Nóng: Mực nước trên sông Hồng, sông Cầu, sông Thương đồng loạt giảm

(Banker.vn) Sáng ngày 13/9, mực nước lũ trên sông Hồng, sông Thái Bình và hệ thống các sông của miền Bắc đã bắt đầu giảm. Nước trên hồ Thác Bà cũng đã xuống...
Vĩnh Phúc phát lệnh báo động II lũ trên sông Lô, đê đắp thêm cả mét vẫn chỉ thấy nước Hà Nội: Các chốt cửa khẩu… cấm dân qua lại để đảm bảo an toàn Hà Nội: Rút lệnh báo động lũ cấp II trên sông Hồng và sông Đuống

8h sáng nay (13/9), Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội cho biết, lúc 1h ngày 13/9, mực nước thực đo sông Hồng tại trạm thủy văn Hà Nội (quận Long Biên) ở mức 10,39 m (mực nước báo động lũ cấp II là 10,5 m); tại trạm thủy văn Sơn Tây ở mức 12,23 m (mực nước báo động lũ cấp I là 12,4 m).

Căn cứ mực nước thực đo, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Hà Nội lệnh rút báo động lũ cấp II trên sông Hồng vào hồi 1h ngày 13/9 tại địa phận các quận: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện: Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm.

Rút báo động lũ cấp I trên sông Hồng vào hồi 1h ngày 13/9 tại địa phận thị xã Sơn Tây và các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Mê Linh…

Thông tin mới nhất về tình hình lũ trên hệ thống các sông miền Bắc
Lũ trên sông Hồng, đoạn quận Long Biên (Hà Nội) đã xuống dưới mức báo động cấp II
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, mực nước thực đo trên sông Hồng tại trạm thủy văn Hà Nội (quận Long Biên) lúc 7h sáng nay (13/9) ở mức 10,02 m, dưới báo động lũ cấp II là 48 cm.

Ngoài sông Đáy không lên, không xuống, lũ trên các sông lớn ở miền Bắc, như: Thao, Chảy, Lô, Thương, Lục Nam, Thái Bình, Đáy, Hồng, Cầu, Hoàng Long đang xuống.

Dự báo đến 13h hôm nay, mực nước sông Hồng tại trạm thủy văn Hà Nội (quận Long Biên) ở mức 9,9 m, giảm 12 cm so với mực nước thực đo lúc 7h sáng nay.

Lũ nhiều sông đang xuống

Lũ trên sông Cầu (tỉnh Bắc Ninh) đã đạt đỉnh ở mức 7,79 m, trên BĐ3 (báo động 3) 1,49 m lúc 20h ngày 12/9, dưới mức lũ lịch sử năm 1971 (7,84 m) 0,05 m và đang xuống chậm.

Lũ trên sông Thái Bình (TP. Hải Dương) đang xuống chậm. Lũ trên sông Hoàng Long (tỉnh Ninh Bình) tại Bến Đế đã đạt đỉnh ở mức 4,93 m (trên BĐ3 0,93 m) lúc 19h ngày 12/9 và đang xuống chậm.

Lũ trên sông Thương (tỉnh Bắc Giang) đang xuống chậm. Lũ trên sông Hồng (TP. Hà Nội) đang xuống. Lũ trên sông Lục Nam (tỉnh Bắc Giang) đang xuống chậm.

Mực nước lúc 1h ngày 13/9, trên các sông như sau: Trên sông Cầu tại Đáp Cầu 7,74 m, trên BĐ3 1,48 m; dưới mức nước lũ lịch sử năm 1971 (7,84 m) 0,06 m. Trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương 7,06 m, trên BĐ3 0,76 m. Trên sông Lục Nam tại Lục Nam 6,32 m, trên BĐ3 0,02 m. Trên sông Hoàng Long tại Bến Đế 4,88 m, trên BĐ3 0,88 m. Trên sông Thái Bình tại Phả Lại 6,17 m, trên báo động 3 0,17 m. Trên sông Hồng tại Hà Nội 10,50 m, ở mức báo động 2.

Nóng: Mực nước trên sông Hồng, sông Cầu, sông Thương đồng loạt giảm
Mực nước trên sông Thái Bình đang xuống dần nhưng vẫn chậm. Ảnh: Báo Hải Dương

Trong 12 giờ tới, lũ trên sông Lục Nam xuống dưới mức báo động 3; trên sông Cầu tại Đáp Cầu, sông Thương tại Phủ Lạng Thương, sông Lục Nam tại Lục Nam, sông Hoàng Long tại Bến Đế tiếp tục xuống nhưng vẫn ở trên mức báo động 3.

Trong 12 - 24 giờ tiếp theo, lũ trên sông Cầu, sông Thương và sông Hoàng Long tiếp tục xuống nhưng vẫn ở trên mức báo động 3; sông Lục Nam và sông Thái Bình tiếp tục xuống nhưng vẫn trên mức báo động 2; sông Hồng tại Hà Nội sẽ xuống dưới mức báo động 2.

Cảnh báo trong 24 giờ tới, mực nước nhiều trạm hạ lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình có xu thế biến đổi chậm, phổ biến ở mức cao từ BĐ2 - BĐ3, có nơi trên mức báo động 3.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, quá trình thoát lũ, giảm lũ trên hệ thống sông Hồng có khả năng diễn ra chậm, nên tình trạng ngập còn diễn ra nhiều ngày tại các vùng trũng, vùng thấp ven sông, bãi bồi ngoài đê chính tại các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hải Dương.

Mực nước lũ lên cao kéo dài nhiều ngày có thể gây tràn vỡ các đê bối ven sông, sạt lở đê, kè có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vị trí xung yếu ven sông thuộc các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình.

Thúy Vy

Theo: Báo Công Thương