Ông Trịnh Văn Quyết cam kết khắc phục hậu quả; Sạt lở gần Thủy điện Đồng Nai 4

(Banker.vn) Ông Trịnh Văn Quyết nói sẽ khắc phục hậu quả và sạt lở nghiêm trọng trên tuyến đường gần Thủy điện Đồng Nai... là những thông tin đáng chú ý ngày 25/7.
Điểm nóng 24h ngày 24/7: Ông Trịnh Văn Quyết khắc phục hậu quả thế nào? Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết: Mong bán cổ phần tập đoàn trị giá tỉ đô để khắc phục hậu quả

Ông Trịnh Văn Quyết nói sẽ khắc phục hậu quả do thao túng chứng khoán

Sáng 25/7, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP. Hà Nội bước sang ngày làm việc thứ tư, xét xử vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) và các đơn vị liên quan.

Theo dự kiến, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội giữ quyền công tố và kiểm sát xét xử sẽ trình bày phần luận tội và quan điểm giải quyết vụ án.

Tuy nhiên, đầu phiên làm việc, đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử quay lại phần xét hỏi để làm rõ một số tình tiết liên quan tới lời khai về “cam kết” khắc phục hậu quả của bị cáo Trịnh Văn Quyết và gia đình.

Người dân nghẹn ngào tiễn biệt TBT Nguyễn Phú Trọng; Ông Trịnh Văn Quyết cam kết khắc phục hậu quả
Bị cáo Trịnh Văn Quyết tại tòa

Trả lời Hội đồng xét xử, bị cáo Quyết khai, tính riêng phần tiền nộp để khắc phục hậu quả, đến nay bị cáo đã tác động gia đình nộp khắc phục được gần 240 tỷ đồng.

Từ khi khởi tố, bắt tạm giam về hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán”, bị cáo đã liên tục làm việc với Cơ quan điều tra và luôn xin được khắc phục số tiền thiệt hại là trên 700 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, bị cáo đã làm việc với luật sư, với mong muốn xin dùng các tài sản của mình để khắc phục. Cụ thể, bị cáo đã bán hãng hàng không Bamboo trước để có tiền đền bù và đã thu được 200 tỷ đồng, nộp tiền vào tài khoản của Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra để khắc phục; còn lại 500 tỷ đồng, đối tác cam kết chuyển về Cơ quan điều tra để bị cáo tiếp tục khắc phục hậu quả.

Cựu Chủ tịch FLC cho biết, số tiền này đủ để khắc phục hậu quả của hành vi “Thao túng thị trường chứng khoán” mà bị cáo đã gây ra, với cáo buộc gây thiệt hại 723 tỷ đồng.

Trong thời gian điều tra, bị cáo Trịnh Văn Quyết cho biết luôn tìm cách để khắc phục và đã nhiều lần xin bán toàn bộ tài sản tích góp, bao gồm tài sản cá nhân và cổ phần tại Tập đoàn FLC, nhưng đến nay chưa được chấp thuận.

Trước đó, trả lời phần xét hỏi của luật sư, cựu Chủ tịch FLC và vợ đều khẳng định, sẽ dùng toàn bộ tài sản hiện có để khắc phục triệt để hậu quả trong vụ án này.

Sạt lở trên tuyến đường thuỷ điện Đồng Nai 4

Ngày 25/7, UBND huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông cho biết, mưa lớn kéo dài đã làm cho tuyến đường hướng từ xã Quảng Khê đi Thủy điện Đồng Nai 4 xảy ra sạt lở tại Km9+780 đến Km9+820.

Vị trí sạt lở này có tuyến mương thu nước mưa bên hướng taluy dương, được kết nối cống ngang đường qua phía taluy âm để đưa nước chảy xuống vực thoát ra hồ thủy điện.

Bên phía taluy âm miệng cống thoát nước được thi công sát với thành đường, lượng mưa nhiều cộng thời gian lâu dẫn đến xói mòn phía dưới chân cống dẫn đến sạt lở, cục bộ từ mép đường bên hướng taluy âm với chiều rộng khoảng 10 m, chiều sâu khoản từ 5 m đến mép hồ thủy điện. Hiện tượng tiềm ẩn nguy cơ sạt lở nặng, mất an toàn giao thông.

Sau khi xảy ra sự việc, UBND huyện Đắk Glong cùng lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn của huyện, lãnh đạo UBND xã Quảng Khê kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác khắc phục bảo đảm lưu thông cho các phương tiện trên tuyến đường Thủy điện Đồng Nai 4.

Hiện, khu vực sạt lở đã được giăng dây, đặt biển cảnh báo nguy hiểm; phát quang diện rộng tại khu vực sạt lở và những đoạn che khuất tầm nhìn, đồng thời vét mương, rãnh những vị trí bị tắc nghẽn bảo đảm việc lưu thông an toàn cho các phương tiện khi tham gia giao thông.

Hàng chục người thản nhiên tắm dưới chân đập khi Thủy điện Hòa Bình mở 3 cửa xả

Tối 24/7, Thượng tá Nguyễn Quang Huy, Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh Hoà Bình cho biết, các lực lượng của đơn vị những ngày qua liên tục phát loa nhắc nhở người dân không được tắm ở vùng nước cấm tại hạ lưu sông Đà (ngay dưới chân đập thủy điện Hòa Bình).

Cụ thể, trong hôm nay, lực lượng CSGT sử dụng phương tiện đường thuỷ chuyên dụng kèm theo loa phóng thanh đi dọc hạ lưu sông Đà, thuộc địa phận phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình để nhắc nhở hàng chục người dân đang tắm sông.

Theo thống kê sơ bộ của lực lượng chức năng, trong hôm nay, khi Thuỷ điện Hoà Bình mở 3 cửa xả, có khoảng 20-30 người dân vẫn tắm ở dưới khu vực chân đập thuỷ điện. Lực lượng Công an phường đứng trên bờ nhắc nhở, còn CSGT lái xuồng đến vùng nước có người tắm để yêu cầu người dân lên bờ.

Theo Thượng tá Huy, mặc dù người dân có mặc áo phao khi xuống tắm, nhưng với diễn biến bất ngờ của thời tiết cộng với thuỷ điện mở cửa xả thì vẫn tiềm ẩn nguy cơ đuối nước. Vào năm 2023, do tắm tại vùng nước cấm nêu trên nên 2 người đã tử vong.

Những ngày qua, nhiều tỉnh khu vực Tây Bắc Bộ xảy ra mưa lớn kéo dài. Các nhà máy thuỷ điện Hoà Bình và Sơn La cùng một số hồ chứa đồng loạt mở cửa xả lũ.

Theo thông báo mới nhất, Công ty Thủy điện Hòa Bình sẽ mở cửa xả thứ 4 vào lúc 23h hôm nay và Công ty Thủy điện Sơn La mở cửa xả đầu tiên lúc 18h ngày 24/7.

Vào thời điểm 14h chiều 24/7, theo báo cáo của cơ quan chức năng, mực nước thượng lưu hồ Hòa Bình chạm ngưỡng trên 104m (dưới mực nước dâng bình thường hơn 12m, trên mực nước chết gần 25m). Lưu lượng nước về hồ gần 6.000 m3/s, lưu lượng chạy máy và qua ba cửa xả gần 7.000 m3/s.

Minh Trang

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục