Nới room tín dụng, tạo đà cho doanh nghiệp tăng tốc dịp cuối năm

(Banker.vn) Việc Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng sẽ góp phần giải tỏa một phần nhu cầu vốn cuối năm của doanh nghiệp và người dân.
Nới room tín dụng, lãi suất tiền gửi tiếp tục tăng nóng hơn 12%/năm Ngân hàng Nhà nước chính thức công bố "room" tín dụng toàn hệ thống ở mức 14% Những ngân hàng nào được 'nới' room tín dụng?

Nỗ lực “bơm” hơn 1 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế

Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 26/8, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 6,63% so với cuối năm 2023. Với mục tiêu của Chính phủ là 15%, trong 4 tháng còn lại của năm, cần phải đẩy thêm 8,37%, tương đương 1.135.723 tỷ đồng vào nền kinh tế.

Theo nhận định của các chuyên gia, kinh tế đang dần khởi sắc, nhu cầu vốn của doanh nghiệp khôi phục vào mùa kinh doanh cuối năm sẽ là những yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tín dụng thời gian tới. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14 - 15% cả năm của Ngân hàng Nhà nước có thể hoàn thành.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng đánh giá, sau đợt “tăng tốc” của tín dụng trong tháng 6, tháng 7 đã có nhịp chậm do nền kinh tế phải có thời gian hấp thụ. Tín dụng tháng 8 tăng lên cho thấy nhu cầu vốn của các thành phần trong nền kinh tế bắt đầu phục hồi. “Hiện cùng với môi trường kinh tế thuận lợi hơn, lãi suất thấp và chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước được cho là những yếu tố có tác động đến tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm” - TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Thực tế, các ngân hàng đang nỗ lực và thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực đẩy vốn ra nền kinh tế khi liên tục tung ra nhiều chương trình, chính sách ưu đãi, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp tận tín dụng thuận lợi với chi phí hợp lý.

Đơn cử như, Agribank đang triển khai 14 chương trình, sản phẩm tín dụng đối với khách hàng mới, trong đó có 9 chương trình cho khách hàng cá nhân, 5 chương trình cho khách hàng doanh nghiệp. Đồng thời, Agribank tăng quy mô chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản từ 3.000 tỷ đồng lên 8.000 tỷ đồng. Đặc biệt, ngân hàng này đã có 4 lần giảm lãi suất cho vay với sàn lãi suất giảm từ 0,5 - 1%/năm. Hiện tại, lãi suất cho vay VND của Agribank thuộc nhóm thấp trên thị trường.

Agribank đồng hành chia sẻ khó khăn, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp
Các ngân hàng đang nỗ lực và thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực đẩy vốn ra nền kinh tế. Ảnh: Agribank

Đại diện BAOVIET Bank cho biết, đã tích cực triển khai rất nhiều giải pháp, quán triệt quyết tâm tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Mới đây nhất, ngân hàng dành gói tín dụng hạn mức 300 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp với lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,5%/năm. Theo đó, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vay vốn tại BAOVIET Bank với mục đích bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh sẽ được giảm lãi suất tối đa 0,7%/năm cho 6 tháng đầu.

“Quyết liệt tiết giảm chi phí, đầu tư mạnh vào chuyển đổi số giúp chúng tôi có thêm dư địa để tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Với nguồn lực sẵn có, ngân hàng đã, đang và sẽ tiếp tục hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế. Song song đó, chúng tôi vẫn đảm bảo kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả” - lãnh đạo BAOVIET Bank khẳng định.

Còn tại Eximbank, ngân hàng này có gói cho vay sản xuất, kinh doanh ngắn hạn với lãi suất chỉ từ 4,75%/ năm. Ưu điểm của gói vay giúp khách hàng tiết kiệm thời gian và chủ động trong kế hoạch kinh doanh, sản xuất với thủ tục nhanh gọn, duyệt hồ sơ chỉ trong vòng 8 giờ. Ngoài ra, Eximbank còn linh hoạt về chứng từ kinh doanh lên đến 7,5 tỷ đồng và cho phép khách hàng lựa chọn kỳ hạn thanh toán phù hợp với tình hình kinh doanh thực tế.

Bắt kịp xu thế chuyển đổi xanh, TPBank cho biết, tiếp tục đẩy mạnh các gói vay dành cho doanh nghiệp có phương án, dự án xanh với mức lãi suất ưu đãi, chỉ 0%/năm trong 3 tháng đầu. Các dự án, phương án xanh được nhà băng tím ưu đãi lãi suất 0%/năm là các dự án, phương án thuộc các lĩnh vực ưu tiên, phát triển bền vững như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; giao thông vận tải bền vững; nông nghiệp bền vững; xây dựng và bất động sản xanh; quản lý nước và chất thải bền vững với chính sách hỗ trợ lãi suất ưu đãi…

Trong báo cáo mới nhất, công ty chứng khoán VPBank (VPBankS) cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay có thể đạt được khi kỳ vọng vào mùa tiêu dùng, sản xuất kinh doanh vào nửa cuối năm, thêm việc FED hạ lãi suất, hỗ trợ cho chính sách tiền tệ “đi ngược thế giới của Việt Nam. Bên cạnh đó, những thay đổi trong một số luật như Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở mới cũng sẽ hỗ trợ tăng trưởng tín dụng. Ngoài ra, động lực tăng trưởng tín dụng còn đến từ sự khởi sắc trong hoạt động thu hút FDI, xuất nhập khẩu, bất động sản khu công nghiệp.

Nới room tín dụng, tạo đà cho doanh nghiệp tăng tốc dịp cuối năm
Đến ngày 26/8, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 6,63% so với cuối năm 2023

Thêm dư địa cho ngân hàng thương mại mở rộng tín dụng vào lĩnh vực cần thiết

Bên cạnh những nỗ lực từ các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cũng có các động thái nhất định: Mở rộng tín dụng, đảm bảo thanh khoản và duy trì ổn định lãi suất cho vay phù hợp,… Theo thông báo mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, kể từ ngày 28/8, các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu mà Ngân hàng Nhà nước đã thông báo từ đầu năm sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng (room tín dụng) dựa trên cơ sở điểm xếp hạng.

Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng không cần phải đề nghị. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng định hướng các ngân hàng ưu tiên chất lượng tài sản và tăng trưởng tín dụng bền vững khi duy trì ổn định mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay.

Đánh giá về động thái này của nhà điều hành, Trung tâm Phân tích VPBankS Research - cho rằng, chính sách này sẽ là động lực cho các ngân hàng cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong việc giành room tín dụng và thị phần. Có thêm dư địa cho ngân hàng thương mại mở rộng tín dụng vào lĩnh vực cần thiết, chính sách lãi suất sẽ có xu hướng ưu đãi hơn, có lợi cho người vay.

Theo thống kê từ Báo cáo tài chính Quý II của các tổ chức tín dụng, có 4 ngân hàng đã hoàn thành khoảng 80% chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trở lên bao gồm: HDBank (HDB), Techcombank (TCB), LPBank (LPB) và ACB. Các chuyên gia của VPBankS Research nhận định, mức tăng thêm sẽ dao động từ 2% - 2,5% tùy từng ngân hàng. Sau khi được tăng, room tín dụng mới của 4 ngân hàng này nằm trong khoảng 18% - 18,7%.

Cũng đánh giá về động thái nới hạn mức tăng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia - cho rằng, quyết định này là phù hợp trong bối cảnh áp lực bên ngoài về lạm phát, lãi suất và tỷ giá đã dịu bớt khá nhiều. Động thái này sẽ góp phần giải tỏa một phần nhu cầu vốn cuối năm của doanh nghiệp và người dân; hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất - kinh doanh, ổn định thị trường và ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng cuối năm và đầu năm tới.

Song song với việc nới room tín dụng, tuần qua còn ghi nhận diễn biến đáng chú ý khi Ngân hàng Nhà nước đã dừng chào bán tín phiếu. Đây là lần đầu tiên trong nhiều tháng trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước không phát hành tín phiếu mới.

Theo đó, từ đầu tháng 8 tới nay, Ngân hàng Nhà nước liên tục điều chỉnh giảm lãi suất tín phiếu mức 4,5%/năm xuống còn 4,25%/năm, rồi giảm tiếp về 4,2%/năm. Đến ngày 27/8, Ngân hàng Nhà nước dừng chào bán tín phiếu.

Trên kênh cầm cố, ngày 27/8, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào thầu 15.000 tỷ đồng, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất giữ ở mức 4,25%/năm. Trong phiên này, có 14.989,65 tỷ đồng trúng thầu, có 4.878,51 tỷ đồng đáo hạn. Ngân hàng Nhà nước không chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, có 6.500 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, Ngân hàng Nhà nước bơm ròng 16.611,14 tỷ đồng ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở cũng đánh dấu phiên bơm ròng mạnh nhất của nhà điều hành kể từ tháng 7. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố là 49.594,69 tỷ đồng, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường còn ở mức 32.199,7 tỷ đồng.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, việc giảm dần lãi suất và dừng phát hành tín phiếu diễn ra trong bối cảnh áp lực tỷ giá hạ nhiệt đã cho phép Ngân hàng Nhà nước linh hoạt hơn trong điều hành chính sách tiền tệ. Theo đó, nhà điều hành sẽ có thêm không gian chính sách để hỗ trợ thanh khoản thị trường thông qua kênh thị trường mở cũng như điều kiện để bổ sung dự trữ ngoại hối vào giai đoạn cuối năm nay.

Tại Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 27/8/2024 về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước, thủ tướng yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ nhịp nhàng với tài khoá để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, kích thích tiêu dùng nội địa.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác. Điều hành tín dụng hài hòa với diễn biến kinh tế vĩ mô, điều hành tỷ giá linh hoạt theo thị trường nhằm ổn định thị trường ngoại tệ… góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát. Tiếp tục chỉ đạo triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiên cứu xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực tiêu dùng, tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Đẩy mạnh triển khai cho vay qua các hình thức điện tử, trực tuyến; đơn giản hóa thủ tục vay vốn, vay tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn vay nhằm thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa trong nước sản xuất.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các tổ chức tín dụng bảo đảm các chính sách của Nhà nước đến với người dân, doanh nghiệp kịp thời, đúng đối tượng.

Chỉ đạo đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi như: Chương trình gói tín dụng 140 nghìn tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội; Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”; mở rộng Chương trình cho vay 30.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản.

Ngân Thương - Thùy Linh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục