ Trưởng Kiểm toán nội bộ PG Bank. Trước đây, ông Dũng đã từng công tác tại Ngân hàng TMCP Nam Á và là Trưởng ban Kiểm soát Ngân hàng Xuất Nhập khẩu Việt Nam.

Đại diện PGBank cho biết sau khi kiện toàn nhân sự cấp cao, ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện các công việc để kiện toàn hệ thống quản trị, nâng cao năng lực kinh doanh hiệu quả, an toàn.

Theo đó, PGBank sẽ tập trung vào 3 trụ cột chính gồm: Nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa các sản phẩm, đầu tư nâng cấp hệ thống công nghệ, hoàn thiện quy trình vận hành, quy trình quản trị; nâng cao năng lực quản trị rủi ro; phát triển nguồn nhân lực lớn mạnh hơn về cả chất và lượng.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương